Doanh nghiệp nhà nước: Cổ phần hóa đi kèm điều kiện!
Chậm vì sợ... lộ tẩy
Đi hết nửa năm 2014, trong số 432 DN nằm trong kế hoạch phải hoàn thành cổ phần hoá (CPH) vào cuối năm 2015 vẫn còn 135 DN chưa thành lập Ban chỉ đạo CPH; 138 DN đã thành lập Ban chỉ đạo nhưng chưa thực sự triển khai CPH (chưa tiến hành xác định giá trị DN và các bước tiếp theo).
Sự chậm trễ nói trên là khó hiểu, khi chủ trương đã quán triệt nhiều năm liền cho tới thời điểm này. Nhưng, phía thoái vốn đầu tư ngoài ngành thậm chí còn thể hiện sự “cam go” hơn. Trong số 22.000 tỷ đồng mà các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành cần thoái thì năm 2013 cũng mới thoái được 965 tỷ đồng. Thống kê mới hơn, tính đến ngày 20/6/2014, con số này là 821,8 tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, không ít các chuyên gia kinh tế đã tỏ ra thiếu tin tưởng ở khả năng hoàn thành kế hoạch CPH và thoái vốn Nhà nước. Đa số ý kiến cho rằng, quyết tâm có thừa nhưng nỗ lực thì thiếu, bởi bản thân người trong cuộc vẫn đang lấn cấn, chần chừ.
Các DNNN lớn cần đi tiên phong quá trình cổ phần hóa
Mới đây nhất, tại Hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “DNNN- Thành công và những bài học đắt giá” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều tham luận cho rằng: mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra CPH 432 DN từ nay đến cuối năm 2015 là một thách thức lớn. Đã có những ý kiến nói thẳng nguyên nhân quan trọng của việc chậm CPH, không chỉ là do những vướng mắc về cơ chế, chính sách mà còn do không ít DNNN rơi vào tâm trạng “sợ” CPH. Bởi khi CPH họ sẽ phải tiến hành kiểm toán, từ đó sẽ phát hiện ra nhiều sai phạm, liên quan trách nhiệm…
PGS-TS. Lê Xuân Đình thẳng thắn nêu nhận xét rằng, CPH đang vấp lợi ích nhóm. Còn TS. Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ thông tin Gia Định thì kêu gọi: Các DN hãy mạnh dạn, nếu cần thì giải tán, phá sản, bán cổ phần cho tư nhân may ra còn có giải pháp cứu DN. Vị này giải thích thêm, một khi sợ trách nhiệm cá nhân, càng cố níu kéo tiến trình CPH, thoái vốn thì sẽ càng làm thất thoát tiền của Nhà nước...
Quá nhiều lực cản
Rõ ràng, mục tiêu CPH đã được đặt ra một cách rất cụ thể cả về số lượng và tiến độ thực hiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt đến mức lãnh đạo nào không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, CPH sẽ bị cách chức. Tuy nhiên, thực tế tiến độ vẫn cứ ì ạch.
Là người trong cuộc, ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhất trí cao với chủ trương tái cơ cấu DNNN. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài với tinh thần bệnh đâu chữa đó, chữa kịp thời và triệt để, không làm kiểu chiến dịch, phong trào. Bởi, mỗi tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong những ngành nghề khác nhau, có đặc điểm tình hình, khó khăn, thuận lợi khác nhau. Thậm chí, theo ông, khó của ngành này lại là thuận cho ngành khác. Thế nên, lãnh đạo Tổng công ty Thép khi báo cáo với Đảng ủy khối DN Trung ương thì đề nghị để DN hoàn thành CPH cần có cơ chế đặc thù.
Ở góc độ nghiên cứu, TS. Mai Thế Hởn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phần nào đồng quan điểm với ông Chuẩn. Ông cho rằng, tuy CPH DNNN là cần thiết, nhưng không phải làm bằng mọi giá. Bởi, đây chỉ là một trong các biện pháp củng cố, nâng cao hiệu quả DNNN, bên cạnh nhiều giải pháp khác như giao khoán, sáp nhập, giải thể... Mỗi giải pháp sẽ phù hợp hơn, hiệu quả hơn với tình hình thực tế và lĩnh vực hoạt động khác nhau của mỗi DN. “Quá trình CPH cần tránh tư tưởng nóng vội, chủ quan, làm thất thoát tài sản Nhà nước hoặc đẩy DN sau CPH vào tình thế hết sức khó khăn...”.
Giải pháp hé lộ
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành Tài chính hôm 3/7, một báo cáo về tình hình thực hiện tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước được công bố. Báo cáo cho biết những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải của quá trình thoái vốn hiện nay. Đó là, một số đơn vị chưa quyết liệt CPH và thoái vốn; Đối tượng CPH hiện nay hầu hết là DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý; Việc thoái vốn gặp vướng mắc do các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ, không bảo toàn được giá trị ban đầu...
Để hoàn thành có hiệu quả Đề án tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần kiên quyết hoàn thành. Thực hiện đúng quy định của Chính phủ chế độ báo cáo về tình hình triển khai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các việc thực hiện. Trong đó quyết liệt thực hiện để đến quý III/2014 với 159 DN đang xác định giá trị DN, sẽ công bố được giá trị DN và cuối quý IV/2014 phê duyệt xong phương án CPH. Đối với 135 DN chưa thành lập Ban chỉ đạo CPH, trong quý III/2014 cần thành lập Ban chỉ đạo và bắt tay vào việc xác định giá trị DN, phấn đấu hết quý II/2015 công bố được giá trị DN và quý III/2015 phê duyệt xong phương án CPH.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Nghị quyết số 15/NQ-CP (dự kiến ban hành vào tháng 7/2014) và đang tích cực phối hợp với các bộ đảm bảo việc ban hành các cơ chế, chính sách đúng thời hạn đề ra. Bộ đề nghị khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị, những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm đa dạng hóa sở hữu, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát. Kiến nghị này được coi là lối thoát là “sáng kiến” để hoàn thành mục tiêu CPH 432 DN mà mục tiêu đặt ra cho đến cuối năm 2015.
Ông Lê Minh Chuẩn: Từ kinh nghiệm “được mùa rớt giá” hàng năm của nông dân cho thấy, việc CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành không nên làm vội vàng, quyết liệt theo kiểu làm lấy được, càng không thể là cuộc tháo chạy, “bỏ của chạy lấy người” mà phải có lộ trình, bước đi thích hợp với mục tiêu hạn chế tối đa thiệt hại, bảo toàn vốn và nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN, trong đó trước hết tập trung xử lý dứt điểm những DN, dự án thua lỗ kéo dài. |
Tri Nhân