Xuất khẩu sắn kỳ vọng đạt 2 tỷ USD vào năm 2030
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã có quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”.
Theo đó, Bộ này đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn cả nước đạt từ 480.000-510.000 hecta; phân bố tại 5 vùng trồng trọng điểm, bao gồm: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng Nam Bộ.
Đến năm 2030 sản lượng sắn củ tươi đạt từ 11,5-12,5 triệu tấn. Trong đó, sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm như tinh bột, ethanol, mì chính… chiếm khoảng 85%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt từ 1,8-2 tỷ USD.
Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 1,3 tỷ USD |
Ngành Nông nghiệp định hướng đến 2050, phát triển mặt hàng sắn theo quy trình canh tác bền vững. Theo đó, phấn đấu có khoảng 70-80% diện tích sắn được trồng theo quy trình canh tác bền vững và sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng. 90% sản lượng sắn tươi sẽ phục vụ chế biến sâu các sản phẩm tinh bột, ethanol, mì chính… Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD vào 2050.
Về thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng sẽ tiếp tục các giải pháp giữ vững các thị trường tiêu thụ hiện có, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng xuất khẩu qua các thị trường mới như Đông Bắc Á, EU…
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 945.000 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, thu về 430,4 triệu USD, giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 15,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng trên 400 triệu USD trong quý đầu năm 2024. Tại thị trường Trung Quốc, giá sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu trung bình đạt 449,2 USD/tấn, tương ứng tăng 19,8% so với mức 374,8 USD/tấn ghi nhận tại cùng kỳ năm trước.