4,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo nhờ tín dụng chính sách
Thắp lửa trên mặt trận giảm nghèo | |
Nơi “cứu cánh” cho người nghèo | |
Khơi dậy sức mạnh cả hệ thống chính trị vào công tác giảm nghèo |
Ngày 9/11/2017, tại Hà Nội, NHNN Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững” dưới sự chủ trì của Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa.
Với sự tham dự của sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục NHNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam… cùng các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, một số hộ gia đình, học sinh, sinh viên…; Tọa đàm tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến những kết quả thực hiện hoạt động tín dụng chính sách của ngành Ngân hàng thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc và định hướng hoạt động thời gian tới.
Các đại biểu chủ trì Toạ đàm |
Theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sự quan tâm đặc biệt của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng, ngành Ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
NHNN đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại cùng với dòng vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn này. Điển hình như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai các chương trình chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra, hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, chính sách phát triển thủy sản, chương trình tái canh cà phê, chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận thấy trách nhiệm trong việc phấn đấu trả nợ cho Nhà nước ngày càng được người dân ý thức sâu sắc hơn. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, “cần nâng mức, nới thời hạn, xử lý linh hoạt từng lãi suất nhưng phải bám tới từng đối tượng, từng hộ gia đình và từng chủ lao động mà họ sử dụng nguồn vốn đấy hiệu quả hơn”.
“Chúng ta nới rộng chính sách và khuyến khích người nghèo vay vốn để đi theo con đường phát triển nền kinh tế thị trường. Chúng ta muốn làm giàu thì hàng hóa sản xuất ra không chỉ để mục đích tiêu dùng bản thân mà phải trở thành hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cho nên cần cho vay mở rộng đối tượng, mở rộng mức nhưng phải gắn với điều kiện, đặc biệt là điều kiện thu hút lao động từ hộ nghèo và giảm nghèo được cho các hộ tham gia vào hộ sản xuất kinh doanh đó”, ông Lợi nhấn mạnh.
Toàn cảnh Toạ đàm |
Về phía NHCSXH, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Qua đó góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, giúp người dân làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống...
Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và sự nỗ lực của NHCSXH đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị - xã hội trong việc thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Thông tin thêm tại Toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn có sự tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn...
Tham dự Tọa đàm, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách thời gian qua đã không ngừng được củng cố và nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017.
Đại diện các đối tượng hưởng thụ các chương trình tín dụng chính sách tham dự Tọa đàm có cơ hội được chia sẻ những câu chuyện thực tế, những trải nghiệm khi được tiếp cận nguồn vốn chính sách và ý nghĩa sâu sắc của đồng vốn tín dụng chính sách đối với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
Hết quý III/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ. |