Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đang nói gì về Bitcoin
Các NHTW trên toàn cầu đang có hai vấn đề lớn cần phải giải quyết. Đầu tiên là phải làm gì, nếu có, về sự tăng trưởng nhanh chóng của các đồng tiền ảo đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý vì nhiều lý do: mối quan ngại về an ninh sau khi một sàn giao dịch tiền ảo tại Nhật bị tin tặc đánh cắp 500 triệu USD, biến động giá liên tục với mức độ lớn. Câu hỏi thứ hai là có nên phát hành các đồng tiền ảo chính thức hay không.
Dưới đây là cách thức mà các NHTW lớn nhất thế giới (và một số ngân hàng nhỏ) đang tiếp cận đối với tiền ảo.
Về diễn biến giá các đồng tiền ảo, theo coinmarketcap.com, Bitcoin, đồng tiền ảo lớn nhất thế giới giảm gần 6,7% trong 24 giờ qua và hiện đang giao dịch ở mức 6.866,48 USD. Trong khi Ethereum – đồng tiền ảo lớn thứ hai cũng giảm 5,8% xuống 381,54 USD; Ripple – đồng tiền ảo lớn thứ 3 giảm 6,81% xuống 0,5026 USD. |
Mỹ: Lo lắng về sự riêng tư
Cuộc điều tra của NHTW Mỹ (Fed) về tiền ảo đã diễn ra ngay trong những ngày đầu tiên tiền ảo mới được khai sinh, và hiện các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa nhiệt tình ủng hộ ý tưởng về một câu trả lời chính thức của NHTW về Bitcoin.
Tân Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết vào năm 2017 rằng các vấn đề kỹ thuật với công nghệ vẫn còn và “quản trị và quản lý rủi ro là rất quan trọng”. Powell cũng nói rằng có những thách thức “có ý nghĩa” đối với một NHTW, rằng các vấn đề về riêng tư có thể là một vấn đề...
Phát biểu tại phiên điều trần xác nhận chức vụ Chủ tịch Fed trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 11/2017, Powell cũng nói rằng, khối lượng tiền ảo có thể là vấn đề đối với chính sách tiền tệ một số điểm. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, “chúng không đủ lớn”.
Thống đốc Fed Lael Brainard hồi tháng 4 cũng cho biết, các đồng tiền ảo đã trải qua “sự biến động tột cùng”, nhưng vẫn không rõ liệu nó có đe dọa sự ổn định tài chính.
Randal Quarles - Phó chủ tịch chịu trách nhiệm giám sát của Fed cho biết vào ngày 1/12 rằng, trong khi NHTW của nền kinh tế lớn nhất thế giới không có chính sách gì để quản lý Bitcoin, đó là điều “đáng để suy nghĩ”.
Thụy Sĩ: Quá rủi ro
NHTW Thụy Sĩ cho biết vào tháng Hai rằng họ không có kế hoạch phát hành một phiên bản kỹ thuật số của đồng franc và nhận thấy tiềm năng của đồng tiền này sẽ có ảnh hưởng xấu đến hệ thống tài chính, theo Phó Chủ tịch Fritz Zurbruegg. “Liệu việc phát hành một đồng tiền kỹ thuật số của NHTW có kết quả tốt hơn so với hệ thống tiền tệ hiện nay? Và liệu Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ pháp lý của mình không? Theo quan điểm của chúng tôi, nó (câu trả lời) là không đối với cả hai câu hỏi này”, ông nói trong một cuộc họp ở Đức.
Khu vực châu Âu: Giống như (bong bóng) hoa tulip
NHTW châu Âu (ECB) đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro đầu tư vào tiền ảo. Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết vào tháng 2 rằng, công nghệ blockchain “khá hứa hẹn” và ECB “rất quan tâm” tới công nghệ này. Tuy nhiên Draghi không coi Bitcoin là một đồng tiền vì nó biến động quá mạnh. Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio cũng cho biết vào tháng 9/2017 rằng Bitcoin không phải là một loại tiền tệ, mà là “hoa tulip” - ám chỉ đến bong bóng hoa tulip xay ra tại Hà Lan vào thế kỷ 17.
Thậm chí so sánh với một số bong bóng lớn nhất của lịch sử, Bitcoin còn lớn hơn nhiều.
Trung Quốc: Trấn áp
Trung Quốc đã nói rõ rằng: NHTW có toàn quyền kiểm soát đối với tiền ảo. Với một nhóm nghiên cứu được thành lập vào năm 2014 để phát triển phiên bản kỹ thuật số của đồng tiền chính thống, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tin rằng “điều kiện đã chín muồi” để nắm lấy công nghệ. Nhưng đồng thời, các cơ quan chức năng đang trấn áp hoạt động đào Bitcoin và kinh doanh tiền ảo. Phó Thống đốc PBoC Fan Yifei cho biết vào cuối tháng 3 rằng, NHTW sẽ điều chỉnh các loại tiền ảo vào năm 2018, trong khi không đưa ra thời gian biểu cho việc phát hành đồng tiền số của chính mình.
Nhật Bản: Không cần thiết
Theo người đứng đầu Trung tâm FinTech của NHTW Nhật (BOJ), tiền mặt vẫn là “vua” tại nước này. BOJ không xem xét việc phát hành một loại tiền tệ kỹ thuật số vì không có nhu cầu, Yuko Kawai cho biết vào tháng Giêng, đồng thời lưu ý rằng, giao dịch tiền mặt vẫn tăng trưởng đều đặn ở trong nước. Tuy nhiên, chính quyền có thể bị buộc phải hành động đối với lĩnh vực tiền ảo sau khi gần 500 triệu USD tiền ảo đã bị tin tặc đánh cắp từ sàn giao dịch Coincheck Inc. ở Tokyo ngày 26/1.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết trong tháng 12/2017 rằng, “nếu có câu hỏi là liệu nó (tiền ảo) có hoạt động giống như các loại tiền tệ trên phương diện thanh toán hoặc phương tiện thanh toán, tôi không nghĩ rằng nó hoạt động như vậy”. Bitcoin “đang được giao dịch để đầu tư hoặc cho đầu cơ”, ông nói. BOJ cũng đã triển khai một trang Q&A vào tháng 4 để nâng cao nhận thức cho công chúng về những rủi ro của việc đầu tư vào tiền ảo.
Đức: Nhà đầu tư nên cẩn trọng
Người Đức lần đầu tiên thực hiện ít hơn một nửa số giao dịch của họ bằng tiền mặt, một điều khá ngạc nhiên với một quốc gia có truyền thống ưa tiền mặt. Tuy nhiên Chủ tịch BundesBank Jens Weidmann cho biết, những thay đổi đối với hành vi tiêu dùng là dần dần - và ông không coi Bitcoin như là đối thủ cạnh tranh đối với giao dịch tiền mặt hoặc tiền gửi ngân hàng truyền thống trong tương lai gần. “Với một hệ thống tài chính và tiền tệ ổn định, chúng tôi không cần tiền ảo, nhưng các NHTW được ủy thác ổn định giá cả và kiểm soát hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả”, ông nói vào tháng 2. "Chúng tôi có cả hai (điều đó) trong khu vực đồng euro”.
Anh: Có thể trở thành mối đe dọa với hệ thống tài chính
Thống đốc NHTW Anh Mark Carney, với tư cách là Chủ tịch của Ủy ban Bền vững Tài chính, đã cảnh báo trong một bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo tài chính G20 hồi tháng 3 về sự phát triển nhanh chóng của tài sản ảo một ngày nào đó có thể khiến chúng trở thành mối đe dọa đối với hệ thống tài chính.
Pháp: Đầu cơ thuần túy
Thống đốc Ngân hàng Francois Villeroy de Galhau cho biết tại một hội nghị Fintech vào tháng 1/2017, Bitcoin là một “tài sản đầu cơ thuần túy” và các nước G20 cần nghiên cứu vấn đề này. “Chúng ta cần phải khẳng định rõ: Bitcoin không phải là đồng tiền, hoặc thậm chí là đồng tiền ảo”, vị Thống đốc này nói thêm trong bài phát biểu ở Bắc Kinh hồi tháng 12.
Ấn Độ: Không được phép
Kế hoạch ngân sách của Thủ tướng Chính phủ Narendra Modi ban hành vào tháng 2 đã đặc biệt quan tâm tới các đồng tiền ảo. Mặc dù chính phủ đang xem xét việc sử dụng công nghệ blockchain, nhưng lại không coi tiền ảo là hợp pháp và sẽ có mọi biện pháp để loại bỏ việc sử dụng chúng trong tài chính. NHTW Ấn Độ cũng phản đối các đồng tiền ảo vì chúng có thể được sử dụng để rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
Singapore: Không cấm
Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore đang nghiên cứu chặt chẽ sự phát triển và những rủi ro tiềm ẩn trong thế giới tiền ảo, nhưng hiện không thấy cần phải cấm kinh doanh, Phó Thủ tướng và Chủ tịch MAS Tharman Shanmugaratnam cho biết hồi tháng 2 khi trả lời câu hỏi của quốc hội.
Ravi Menon, giám đốc quản lý của MAS cũng cho biết hồi tháng 3 rằng, chính quyền sẽ “không bao giờ nói không bao giờ” là các đồng tiền ảo trở thành tiền. MAS đã thử nghiệm với đôla Singapore số dựa trên công nghệ blockchain và đang hợp tác với NHTW Canada về một giải pháp xuyên biên giới sử dụng các token do các NHTW phát hành.
Braxin: Cảnh báo
Ilan Goldfajn - Chủ tịch NHTW Braxin (Banco Central do Brasil) cho biết hồi tháng 3 rằng, tiền ảo không đe dọa tới sự ổn định và mặc dù chúng không phải là một nguy cơ có hệ thống, chúng vẫn cần phải được theo dõi. “Chúng tôi đang báo động”, ông nói. NHTW Braxin nhận định “không có rủi ro tức thời đối với hệ thống tài chính Braxin” từ tiền ảo, nhưng vẫn cảnh bảo về sự phát triển trong việc sử dụng của chúng, theo một tuyên bố đưa ra hồi tháng 11.
Canada: Giống như tài sản
Carolyn Wilkins - Phó Thống đốc cao cấp của NHTW Canada cho biết vào tháng 3, điều quan trọng là định nghĩa tài sản ảo “trước khi kem đánh răng ra khỏi ống”. Các quốc gia cần phải đưa ra các định nghĩa nhất quán để tránh bất kỳ sự khác biệt nào trong các quy định quản lý. Hiện BOC cũng đang nghiên cứu các tình huống mà theo đó họ có thể phát hành đồng tiền số của mình dành cho các giao dịch bán lẻ.
Hàn Quốc: Giám sát tội phạm
Các nhà chức trách ở Hàn Quốc hiện đang tập trung vào việc bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa tiền ảo được sử dụng như một công cụ của tội phạm. Thống đốc NHTW Hàn Quốc Lee Ju-yeol nói với các nhà lập pháp trong một phiên điều trần trược nghị viện hồi tháng 3 rằng, các đồng tiền ảo còn lâu mới trở thành tiền hợp pháp, và những quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn hoạt động giao dịch trái phép là cần thiết. Một nhóm đặc nhiệm trong NHTW Hàn Quốc đã tiến hành các nghiên cứu về tiền ảo kể từ tháng Giêng, ông nói.
Nga: Mô hình lừa đảo Kim tự tháp
NHTW Nga đã bày tỏ mối quan ngại về những rủi ro tiềm ẩn từ tiền ảo. Thống đốc NHTW Nga Elvira Nabiullina nói rằng “chúng tôi không hợp pháp hóa các mô hình kim tự tháp” và “chúng tôi hoàn toàn phản đối tiền tư nhân, cho dù đó là ở dạng vật lý hay ảo”. Tuy nhiên, NHTW Nga cũng đã thông báo kế hoạch sử dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực thế chấp, bảo đảm và thư tín dụng điện tử, Phó Thống đốc thứ nhất Olga Skorobogatova cho biết vào tháng 2.
Úc: Bong bóng đầu cơ
Thống đốc NHTW Australia (RBA) Philip Lowe đã chỉ trích mạnh mẽ tiền ảo trong một bài phát biểu tại Sydney ngày 13/12, cho rằng tiền ảo có nhiều khả năng sẽ hấp dẫn bọn tội phạm hơn là người tiêu dùng. “Sự say mê hiện tại đối với các loại tiền ảo giống như một bong bóng đầu cơ hơn là do việc sử dụng chúng như một hình thức thanh toán điện tử hiệu quả và tiện lợi”. RBA không có kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số riêng của mình, Lowe nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ: Thành phần quan trọng
Tiền tệ kỹ thuật số có thể góp phần ổn định tài chính nếu được thiết kế tốt, Thống đốc NHTW Thổ Nhĩ Kỳ Murat Cetinkaya cho biết tại Istanbul vào tháng 11. Tuy nhiên, chúng đã đặt ra những rủi ro mới cho các NHTW, bao gồm việc kiểm soát cung tiền và ổn định giá cả, và việc truyền tải chính sách tiền tệ, Cetinkaya nói. Mặc dù vậy, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng tiền ảo có thể là một yếu tố quan trọng cho một nền kinh tế không có tiền mặt, và các công nghệ được sử dụng có thể giúp tăng tốc và làm cho hệ thống thanh toán hiệu quả hơn.
Hà Lan: Phát hành tiền ảo riêng
Người Hà Lan là một trong số những người táo bạo nhất khi đã tiến hành thử nghiệm các đồng tiền kỹ thuật số. Vào năm 2015, NHTW Hà Lan đã tạo ra đồng tiền kỹ thuật số riêng gọi là DNBcoin - chỉ để lưu hành nội bộ - để hiểu rõ hơn về hoạt động của nó. Trong một bài báo phát hành vào tháng Giêng, NHTW Hà Lan cho biết bản chất đầu cơ của tài sản ảo là một vấn đề rất đáng quan tâm. Các thí nghiệm khẳng định công nghệ này hiện vẫn còn “quá chậm” và kém phát triển để đóng một vai trò trong các hệ thống thanh toán, nhưng có thể có các ứng dụng trong tương lai.
Scandinavia: Khám phá
Giống như Hà Lan, một số nhà chức trách Bắc Âu đã rất quan tâm đến việc khám phá ý tưởng tiền kỹ thuật số. Riksbank, NHTW lâu đời nhất của Thụy Điển, đang khảo sát các lựa chọn bao gồm e-krona. Ngân hàng cho biết e-krona “không có trở ngại lớn” đối với chính sách tiền tệ. Vào tháng 3, dự án này vẫn đang được tiến hành và chưa có quyết định phát hành e-kronas, ngân hàng trung ương cho biết.
Trong một môi trường mà việc sử dụng tiền mặt đang giảm, Norges Bank của Na Uy đang tìm kiếm các khả năng như tài khoản cá nhân tại ngân hàng trung ương, thẻ nhựa hoặc một ứng dụng để sử dụng cho thanh toán.
Trong khi đó, Đan Mạch đã quay lưng lại phần nào vào sự nhiệt tình ban đầu của nó, khi Phó thống đốc NHTW nước này Per Callesen cảnh báo các NHTW không nên phát hành các loại tiền kỹ thuật số trực tiếp cho người tiêu dùng. Một lập luận rằng sự tiếp cận trực tiếp tới thanh khoản của NHTW có thể góp phần làm tổn thương các ngân hàng thương mại khi xảy ra khủng hoảng.
New Zealand: Quá không ổn định
Cựu quyền thống đốc Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ), ông Grant Spencer, cảnh báo rằng sự tăng giá chóng mặt của Bitcoin dường như là một bong bóng đầu cơ. “Các đồng tiền kỹ thuật số, tiền ảo, là một đề xuất thực sự và nghiêm trọng cho tương lai”, Spencer cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/12 với TVNZ. “Tôi nghĩ chúng là một phần của tương lai, những không phải là những gì chúng ta đã thấy ở Bitcoin”.
RBNZ cũng cho biết trong một bài báo phân tích vào tháng 11 rằng họ đang cân nhắc kế hoạch phát hành tiền tệ trong tương lai và các đơn vị kỹ thuật số có thể phù hợp thế nào với những chiến lược đó.
Ma-rốc: Vi phạm Luật
Là một trong số những quốc gia phản ứng gay gắt nhất, Ma-rốc đã cho rằng tất cả các giao dịch liên quan đến tiền ảo đều vi phạm luật giao dịch và có thể bị pháp luật trừng phạt. Các nhà quản lý khẳng định trong bản tuyên bố vào tháng 11/2017 rằng các đồng tiền ảo không được bất cứ cơ quan nào bảo đảm và gây ra những rủi ro đáng kể cho người sử dụng chúng.
Ngân hàng thanh toán quốc tế: Không thể bỏ qua
Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) - NHTW của các NHTW - cũng cảnh báo trong một báo cáo vào tháng 3 rằng, mặc dù các đồng tiền kỹ thuật số là một công cụ mới, chúng vẫn còn quá nguy hiểm để được sử dụng như là đồng tiền hợp pháp quá sớm. Các NHTW một ngày nào đó có thể sử dụng đồng tiền số như phương tiện thanh toán giữa các tổ chức tài chính; nhưng nếu phát hành cho công chúng, chúng có thể gây bất ổn cho các nhà cho vay truyền thống.
Có một lý do mạnh mẽ khiến các nhà chức trách kiểm soát các đồng tiền số là để bảo vệ “giá trị thực” của đồng tiền, Agustin Carstens, người đứng đầu BIS nói trong một bài phát biểu hồi tháng 2.