Ai về Non nước thì về…
Người thổi hồn vào đá
Dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, làng đá mỹ nghệ Non Nước ẩn mình hơn 400 trăm năm như tăng thêm sức quyến rũ cho vùng đất sơn thủy hữu tình này. Một lần đến Non Nước - Ngũ Hành Sơn lữ khách như mơ hồ bước vào cõi thiền, bâng khuâng nhớ đến lời mời da diết của cổ nhân "Ai về Non Nước thì về/Trước sông, sau biển, núi kề một bên".
Làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm cạnh danh thắng Ngũ Hành Sơn |
Nghề đá được hình thành vào thế kỷ XVII do cụ Huỳnh Bá Quát đưa từ Thanh Hóa vào tuy nhiên lúc này chỉ là những sản phẩm còn khá đơn giản như cối, chi lưới, bia mộ... phục vụ cuộc sống hàng ngày của cư dân trong vùng. Đến đầu thế kỷ XIX nhà Nguyễn tuyển lính thợ để phục vụ cho nhu cầu xây dựng cung đình trong số những người thợ làng Khái Đông, một làng nằm dưới chân Ngũ Hành Sơn lúc bấy giờ có một người thợ thông minh lại khéo tay là Huỳnh Bá Triêm đã có những đóng góp không nhỏ cho triều đình nhà Nguyễn và đã được phong chức cửu phẩm, nên còn có tên Cửu Đàn.
Ông là người làm ra bộ đồ trà bằng cẩm thạch đánh dấu sự ra đời của ngành chạm trổ trên đá ở chân núi này. Từ đây, các con vật quen thuộc như long, lân, quy, phụng... được hình thành từ những tảng đá vô tri vô giác. Đến đầu thế kỷ XX, điêu khắc đá được lan rộng và những nghệ nhân đá ở đây đã có thể điêu khắc, chạm trổ mô phỏng theo những tác phẩm của nền điêu khắc Chămpa.
Trải qua những thăng trầm, đến nay làng đá đã có những lớp nghệ nhân lão luyện như Nguyễn Sang, Nguyễn Việt Minh, Lê Bền... các sản phẩm đá mỹ nghệ ngày càng trở nên phong phú và tinh xảo. Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng đá Non Nước từ những bức tượng Phật bà Quan Âm, Phật Di Lặc, Chúa Giêsu, tượng Chămpa với những kích cỡ to nhỏ khác nhau đến các danh nhân lịch sử như Phan Bội Châu, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Phú… đường nét điêu luyện, sắc sảo, rồi các vật dụng phổ biến như gạt tàn, chim, thú, vòng đeo tay... được chạm khắc tinh tế làm quà lưu niệm trong mỗi lần du khách ghé thăm. Hồn đá được gọi về trong từng tác phẩm nghệ thuật.
Không dừng lại ở đây, điêu khắc đá Non Nước đã tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trên con đường nghệ thuật khi nghệ nhân Nguyễn Long Bửu, người con ưu tú của làng đá đã mở ra bước đột phá ngoạn mục, cho ra đời những sản phẩm đá theo trường phái điêu khắc hiện đại như Bà mẹ Việt Nam, Dáng xuân, Thiếu nữ thay áo, bố cục… được triển lãm và đạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và Quốc tế.
Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ẩn chứa các lớp lịch sử, văn hóa trong từng công đoạn của nghề, trên từng sản phẩm, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân địa phương. Người nghệ nhân tài ba Nguyễn Long Bửu đã hơn một lần trải lòng. "Đá là niềm đam mê, là máu thịt, là nguồn sống của cuộc đời những nghệ nhân làng đá chúng tôi".
Để làng đá vươn tầm
Làng đá mỹ nghệ Non Nước đã góp thêm nét độc đáo trong quần thể nghệ thuật Ngũ Hành Sơn. Du khách đến thưởng ngoạn cảnh đẹp Non Nước không quên ghé thăm làng đá, tận mắt chứng kiến những tác phẩm nghệ thuật chào đời. Khách tham quan từ nhiều nước đến đây đều ngưỡng mộ tài năng của các nghệ nhân điêu khắc và những sản phẩm độc đáo của họ. Ngoài những sản phẩm lưu niệm, nếu khách hàng muốn đặt mua những sản phẩm có trọng lượng lớn, kích cỡ to thì tùy theo thỏa thuận giữa người mua và người bán kèm với địa chỉ của khách hàng, sản phẩm sẽ được bên bán đóng kiện cẩn thận và gửi theo đường biển đến tận nơi cho khách hàng. Rất nhiều thương gia hoặc khách du lịch từ các nước đã đến ký hợp đồng đặt mua các sản phẩm ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, trong đó có những hợp đồng trị giá hàng trăm ngàn USD.
Sắp tới đây, làng đá mỹ nghệ Non Nước sẽ được quy hoạch trong một không gian văn hóa đa dạng để có thể phát triển bền vững hơn. Khách du lịch sau khi thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi Ngũ Hành sẽ được tham quan một làng nghề truyền thống với những sản phẩm điêu khắc đậm tính nghệ thuật.
Hiện làng nghề có khoảng 583 cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ, với hơn 3.000 lao động. Có khoảng 20 cơ sở đạt giá trị sản xuất hàng năm từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy giá trị kinh tế cũng như du lịch mà làng nghề mang lại là rất lớn. Chính vì thế, việc quy hoạch, sắp xếp lại làng nghề là cần thiết và sẽ mở ra thời cơ mới cho sự phát triển của làng nghề cũng như du lịch.
Thêm vào đó, trong đồ án quy hoạch này cũng sẽ hình thành một Bảo tàng đá mỹ nghệ duy nhất tại Việt Nam để trưng bày, trao đổi, mua bán các sản phẩm đá mỹ nghệ và là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa đá mỹ nghệ quốc gia và quốc tế. Làng nghề đá sẽ được quy hoạch song song với Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Điều đó cũng đồng nghĩa một quần thể phố du lịch mua sắm hình thành sẽ giữ chân du khách ở lại lâu hơn với danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Ngoài việc duy trì lễ hội Quan thế Âm hàng năm đã trở thành thương hiệu, địa phương cũng xây dựng và đưa vào sản phẩm du lịch về ngày báo hiếu Vu Lan vào dịp rằm tháng 7 hàng năm. Tất cả cùng hoà quyện và góp phần làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách khi đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng như làng nghề.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm cạnh danh thắng Ngũ Hành Sơn đó là lợi thế lớn để làng nghề có thể quảng bá sản phẩm của mình. Hiện nay, đã có không ít chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ đã xây dựng thương hiệu của mình bằng cách giới thiệu trên trang web của riêng mình. Nhờ thế, sản phẩm của họ đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Thương hiệu làng đá cũng vì thế mà vang xa.
Khác với các làng nghề truyền thống ở không ít nơi đang dần mai một, theo nghệ nhân Nguyễn Long Bửu thì hiện nay lớp trẻ say mê học nghề chế tác, điêu khắc đá ngày càng nhiều. Và hơn ai hết, các nghệ nhân đi trước đã và đang truyền đạt tất cả những tinh túy nhất mà mình đúc kết lại cho thế hệ trẻ, với mục tiêu để lớp nghệ nhân trẻ vừa tiếp cận với yếu tố hiện đại nhưng cũng bảo tồn được những giá trị nghệ thuật truyền thống.
Những người thợ điêu khắc ở làng đá mỹ nghệ Non Nước đã không quản ngày đêm miệt mài thổi hồn vào những phiến đá để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Du khách bốn phương sau khi vãng cảnh Ngũ Hành Sơn, sẽ lại ngẩn ngơ, suýt xoa trước những tác phẩm điêu khắc đá đầy tính nghệ thuật mà các nghệ nhân nơi đây đã chế tác nên để rồi trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu trong hành trang của mình.