Bất cập phát triển vùng cao su
Cung vượt cầu
Các chuyên gia lý giải, nguyên nhân rớt giá của mặt hàng này là do lượng dự trữ của Trung Quốc (nhà nhập khẩu số một thế giới về mủ cao su tự nhiên) quá nhiều, đã đến lúc phải ngưng nhập để chế biến từ nguồn nguyên liệu dự trữ. Đồng thời, tác động của việc kinh tế Trung Quốc liên tục lao dốc, dẫn đến sản xuất bị đình trệ, giảm lượng nhập khẩu.
Còn theo nhóm nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), thì nguồn cung cao su tự nhiên hiện khá dư giả. IRSG ước tính tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2016 khoảng 12,75 triệu tấn, trong khi nguồn cung lên đến 12,83 triệu tấn.
Nhiều diện tích cao su đang cho khai thác bị chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác |
Các chuyên gia khẳng định, các yếu tố trên là “lực đẩy” khiến thị trường cao su tự nhiên trên thế giới biến động giảm cực sâu trong thời gian qua.
Trước thực trạng, giá mủ cao su bị sụt giảm, chi phí không đủ công cạo mủ, nhiều nông hộ ở khu vực Tây Nguyên chặt bỏ cây cao su để chuyển hướng sang trồng các loại cây khác, còn các DN hạn chế khai thác và chăm sóc, cắt giảm lao động để tồn tại hoặc chặt bỏ bớt một phần diện tích để tái canh hoặc trồng loại cây khác.
Thực tế tại khu vực Tây Nguyên cho thấy, mặc dù cây cao su đang ở độ tuổi khai thác mủ, nhưng tại nhiều nơi trong tỉnh Đăk Nông, người dân dường như chẳng còn mặn mà với việc thu hoạch mà chặt bỏ không thương tiếc để lấy đất trồng tiêu. Thực trạng này diễn ra từ hai năm nay và tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đăk Nông như xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’Lấp; xã Đăk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa…
Chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cao su bị người dân phá bỏ đã lên đến hàng trăm hecta. Trong đó, có hàng chục hecta cao su được người dân giữ lại theo phương thức chắn rễ, rong tỉa, hãm ngọn cây để làm trụ sống trồng hồ tiêu. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các tỉnh Tây Nguyên khác và cả khu vực Đông Nam bộ.
Bất chấp rủi ro
Trong khi, tại Tây Nguyên người dân sẵn sàng triệt hạ cây cao su đang ở tuổi khai thác để thay thế cây trồng khác, thì một nghịch lý lại đang diễn ra ở miền Trung là chính quyền các địa phương đã đưa cây cao su vào chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế.
Theo các chuyên gia phân tích, điều nghịch lý ở chỗ, trồng cây cao su tại khu vực miền Trung sẽ chịu nhiều rủi ro. Bởi khả năng thích ứng của loại cây này rất kém, nếu gió cấp 8 - 9 sẽ gây gãy cành, cấp 10 - 11 sẽ gãy thân, đổ cây. Trong khi, miền Trung là rốn bão, chịu nhiều kiểu khí hậu khắc nghiệt nên dễ dẫn đến rủi ro cho người nông dân.
Do đó, đây là vùng được các chuyên gia đánh giá, kể cả cảnh báo là không phù hợp để phát triển cây cao su. Thực tế này đã chứng minh, sau 2 cơn bão số 10 và 11 trong năm 2013, đã có 215.000 cây cao su bị tàn phá, trong đó 13.000ha diện tích cây cao su bị mất trắng ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Song bất chấp mọi rủi ro, các địa phương vẫn “vô tư” lập vùng, lập dự án phát triển cây cao su.
Đơn cử, UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt vùng quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2020, với tổng diện tích lên đến trên 30.428ha. Theo đó, tăng diện tích 893ha cây cao su tại huyện Phước Sơn. Đồng thời, địa phương này bổ sung nhiệm vụ phát triển cao su trên địa bàn từ 29.534,74ha lên 30.428,17ha trong giai đoạn 2011-2020.
Chỉ tính riêng tại huyện Nam Giang (Quảng Nam), những năm gần đây, địa phương này đã trồng được 766ha cao su đại điền và 17ha cao su tiểu điền, nâng tổng số diện tích cây cao su trên địa bàn lên gần 1.400ha. Huyện Nông Sơn cũng đã trồng gần 1.000ha cao su theo phương thức đại điền và tiểu điền… Chưa kể hàng ngàn hecta cao su đã được người dân và DN trồng tại các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Nông Sơn, Tiên Phước…
Việc phát triển nóng các dự án trồng cao su cũng đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho chính quyền và người dân địa phương. Cùng tại Quảng Nam, hiện một số diện tích quy hoạch để trồng cây cao su tại huyện Đông Giang thuộc các xã Ba, Tư và Ating, với tổng diện tích khoảng trên 4.000ha đang rơi vào tình trạng bỏ hoang. Theo UBND xã Ba, tại địa phương có trên 200ha bỏ trống do cây cao su phát triển kém.
Theo chính quyền địa phương đây là diện tích đất thuộc dự án trồng mới, chăm sóc cây cao su tại huyện Đông Giang do Công ty cổ phần Đầu tư và sản xuất Việt Hàn làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng, triển khai. Song DN mới triển khai được 600ha; diện tích còn lại bị quy hoạch treo. Hệ lụy của việc triển khai quá chậm đã gây xáo trộn cuộc sống người dân ở nơi này.
Việc phát triển kinh tế và giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu là chính đáng. Tuy nhiên, phải tiến hành dựa trên cơ sở khoa học và phải thuận theo điều kiện địa lý, khí hậu của từng địa phương để sao tránh được rủi ro không đáng có cho người dân và DN.