Bước đột phá về công nghệ ngân hàng
4 nguyên tắc trong tái cấu trúc hạ tầng công nghệ ngân hàng | |
Nỗ lực thúc đẩy công nghệ ngân hàng số | |
Để phát triển dịch vụ NH hiện đại |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh |
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động nhanh, khó lường và hệ thống Ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu, hiện đại hóa thì để tăng cường hội nhập với khu vực và thế giới, đòi hỏi NHNN cần có những bước thay đổi lớn trong nội tại về phương thức quản lý, điều hành.
Việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ do đó đã trở thành biện pháp chiến lược và yêu cầu không thể thiếu, trong đó Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS) sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới được xem là một sự đầu tư tổng thể nhất trong lịch sử NHNN về cải tiến quy trình nghiệp vụ trên nền tảng CNTT tiên tiến với mục tiêu thiết lập Hệ thống quản lý thông tin và hiện đại hóa NHNN Việt Nam.
Nhân dịp tổ chức Lễ công bố vận hành các sản phẩm của Gói thầu SG 3.1 - Ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống cho NHNN, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN phụ trách Dự án FSMIMS đã có buổi trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
Được biết Gói thầu SG 3.1 là một dự án có vai trò quan trọng xử lý rất nhiều nghiệp vụ. Vậy, Phó Thống đốc có thể nói rõ hơn những tích hợp cơ bản về nghiệp vụ của dự án này?
Về phạm vi, dự án SG 3.1 - Ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống cho NHNN, như tên gọi cho thấy dự án không chỉ có cấu phần Ngân hàng lõi (Core banking), mà còn bao gồm cả các cấu phần: Lập kế hoạch quản lý nguồn lực (ERP), quản lý ngân sách và xây dựng nền tảng tích hợp với các hệ thống ứng dụng khác của NHNN. Với phạm vi nêu trên, NHNN là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam triển khai đồng thời 2 cấu phần Core banking và ERP, điều mà các NHTM đều cố gắng tránh do tính phức tạp của nghiệp vụ và khối lượng công việc phải triển khai rất lớn.
Hệ thống Core banking của NHNN ngoài các chức năng tương tự như của hệ thống các TCTD gồm: quản lý khách hàng, nghiệp vụ tiền gửi, tiền vay..., còn có thêm nhiều chức năng đặc biệt để giúp NHNN thực thi các nhiệm vụ với vai trò của NHTW như: nghiệp vụ thị trường mở, đấu thầu tín phiếu, trái phiếu, vàng; nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ dự trữ bắt buộc, các nghiệp vụ quản lý dự trữ ngoại hối quốc gia, quyết toán giao dịch giấy tờ có giá, quyết toán kết quả thanh toán.
Có thể nói, toàn bộ các hoạt động, nghiệp vụ kế toán, tài chính trên toàn quốc của NHNN đang thực hiện phân tán và trên nhiều hệ thống ứng dụng khác nhau trước đây đã được thay thế bằng một Hệ thống SG 3.1 duy nhất, trong đó các nghiệp vụ đã được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, đa dạng hóa kênh cung cấp dịch vụ cho 17 vụ, cục, cơ quan, đơn vị sự nghiệp của NHTW, 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và hơn 100 TCTD trên toàn quốc.
Về cơ sở pháp lý, việc thay đổi toàn bộ các quy trình, nghiệp vụ theo mô hình tập trung và hướng theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế đã đặt ra yêu cầu cho NHNN trong một thời gian rất ngắn phải rà soát, ban hành một khối lượng lớn các văn bản quy phạm về hệ thống tài khoản kế toán, hướng dẫn hạch toán, hệ thống sổ sách kế toán, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, quy trình kỹ thuật vận hành...
Về đào tạo nguồn nhân lực cho việc tiếp nhận và vận hành Hệ thống SG 3.1, do những thay đổi đáng kể cả về nghiệp vụ lẫn công nghệ so với các hệ thống cũ và yêu cầu xử lý nghiệp vụ tức thời, khóa sổ hàng ngày của hệ thống tập trung, mỗi trục trặc về kỹ thuật hoặc sai sót của một chi nhánh sẽ kéo theo toàn bộ các đơn vị khác của NHNN và các TCTD trên toàn quốc không thể khóa sổ cuối ngày, nên NHNN đã triển khai đào tạo, tập huấn kỹ lưỡng hàng ngàn lượt người/ngày cho các cán bộ nghiệp vụ và cán bộ kỹ thuật trên toàn quốc trước khi vận hành chính thức. Ngoài ra hệ thống hỗ trợ trực tuyến qua điện thoại, email và phần mềm hỗ trợ chuyên dụng cũng được đưa vào sử dụng để xử lý nhanh các sai sót phát sinh tại các đơn vị trong quá trình vận hành.
Về công nghệ, trong phạm vi dự án SG 3.1: (i) toàn bộ các nghiệp vụ tài chính, kế toán của NHNN được cải tiến và tích hợp vào một hệ thống duy nhất nên độ phức tạp của hệ thống, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nghiệp vụ và rủi ro sai lỗi tăng cao; (ii) hệ thống Core banking sẽ phải tích hợp, trao đổi dữ liệu với nhiều hệ thống thông tin đã có của NHNN hoặc đang được triển khai trong phạm vi Dự án FSMIMS như: Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống Quản lý và phát hành kho quỹ, Hệ thống Báo cáo thống kê, Hệ thống ERP, các Hệ thống đấu thầu tín phiếu, trái phiếu, Nghiệp vụ thị trường mở....
Chức năng xử lý trên hệ thống mới không chính xác hoặc tích hợp không thành công sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của NHNN, tác động dây chuyền đến các TCTD và tác động xấu đối với nền kinh tế, trong đó quan trọng nhất là Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, với số tiền xử lý qua hệ thống bình quân là 180 ngàn tỷ đồng mỗi ngày.
Để giải quyết vấn đề tích hợp phức tạp này, hợp đồng SG 3.1 sử dụng nền tảng Trục tích hợp tập trung của TIBCO (Enterprise Services Bus - ESB) là sản phẩm hiện đại, chuyên biệt cho tích hợp các hệ thống thông tin lớn theo chuẩn quốc tế. Sau khi ESB triển khai thành công ở NHNN, đây cũng là sản phẩm được nhiều ngân hàng của Việt Nam nghiên cứu, lựa chọn để đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Đây là gói thầu có phạm vi rộng về nghiệp vụ và phức tạp về mặt công nghệ, nhưng đã được NHNN triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Vậy, những khó khăn, thách thức chính nào NHNN đã gặp phải trên con đường đi tới thành công của dự án, thưa Phó Thống đốc?
Hơn hai năm triển khai, NHNN với nguồn lực tham gia dự án hạn chế và còn thiếu kinh nghiệm triển khai các dự án lớn, nên với hợp đồng SG 3.1 có khối lượng lớn, phức tạp cả về kỹ thuật, nghiệp vụ và phạm vi triển khai rộng, thì tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh. Để vượt qua các thách thức, theo tôi các yếu tố tạo nên sự thành công của dự án SG 3.1, tôi cho rằng đó là sự cam kết mạnh mẽ và lòng tin vào thắng lợi của Ban lãnh đạo NHNN; sự quyết tâm, nhiệt tình và sáng tạo trong triển khai của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia; sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các đơn vị nghiệp vụ, kỹ thuật và quản lý dự án; sự giám sát chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới và cuối cùng là sự nỗ lực và cam kết cao của nhà thầu.
Đánh giá về kết quả triển khai Dự án FSMIMS, bà Ulle Lohmus, Chuyên gia Tài chính, Trưởng nhóm điều phối Dự án FSMIMS và bà Liu Ba, Chuyên gia đấu thầu của WB, là các cán bộ trực tiếp giám sát Dự án, đã có những chia sẻ trên website của Ngân hàng Thế giới: Việc mua sắm và triển khai hệ thống quản lý thông tin luôn là thách thức lớn vì tính phức tạp vốn có của kỹ thuật; nguy cơ thay đổi công nghệ nhanh chóng; và sự cần thiết về quản lý thay đổi cũng như nỗ lực trong điều phối. Mặc dù vậy, kinh nghiệm của WB trong việc tài trợ cho Dự án phát triển hệ thống CNTT ở Việt Nam cho thấy rằng với chỉ đạo và quyết tâm mạnh mẽ của bên thụ hưởng, với các quy định về thể chế phù hợp, cơ chế phối hợp hiệu quả và nỗ lực chung của các đơn vị tham gia triển khai, dự án sẽ được triển khai suôn sẻ. Đây là kinh nghiệm thành công của Dự án Hiện đại hoá hệ thống thông tin quản lý của khu vực tài chính cho NHNN Việt Nam - Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS). |
Phó Thống đốc có thể cho biết những thay đổi chính trong hoạt động của NHNN sau khi hệ thống thuộc hợp đồng SG 3.1 đi vào hoạt động?
Hợp đồng SG 3.1 là hợp đồng triển khai hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu quản lý của NHNN, hướng đến các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các sản phẩm được lựa chọn, triển khai trong phạm vi Hợp đồng đều là các sản phẩm thương mại hàng đầu thế giới như: T24 của Temenos, ERP của Oracle, ESB của TIBCO. Do đó, khi hệ thống mới đi vào hoạt động đã kéo theo những thay đổi về mô hình tổ chức nghiệp vụ, phân công lao động, phương thức quản lý điều hành, tác nghiệp hàng ngày và công nghệ của NHNN.
Cụ thể: Hệ thống kế toán NHNN từ mô hình phân tán tại các đơn vị chi nhánh NHNN trên toàn quốc được chuyển sang một hệ thống tập trung, duy nhất. Theo đó, toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ kế toán hàng ngày của NHNN được xử lý trực tuyến, được giám sát, kiểm soát tức thời trên môi trường mạng và tra cứu, tổng hợp số liệu theo thời gian thực, khóa sổ và lên cân đối kế toán theo ngày... hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành của NHTW. Đó là những ưu điểm mà không hệ thống phân tán nào có thể đáp ứng được. Các quy tắc nghiệp vụ, hạch toán kế toán và báo cáo được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam (VAS) cũng như các yêu cầu quản lý của NHNN. Mặt khác phù hợp với các thông lệ và chuẩn quốc tế áp dụng đối với NHTW đặc biệt trong việc cung cấp các báo cáo tài chính hợp nhất phù hợp với yêu cầu theo quy định của Việt Nam.
Cùng với đó, toàn bộ những nghiệp vụ được xử lý thủ công, bán thủ công và cắt khúc, thiếu sự liên hệ giữa các nghiệp vụ trước đây đã được thay thế bằng một hệ thống các quy trình xử lý tự động, xuyên suốt và kết nối liên hoàn giữa các nghiệp vụ kế toán, thanh toán và thị trường tiền tệ liên ngân hàng theo đúng nguyên tắc mỗi số liệu chỉ nhập vào hệ thống một lần và được kiểm soát “bốn mắt”; dữ liệu được chuyển tiếp liên thông giữa các hệ thống và kiểm soát tự động theo các quy tắc đã định sẵn... đã giúp cho quá trình tác nghiệp nhanh chóng, chính xác và an toàn.
Bên cạnh những thay đổi về nghiệp vụ thì thông qua dự án, nền tảng kỹ thuật công nghệ của NHNN cũng có bước tiến dài như: sử dụng một tài khoản đăng nhập duy nhất dùng chung cho ứng dụng SG 3.1 và các hệ thống ứng dụng khác của NHNN (single sign on) thay vì mỗi hệ thống ứng dụng có riêng một tài khoản đăng nhập trước đây; các hệ thống ứng dụng được tích hợp, kết nối thông qua một trục tích hợp dịch vụ (ESB) thay vì kết nối đan xen, trực tiếp với nhau của giai đoạn trước, mang lại thuận lợi cho quá trình bảo trì, giúp cho mỗi thay đổi của một hệ thống ứng dụng nào đó không làm tác động, kéo theo phải sửa đổi các ứng dụng liên quan; các ứng dụng được cài đặt, dùng chung trên một kho tài nguyên tập trung, duy nhất của NHNN, giúp dễ dàng trong quản lý, vận hành và tiết kiệm chi phí đầu tư, bảo trì.
Xin Phó Thống đốc chia sẻ những cảm nhận sau khi các sản phẩm của gói thầu đã được đi vào vận hành?
Trước hết, tôi rất vui vì những nỗ lực của NHNN từ Ban lãnh đạo NHNN đến các cán bộ, chuyên viên tham gia dự án đã mang lại kết quả như mong đợi. Sau đó là tự hào về đội ngũ cán bộ của NHNN, vì kết quả đó đã không thể có được nếu thiếu sự quyết tâm, đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, chấp nhận thay đổi của các đơn vị vụ, cục NHTW, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố với mục tiêu xây dựng NHNN trở thành một NHTW hiện đại, là trụ cột vững chắc của quốc gia – tiếp nối truyền thống mà bao thế hệ cán bộ, công chức ngành Ngân hàng đã gây dựng nên. Cuối cùng, tôi cho rằng Hệ thống SG 3.1 nói riêng và dự án FSMIMS nói chung triển khai thành công đã thực sự làm thay đổi, đặt nền tảng công nghệ ban đầu, quan trọng cho NHNN trong công cuộc hiện đại hóa ngành Ngân hàng.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!