Bancassurance: Chờ đợi chuyển đổi lớn
Bảo hiểm tiếp tục hút vốn bằng tiện lợi | |
Bancassurance từng bước khẳng định vị thế dẫn đầu |
Năm 2019, Kienlongbank là ngân hàng mở màn cho thương vụ bancassurance đầu tiên khi hợp tác với Công ty bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam. Theo thoả thuận, AIA Việt Nam và Kienlongbank sẽ cùng đưa ra các giải pháp tài chính toàn diện về tiết kiệm, bảo vệ, đầu tư, chăm sóc sức khoẻ... thông qua hệ thống 134 đơn vị kinh doanh của ngân hàng này trên toàn quốc.
Lợi thế của cả ngân hàng và DN là cơ sở để bancassurance phát triển mạnh |
Hay như Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam mới đây đã ký kết hợp tác với Generali Việt Nam. Tháng 1/2019 cũng đánh dấu ba năm hợp tác thành công giữa Prudential và VIB. Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ qua kênh bancassurance giữa Prudential và VIB năm 2018 tăng 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với năm 2016.
Trước đó, trong năm 2018, thị trường bancassurance ghi nhận những thương vụ ngân hàng phối hợp với công ty bảo hiểm khai thác sản phẩm. Điển hình là trường hợp của SHB, khi trong năm 2018 ngân hàng này ký kết hợp tác với một loạt các công ty bảo hiểm lớn. Tháng 12/2018, SHB ký kết hợp tác chiến lược với Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, giới thiệu cho khách hàng các dịch vụ bảo hiểm sức khoẻ, xe, tàu, hàng hoá, nhà tư nhân, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm kỹ thuật... của Bảo Việt trên toàn hệ thống.
Đại diện SHB cũng thông tin, hai đơn vị này sẽ cùng phối hợp triển khai chương trình bảo hiểm trực tuyến các sản phẩm nhà, xe cơ giới để nhằm giảm tối đa thời gian giao dịch của khách hàng, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Ngược lại, SHB sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng đồng bộ, tiện ích, an toàn, hiện đại cho phía Bảo hiểm Bảo Việt.
Trước đó, vào tháng 11/2018, SHB cũng đã ký hợp tác với Bảo hiểm PVI. Tháng 8/2018, SHB ký hợp tác với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI): SHB cung cấp cho khách hàng dịch vụ bảo hiểm ô tô, hàng hoá, tàu thuyền, tài sản – kỹ thuật, tai nạn con người, nhà tư nhân của VNI trên toàn hệ thống; VNI ưu tiên sử dụng dịch vụ tài khoản, thu hộ, chi hộ, internet banking, tiền gửi, giấy tờ có giá của SHB…
NCB và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prévoir Việt Nam cũng ký hợp tác độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Prévoir Việt Nam vào tháng 12/2018 với thời hạn 15 năm. Tháng 11/2018, Co-opBank ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện với Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC).
Chuyên gia nhận định, việc mở rộng hợp tác, kết nối kinh doanh đang trở thành xu hướng mang tính toàn cầu. Việc ngân hàng cùng chung tay với các đơn vị bảo hiểm không phủ nhận sẽ mang đến cho ngân hàng mạng lưới khách hàng rộng lớn, đưa bancassurance trở thành đòn bẩy cho sự tăng trưởng bền vững của cả hai phía.
Ngân hàng đã nhanh chóng đưa bảo hiểm vào danh mục các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình, xem bancassurance là một yếu tố cấu thành thu nhập phí thuần từ các dịch vụ thu phí. Và trên thực tế, thu nhập từ hợp tác bảo hiểm đang dần có sự đóng góp tích cực hơn trong kết quả kinh doanh của một số ngân hàng. Techcombank ghi nhận dịch vụ hợp tác bảo hiểm năm 2018 đạt 722 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2017. Hay hoạt động bảo hiểm của MB hợp nhất năm 2018 có lãi hơn 1.335 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần năm 2017...
Doanh thu khai thác mới đến từ kênh bancassurance được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 30%/tổng doanh thu phí mới vào năm 2019 và có thể cao hơn nữa trong những năm tiếp theo. Nhiều chuyên gia đều nhận định, bancassurance thời gian tới sẽ có những chuyển biến nhiều hơn, bởi phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vẫn được xem là tiềm năng vàng, còn nhiều dư địa để khai thác.
Bancassurance một phần mang lại nguồn thu hấp dẫn từ hoa hồng bảo hiểm cho phía ngân hàng và bản chất bảo hiểm là việc chia sẻ rủi ro, nên bancassurance còn là kênh để các ngân hàng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình. Năm 2019, khi các NHTM sẽ tiếp tục thúc đẩy nguồn thu từ dịch vụ, chú trọng hơn tới việc đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ nên bancassurance dự báo sẽ càng được đẩy mạnh hơn.
Ở góc khác, các DN bảo hiểm đã bắt đầu thành lập bộ phận bancassurance để chuyên biệt hoá hoạt động này. Bancassurance tại thời điểm này vẫn chưa thể so sánh được với kênh đại lý truyền thống, nhưng công bằng mà nói đây là hình thức giúp đa dạng hoá các kênh bán hàng, mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng hơn. Cả ngân hàng và đơn vị kinh doanh bảo hiểm nếu biết tận dụng và phát huy triệt để thế mạnh của mỗi bên, chắc chắn bancassurance sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn.
Để thúc đẩy kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có những tín hiệu tích cực hơn, dần phát triển tương xứng với kỳ vọng, theo chuyên gia, các nhà băng cần xây dựng một nguồn nhân lực bán bảo hiểm chuyên nghiệp, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng, địa điểm bán hàng... Phía DN bảo hiểm cần nghiên cứu, phát triển và đưa ra những sản phẩm bảo hiểm qua kênh bancassurance phù hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đặc biệt, chú trọng ứng dụng công nghệ, nâng cấp dữ liệu khách hàng để tối đa hoá hiệu quả triển khai bancassurance.