“Cái chết” đã được cảnh báo
Cần điểm tựa cho cây hồ tiêu | |
Người trồng tiêu đang chịu rủi ro kép |
Thiệt hại lớn
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, địa phương có hơn 1.000 ha hồ tiêu bị chết sau đợt mưa kéo dài vừa qua, thiệt hại nghiêm trọng, ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hàng ngàn ha hồ tiêu tại Tây Nguyên bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, khiến người nông dân điêu đứng |
Theo nhận định của cơ quan chức năng địa phương, nguyên nhân diện tích hồ tiêu bị chết tăng vọt được cho là do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, mưa kéo dài hơn 3 tháng, khiến cây tiêu bị úng nước. Thêm vào đó, giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân giảm đầu tư chăm sóc, khiến cây hồ tiêu mất sức đề kháng.
Gần một năm nay, người dân vùng thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh của tỉnh Gia Lai đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, khi hàng trăm ha hồ tiêu kinh doanh của nông hộ đồng loạt ngã bệnh, chết dần chết mòn.
Ông Nguyễn Văn Bình, một nông dân trồng hàng ngàn trụ tiêu ở Chư Sê, với bao hy vọng đổi đời. Thế nhưng, vườn tiêu xanh tốt mới cho thu hoạch được vài ba vụ, bỗng dưng phát bệnh rồi chết. Ông Bình đã nhờ chuyên gia tư vấn cách chạy chữa và số tiền bỏ ra mua thuốc bảo vệ thực vật để cứu vườn tiêu lên đến hàng trăm triệu đồng, song không cứu vãn được. Ông chia sẻ, gia đình trồng khoảng 3.500 trụ tiêu. Mới thu hoạch được mấy vụ, bây giờ chết khoảng 3.000 trụ. Trong khi, số trụ tiêu còn lại cũng khó mà vớt vát. Trong khi đó, trung bình, 1.000 trụ tiêu phải đầu tư trên 1 tỷ đồng.
Huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, nơi cũng được mệnh danh là vựa tiêu của Tây Nguyên cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hàng nghìn ha hồ tiêu tại đây đang bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Mùa màng thất bát, hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh mất trắng, nợ nần, không có vốn để tái đầu tư sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Thu, xã Đăk NDrung, huyện Đăk Song, cách đây 5 năm, thấy giá hồ tiêu cao, gia đình đã phá bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng 1.400 trụ hồ tiêu. Cả vốn tự có và vốn vay ngân hàng, gần cả tỷ đồng để đầu tư chăm sóc cho vườn tiêu. Năm ngoái, hồ tiêu cho thu bói vụ đầu lại gặp ngay lúc thị trường lao dốc. Năm nay vào thu chính thì bỗng dưng vườn tiêu vàng lá rồi chết sạch.
Ông Thu chua chát: “Từ khi vườn tiêu có dấu hiệu nhiễm bệnh và đến khi chết khô chỉ diễn ra trong khoảng vài tuần nên không kịp trở tay. Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình đã tiêu tan. Bây giờ tiêu chết, không biết lấy tiền đâu ra để trả nợ và kiến thiết lại vườn cây…”.
Chính quyền vào cuộc
Các nông hộ trồng tiêu hầu như đều vay tiền ngân hàng để đầu tư sản xuất. Khi tiêu bùng phát bệnh, nhiều hộ dân dồn toàn lực để cứu sống cây tiêu. Có nông hộ bỏ hàng trăm triệu đồng thuê cả kỹ sư nông nghiệp, rồi cũng chịu thua. Tiêu chết, cộng thêm giá trên thị trường bị sập sàn; có thời điểm xuống dưới 50 ngàn đồng/ký; người trồng tiêu đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ cho vay để nông dân trồng hồ tiêu khoảng 4.382 tỷ đồng. Trong đó, riêng huyện Chư Pưh chiếm khoảng 1.500 tỷ đồng, với khoảng 8.104 hộ vay vốn.
Chỉ tính riêng tại huyện Đăk Song đã có hơn 15.200ha hồ tiêu, chiếm phân nửa diện tích tiêu của tỉnh Đăk Nông. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn có gần 1.700ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, bệnh đen lá tiêu…; có 209ha hồ tiêu đã chết hoàn toàn. Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết nhiều tập trung ở các xã Nâm NJang, Đắk NDrung, Trường Xuân, Thuận Hạnh, Thuận Hà… Dự báo thời gian tới, diện tích hồ tiêu bị chết có thể tăng lên nhiều, vì một số khu vực, nhiều diện tích hồ tiêu đang có dấu hiệu lây lan dịch bệnh trên diện rộng...
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Song, hồ tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt là do năm nay thời tiết ở ĐăkNông mưa quá nhiều dẫn đến cây tiêu bị nhiễm nấm (phytophthora sp, Pythium…), vi khuẩn, tuyến trùng; một số diện tích hồ tiêu bị úng nước. Ngoài ra, trong canh tác nhiều nông dân quá lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bất chấp sự khuyến cáo của các ngành chức năng.
Trước thực trạng này, chính quyền các địa phương đã vào cuộc hướng dẫn người dân cách xử lý vườn và chuyển đổi cây trồng. Sở NN&PTNT Gia Lai đang khuyến cáo người nông dân trước hết phải dọn vườn, đốt sạch dây tiêu chết, xới đất để giải độc; thậm chí là nghỉ một vài năm trước khi trồng lại cây hồ tiêu. Mặt khác, có thể trồng một số cây thay thế như chanh dây, sachi, sầu riêng hoặc có điều kiện thì trở lại trồng cây cà phê.
Về phía ngành Ngân hàng, mới đây NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo chi nhánh các NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại mà khách hàng (nông dân) vay vốn trồng tiêu bị dịch bệnh chết. Áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi suất vay, cho vay mới để khôi phục sản xuất.