Yếu tố bền vững là xu hướng mới cần thể hiện trên bao bì sản phẩm
Anh minh họa. |
Ông Nguyễn Như Khuê, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Hóa nhựa Bông Sen cho rằng xu hướng đóng gói bao bì mới của thế giới đó là công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn với nhựa tái chế. Hiện tại, công nghệ tái chế nhựa đã tiến lên mức hoàn thiện, cùng lúc có thể tách mực in, phân loại màu, khử mùi, tẩy rửa… cho ra nguyên liệu nhựa trắng, nhựa màu… Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chú ý sản xuất sản phẩm với bao bì an toàn cho người sử dụng, bao bì tái sinh được, bên cạnh đó là những yêu cầu về kỹ thuật cho bao bì thiết kế trang trí phải hài hòa. Các sản phẩm bao bì phải tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên.
Trước đó, để góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cũng cho biết sẽ đẩy nhanh thành lập Trung tâm Thu gom, tái chế rác thải nhựa thông qua nguồn tài trợ của các tập đoàn đa quốc gia có quan hệ hợp tác với VPA.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ngoài các yếu tố như chất lượng hay giá cả hàng hóa thì bao bì ngày càng chiếm một vai trò quan trọng, tác động lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Theo một số nghiên cứu, hiện nay nhưng người tiêu dùng chọn nhiều sản phẩm có nguồn gốc thực vật, mang yếu tố tốt cho sức khỏe, sản phẩm bản địa, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, những loại bao bì, chất liệu bao bì thân thiện môi trường là yếu tố được số đông người tiêu dùng ủng hộ, chọn mua. Thông tin trên bao bì cần tập trung vào các yếu tố tiêu chuẩn, môi trường.
Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp cần đặt mình vào địa vị người mua để biết nhu cầu khách hàng. Ngoài độ bắt mắt, khơi gợi tò mò thúc đẩy khách có thể mua lần đầu, nhưng bền vững dài lâu lại cần chất lượng, tính năng, tác dụng. Có thể linh hoạt, đổi mới sản phẩm khi cần, biến báo thêm về bao bì, cách chế biến… để thu hút khách hàng.
Đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần biết rõ các yêu cầu tại thị trường mục tiêu liên quan đến bao bì để tránh những trường hợp hàng hóa bị từ chối. Tuy vậy, ở Việt Nam, việc tìm hiểu về quy định bao bì, nhãn dán còn rất hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, nhà nghiên cứu về phát triển bền vững, cho rằng thiết kế bao bì phải kể được câu chuyện bền vững và cam kết của thương hiệu, cũng như giá trị cốt lõi của thương hiệu. Qua đó, người tiêu dùng sẽ trải nghiệm sự tiện lợi và thấu hiểu vấn đề giải pháp bao bì bền vững, tuyên ngôn tính cách của người dùng phong cách.
Cũng theo bà Yến, hiện nay, các nước khi sử dụng sản phẩm thường chú trọng công năng của bao bì, tiện nghi cho người dùng, phòng chống độc hại xâm nhập, cố gắng sử dụng chất liệu tái chế hơn là nguyên chất; đồng thời ưu tiên hiệu quả và tương thích với hệ thống tái chế, tái sử dụng và xử lý rác tại địa phương.