Xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng với các tỉnh Tây Nguyên
Sự kiện thu hút hơn 250 đại biểu đại diện lãnh đạo các địa phương, Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam, các sở du lịch; hiệp hội du lịch; các khu, điểm du lịch; các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các hãng hàng không và đại biểu các tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.
Tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng Ninh Bình - TP. Hà Nội với các tỉnh Tây Nguyên |
Theo Ban tổ chức, tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội là các địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có những điểm đến hấp dẫn không chỉ trong nước mà của khu vực và quốc tế.
Đồng thời, đây là hành trình không thể thiếu của khách du lịch khi tới miền Bắc (Việt Nam). Nơi đây hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách, là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách.
Những năm qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình - TP. Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng ngày càng được quan tâm.
Đặc biệt, sự phối hợp trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như các sản phẩm du lịch mới của các địa phương thông qua các hoạt động cụ thể như phối hợp tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch; đón đoàn famtrip các tỉnh đến khảo sát, phối hợp tổ chức nhiều chương trình như (Một hành trình - 4 điểm đến - Nhiều trải nghiệm; Liên kết hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch giữa các tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng…). Các hoạt động được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình; của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và sự vào cuộc chủ động, tích cực của doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình và Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình cho hay, phát triển du lịch trong thời gian qua có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP tỉnh Ninh Bình, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ. Đồng thời, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển.
Theo ông Minh, Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 10 điểm đến hàng đầu và có lượng khách đến cao nhất cả nước). Hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới; có 3 năm liền (2018-2020) được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực.
Đặc biệt, năm 2022, tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Time Out (Anh) bình chọn là danh thắng hoang sơ như đá quý ở Đông Nam Á nhưng vẫn chưa được nhiều du khách nước ngoài biết tới.
Năm 2023, du lịch Ninh Bình bình chọn là top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tốt nhất thế giới; Vườn Quốc gia Cúc Phương 5 liên tiếp từ năm 2019 đến năm 2023 được công nhận là công viên quốc gia hàng đầu Châu Á.
Trong 10 tháng năm 2023, Ninh Bình đón 5,86 triệu lượt khách tham quan, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khách nội địa trên 5,5 triệu lượt khách; khách quốc tế đón 333 nghìn lượt khách. Doanh thu đạt trên 5.500 tỷ đồng.
Đại diện Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết, những năm qua, ngành du lịch Thủ đô khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng tốt.
Nhất là về lượng khách du lịch quốc tế, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố nói riêng và của cả nước. Giai đoạn 2011-2019 ghi nhận sự gia tăng nhanh về lượng khách du lịch đến Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng khách hàng năm trên 10%/năm.
Trong đó, khách quốc tế 17,9%/năm, khách nội địa 8,2%/năm. Hà Nội luôn thể hiện vai trò đầu tàu, đóng góp chủ yếu vào kết quả của ngành du lịch Việt Nam.
Năm 2019, Hà Nội đón 28,9 triệu lượt khách, tăng 10,1% so năm trước, khách du lịch quốc tế 7,02 triệu lượt (chiếm 39% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam), khách nội địa 21,9 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch 103,8 nghìn tỷ, tăng 17,6% (chiếm 14,3% tổng doanh thu du lịch cả nước).
Năm 2022, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch, Hà Nội đón được 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế 1,5 triệu lượt khách (chiếm 43% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam); tổng thu từ khách du lịch 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so năm 2021.
Quang cảnh hội nghị |
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; các thị trường khách du lịch trọng điểm đến Hà Nội từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Úc, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Canada...
Ngành du lịch Thủ đô khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng tốt, nhất là về lượng khách du lịch quốc tế, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Đại diện Ban tổ chức nhấn mạnh, từ khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại, tỉnh Ninh Bình và Hà Nội chủ động triển khai nhiều hoạt động phục hồi và phát triển du lịch với những con số ấn tượng.
Để đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết hợp tác kết nối phát triển thị trường khách du lịch miền Trung - Tây Nguyên. Tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng Ninh Bình - TP. Hà Nội với các tỉnh Tây Nguyên.
Đây là sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, các sự kiện du lịch tiêu biểu, chương trình kích cầu du lịch năm 2024. Đồng thời, tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch của tỉnh Ninh Bình, Hà Nội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác với doanh nghiệp du lịch các tỉnh Tây Nguyên.
Thông điệp của tỉnh Ninh Bình tại hội nghị là “Ninh Bình - Tuyệt sắc miền Cố Đô” và của TP. Hà Nội là “Hà Nội - Đến để yêu”.
Tại sự kiện xúc tiến du lịch lần này, các đại biểu tham gia thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến công tác xúc tiến du lịch như: Chương trình Business Matching giữa các doanh nghiệp và tham quan không gian trưng bày ấn phẩm, vật phẩm, sản vật giới thiệu về du lịch các tỉnh, sản phẩm quà tặng du lịch, các đặc sản vùng miền của các địa phương; về tiềm năng, sản phẩm du lịch các địa phương
Đồng thời, giới thiệu sự kiện tiêu biểu năm 2024 của các tỉnh; giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp…