Bancassurance: Vẹn cả “ba” đường
Bancassurance: Chờ đợi chuyển đổi lớn | |
Bancassurance từng bước khẳng định vị thế dẫn đầu |
Hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm sẽ ngày càng phát triển |
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của một số NHTMCP cho thấy doanh thu tăng đột biến từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đơn cử như MB công bố lãi thuần từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm là 1.043 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm hơn 57% tổng số lãi thuần từ hoạt động dịch vụ. VIB cho biết thu nhập từ thu phí hoa hồng bảo hiểm là 436 tỷ đồng tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. TPBank có thu nhập từ dịch vụ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm là 249 tỷ đồng, chiếm 51% tổng số lãi thuần từ hoạt động dịch vụ từ đầu năm đến cuối quý II...
Chuyên gia đánh giá, tiềm năng của thị trường bảo hiểm ở Việt Nam là rất lớn và sự phát triển hiện tại chưa tương xứng. Về phía ngân hàng, dù thu nhập chủ yếu vẫn đến từ hoạt động tín dụng nhưng trong tương lai xu hướng thu nhập từ hoạt động dịch vụ sẽ gia tăng. Do đó sự kết hợp giữa ngân hàng - bảo hiểm còn rất nhiều "đất" để phát triển. Gần đây kênh Bancassurance tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều cái “bắt tay” mới giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm như Kienlongbank hợp tác với Công ty bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam; hay Prudential và VIB...
Mối quan hệ hợp tác bancassurance là khai thác thế mạnh của nhau để mang lại lợi ích cho cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm nên cả hai bên đều muốn gắn bó lâu dài. Dai-ichi Life và Sacombank mong muốn hợp tác đến 20 năm. Một số thương vụ bancassurance khác đều ký hợp đồng đến 15 năm như Prudential và VIB; Manulife và Techcombank; AIA và VPBank...
Đối với các công ty bảo hiểm, bancassurance là kênh phân phối bảo hiểm quan trọng giúp ngành bảo hiểm có thể tiếp cận những phân khúc khách hàng lớn hơn và có cơ hội chiếm lĩnh thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Bên cạnh việc bán chéo sản phẩm các công ty bảo hiểm còn có thể hợp tác với ngân hàng trong việc sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi sao cho hiệu quả nhất. Một yếu tố quan trọng khiến kênh bancassurance phát triển còn do nó không chỉ mang lại lợi ích cho ngân hàng, công ty bảo hiểm mà cho cả khách hàng.
Việc "tích hợp" các dịch vụ ngân hàng với bảo hiểm giúp khách hàng đảm bảo an toàn về tài chính, đồng thời còn là một hình thức đầu tư dài hạn. Khách hàng khi mua bảo hiểm tại các ngân hàng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi kèm theo các gói dịch vụ của ngân hàng. Đơn cử như với sản phẩm tiết kiệm “Tích lũy tài tâm” của Techcombank khách hàng vừa được nhận mức lãi suất hợp lý theo thị trường vừa được tặng bảo hiểm miễn phí cùng nhiều quyền lợi và tiện ích dịch vụ khác, tổng số tiền bảo hiểm tối đa lên tới 2,4 tỷ đồng.
Hay với sản phẩm bảo hiểm MBAL An Phát của MB, khách hàng có thể vay tín chấp và được hưởng quyền lợi bảo hiểm bằng dư nợ thực tế, phí bảo hiểm định kỳ tích hợp vào lãi vay. Với An tâm tín dụng của Sacombank, trong thời hạn bảo hiểm, khi khách hàng có xảy ra sự kiện bảo hiểm (ngoại trừ các trường hợp thuộc điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm), Dai-ichi Life Việt Nam sẽ chi trả dư nợ tín dụng và khoản lãi phát sinh kể từ định kỳ đóng phí gần nhất hoặc ngày gia hạn tháng hợp đồng gần nhất đến ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm...
Hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm được các chuyên gia đánh giá sẽ còn phát triển mạnh hơn. Theo TS. Vũ Đình Ánh, ngân hàng đang có vị thế cao hơn nhờ những lợi thế sẵn có. Bởi, ngân hàng có tệp khách hàng “khổng lồ”, cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhiều sản phẩm dịch vụ hấp dẫn. Vì thế, các công ty bảo hiểm cần ngân hàng hơn.
Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh cũng đưa ra khuyến cáo: “Sau giai đoạn cạnh tranh giữa các ngân hàng, thị trường sẽ bắt đầu xuất hiện các công ty bảo hiểm lớn và thậm chí là các công ty của nước ngoài. Khi ấy, vị thế của ngân hàng và các công ty bảo hiểm chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Vì thế, trong giai đoạn này, các ngân hàng cần tận dụng tốt lợi thế của mình để lựa chọn những đối tác uy tín, đáng tin cậy thay vì lợi ích trước mắt, hãy hướng tới lợi ích lâu dài”.
Nói về xu thế phát triển sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm trong thời gian tới, một chuyên gia cho rằng, hai bên không cần thiết phải hợp nhất thành các công ty con bởi lẽ ngân hàng và công ty bảo hiểm đều có chức năng riêng, chỉ nên liên kết, liên doanh chặt chẽ hơn.