Khơi dậy sức mạnh cả hệ thống chính trị vào công tác giảm nghèo
Phát triển tín dụng ưu đãi: Muốn bền vững phải có nguồn vốn ổn định | |
Vị đắng và sự ngọt ngào | |
Tín dụng chính sách đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo |
Theo thông tin tại Tọa đàm, được triển khai từ tháng 10/2002 đến nay, tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ đã đạt được những kết quả nổi bật.
Cụ thể, đã có hơn 31,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH với tổng doanh số cho vay đạt gần 412 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm từ chương trình giải quyết việc làm cho hơn 3,3 triệu lao động; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…
Các hội, đoàn thể là cầu nối giúp tín dụng chính sách hiệu quả |
Có được kết quả trên, theo đánh giá của các diễn giả, khách mời tại Tọa đàm thì vai trò của các hội, đoàn thể tích cực, chủ động, tham gia đặc biệt nhận ủy thác nguồn vốn là rất lớn, không chỉ làm tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách mà còn huy động khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Với việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, các hội, đoàn thể đã thành lập, củng cố chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, từ đó chất lượng ủy thác thông qua các hội, đoàn thể ngày càng nâng cao. Qua đó, các hội, đoàn thể gắn bó thiết thực với người dân, hướng dẫn bà con nghèo sử dụng vốn hiệu quả, tìm tòi phương thức sản xuất mới, cách làm mới thoát nghèo từ chính bàn tay và đồng vốn chính sách.
Ông Nguyễn Văn Lý – Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, thực tế 15 năm hoạt động đã chứng minh cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể là hoàn toàn đúng hướng. Hiện nay, NHCSXH có tới 98,5% người vay vốn thông qua 4 tổ chức chính trị, xã hội gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Qua 4 tổ chức này đã thành lập các tổ, nhóm và xây dựng mạng lưới ở dưới. Gần như vốn tín dụng chính sách đến đúng tuyệt đối đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt tỷ lệ bảo toàn nguồn vốn rất cao.
Qua nhiều năm hoạt động phục vụ người nghèo, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ thu hồi vốn của NHCSXH đạt 99,4%, tỷ lệ vốn mất 0,06%. Trong 0,06% đó chủ yếu là do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và các rủi ro khác.
Qua 15 năm hoạt động, một vấn đề nữa đã khẳng định, chỉ có thông qua 4 tổ chức xã hội này, những yêu cầu đặt ra của Chính phủ giao cho hoạt động ngân hàng là bảo toàn vốn, dân chủ hóa cơ sở mới thực hiện được.
Hiện nay, hoạt động NHCSXH đối với tổ chức đoàn thể ngày càng hoàn thiện. Cách đây ba năm, NHCSXH đã hoàn thiện lại cách làm, các nội dung và chia làm ba nhóm: Nhóm thứ nhất là đoàn thể với vai trò tuyên truyền, phổ biến, vận động các chính sách. Nhóm hai là các đoàn thể thực hiện giám sát các hoạt động ở dưới, bình xét đối tượng vay vốn, giúp thủ tục vay vốn. Nhóm ba là hai bên cùng làm. Những thủ tục chúng tôi làm được khi tham gia giám sát hội đoàn thể là giải ngân, thu nợ, cho vay, xử lý vốn…
Còn theo ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội: “Tôi cho rằng, khái niệm “cầu nối” là đúng, nhưng chưa đủ. Không chỉ là cầu nối, chính các hội là dây dẫn chuyền từ vốn của NHCSXH đến với các hội viên, thành viên của mình. Đây là địa chỉ tin cậy giúp các hội viên sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Các tổ chức này định hướng hội viên vay vốn biết cách quản lý đồng vốn cũng như tìm ra cách thức làm ăn hiệu quả. Nói tóm lại, họ đã giúp giải quyết 3 vấn đề: vay làm gì, làm như thế nào, quản lý làm sao cho hiệu quả”.
Hiện nay, nợ xấu của NHCSXH khi cho người nghèo vay rất thấp so với các ngân hàng thương mại. Đây là điểm sáng cho vay vốn để giải quyết việc làm. Có thể nói, NHCSXH là đơn vị duy nhất hoạt động theo cơ chế hành chính nhưng đạt hiệu quả rất tốt.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, đối với hoạt động tín dụng chính sách và thông qua hoạt động của NHCSXH cùng với sự huy động của các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên vào cuộc vừa qua là sự chỉ đạo đúng hướng, rất chính xác, kịp thời, sát với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Thắng cho biết: “Khi thực hiện ủy thác, các hội, đoàn thể phát huy tích cực trách nhiệm, vai trò của mình, coi đây là mục tiêu, mục đích của mình. Chúng tôi đã ký kết với NHCSXH về 6 nội dung chính gồm 3 nhóm công việc: tuyên truyền, giám sát, củng cố, thành lập các tổ, đôn đốc nợ… Điều này đã mang lại hiệu quả”.
Riêng Hội Nông dân, qua công tác đào tạo, bồi dưỡng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ tổ… khoảng hơn 300.000 người. Một năm thực hiện vài chục nghìn cuộc kiểm tra, giám sát đối với các tổ, hội vay. Đến nay chỉ còn 1,7% tổ yếu. Ủy thác qua Hội Nông dân nợ quá hạn từ 4,11% năm 2004 đến tháng 8/2017 chỉ còn 0,39%. Đây thực sự là kết quả tuyệt vời.