Xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn của DN Nhà nước
Tiếp tục cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp Nhà nước | |
Doanh nghiệp nhà nước: Cổ phần hóa đi kèm điều kiện! |
Đã có 411 doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết
Theo cáo cáo giám sát, công tác cổ phần hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Giai đoạn 2011-2016 cả nước cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Đã thực hiện được mục tiêu đa dạng hóa sở hữu tại doanh nghiệp, nhờ đó huy động được nguồn vốn xã hội đầu tư vào doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương thức quản trị, tạo ra động lực để phát triển và nâng cao hiệu quả SXKD.
Một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Hàng không, qua đó tìm được nguồn hỗ trợ không chỉ về tài chính mà còn về quản trị doanh nghiệp, kinh nghiệm chuyên môn, phát triển thị trường...
Các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã thực hiện trình tự, thủ tục cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật, hài hòa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người lao động tại doanh nghiệp. Cơ chế xử lý tài chính được hoàn thiện hơn. Các thông tin liên quan đến cổ phần hóa DNNN được công khai, minh bạch, phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức.
Việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đăng ký giao dịch, niêm yết của các doanh nghiệp cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán. Đến nay đã có 411 doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; ngoài ra có 207 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.
Báo cáo cũng cho biết, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được quan tâm thực hiện. Hầu hết người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được tiếp tục làm việc, đào tạo lại để nâng cao trình độ. Lao động dôi dư ở các doanh nghiệp cổ phần hóa được hưởng chính sách trợ cấp, hỗ trợ đào tạo để bố trí việc làm mới tại doanh nghiệp hoặc tự thu xếp công việc mới.
Nguồn vốn thu được sau khi cổ phần hóa DNNN chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Số dư Quỹ tại thời điểm 01/1/2011 là 17.797 tỷ đồng; thu Quỹ giai đoạn 2011 - 2016 đạt 110.264 tỷ đồng; chi Quỹ là 114.807 tỷ đồng; số dư Quỹ tại thời điểm 31/12/2016 là 13.254 tỷ đồng.
Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao |
Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án
Tuy nhiên qua giám sát, đoàn công tác đã nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế và một số vi phạm trong công tác cổ phần hóa như:
Một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều TCT tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài.
Các doanh nghiệp cổ phần hóa mà tỷ lệ chào bán ra bên ngoài dưới mức chi phối (<50%) chưa thực sự thu hút nhà đầu tư, đặc biệt đối với các nhà đầu tư muốn dành quyền chi phối doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Một số trường hợp chậm trễ trong việc đăng ký lưu ký và giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tính đến tháng 8/2017, còn 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa thực hiện nội dung này. Một số trường hợp chậm bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC. Các nội dung thu chi Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp chưa được báo cáo Quốc hội hàng năm.
Cụ thể về thực hiện chính sách pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016, công tác xử lý tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá còn có trường hợp chưa chặt chẽ, sai nguyên tắc, sai chế độ; đánh giá không chính xác giá trị tài sản; Sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, xác định giá trị doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nguyên tắc thị trường... dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.
Việc hạch toán SXKD và thực hiện nghĩa vụ với NSNN chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định, phản ánh sai lệch tình hình tài chính, kết quả SXKD và nghĩa vụ của doanh nghiệp với nhà nước.
Công tác quyết toán cổ phần hóa ở một số nơi thực hiện chậm so với quy định. Có trường hợp chậm nộp tiền cổ phần hoá để chiếm dụng vốn; sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp còn sai mục đích.
Cần sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp về lĩnh vực DNNN
Nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN; xem xét, sửa đổi các luật liên quan nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành, tháo gỡ những vướng mắc về quy trình, thẩm quyền xử lý, ra quyết định trong điều hành SXKD, tạo sự bình đẳng giữa DNNN với các doanh nghiệp ngoài nhà nước; cho phép nghiên cứu sự cần thiết luật hóa chính sách thu cổ tức, lợi nhuận từ vốn đầu tư tại DNNN và các nội dung về cổ phần hóa DNNN.
Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã cổ phần hóa và báo cáo Quốc hội. Giao Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về “Việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” và hàng năm báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện của Quỹ này.
Đối với Chính phủ, Đoàn giám sát đề nghị cần sớm tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, đặc biệt cần sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp về khái niệm DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định; hoàn thiện quy định về lựa chọn, bổ nhiệm, giám sát người quản lý doanh nghiệp; quản lý đất sau cổ phần hóa; chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn để đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Cần phân công và chỉ đạo các bộ thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực phụ trách, khắc phục những tồn tại trong thời gian qua. Ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN...