Các tập đoàn, tổng công ty phải trình kế hoạch thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm
Ảnh minh họa |
Đề án xác định rõ, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN phù hợp với vị trí, vai trò và mục tiêu tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, sẽ rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Đề án nêu rõ các giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cho quá trình tái cơ cấu DNNN; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp và cổ phần hóa; Phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy cổ phần hóa...
Đối với từng Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN, Đề án đưa ra những giải pháp cụ thể. Đó là: Rà soát, xác định nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung vào kinh doanh những ngành chính và những ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần xây dựng và công bố công khai phương án tái cơ cấu mà trọng tâm là công tác sắp xếp lại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực; tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.
Các tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (Chứng khoán, Bảo hiểm, Ngân hàng – Tài chính, Bất động sản, Quỹ đầu tư); Tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp trên tất cả các mặt theo nguyên tắc thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đây là đề án được Chính phủ hết sức quan tâm. Ngay từ đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã nghe Bộ Tài chính báo cáo về việc xây dựng Đề án này, đồng thời gợi ý cho Bộ Tài chính bổ sung, hoàn thiện Đề án.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Đề án phải hướng tới hai mục tiêu “kép” là xử lý tồn đọng, yếu kém của hoạt động tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015 và nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN.
Một phần khá quan trọng của Đề án vừa được Chính phủ ký ban hành đó là tổ chức thực hiện. Theo đó, đã xác định rõ từng phần việc cụ thể cho từng bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN.
Trong đó, Bộ Tài chính- cơ quan chủ trì thực hiện Đề án sẽ có trách nhiệm hoàn thiện một loạt các cơ chế chính sách để "dọn đường" trong quá trình thực hiện. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đôn đốc các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này; Tham gia ý kiến để cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN.