Cần điểm tựa cho cây hồ tiêu
Tài chính vi mô: Bệ phóng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo | |
Agribank - nơi giữ trọn niềm tin của khách hàng | |
Agribank hỗ trợ khách hàng chuyển đổi thuê bao di động |
Hồ tiêu Tây Nguyên là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhiều hộ nông dân đã trở thành tỷ phú từ đồng vốn vay Agribank để phát triển sản xuất, chế biến hồ tiêu. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, người trồng tiêu đang gặp không ít khó khăn do tiêu rớt giá và ở một vài nơi hồ tiêu bị dịch bệnh, mất mùa…
Hồ tiêu đã đem đến cuộc sống ấm no cho nhiều người nông dân |
Hồ tiêu và những tỷ phú nông dân
Đến Gia Lai vào một ngày nắng đẹp, giữa mùa mưa, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Lê Hùng Huấn (Chư Sê – Gia Lai) để tận mắt nhìn thấy vườn hồ tiêu xanh mướt, được mùa, năng suất tăng gấp đôi so với năm ngoái. Để vườn tiêu giàu sức sống đến vậy, bí quyết của anh đó chính là ở phương pháp trồng hữu cơ, tôn trọng sự tự nhiên của cây trái như những gì chúng vốn có.
Anh Huấn nhớ lại: thời điểm hồ tiêu được giá (trên dưới 200 nghìn đồng/kg) anh không chạy đua theo phong trào bón thúc phân hóa học và các loại thuốc kích thích khác để cây phát triển mạnh cho năng suất cao. Bởi hồ tiêu hay cao su đều là những cây công nghiệp cần thời gian dài để sinh sôi phát triển rồi mới cho thu hoạch. Đã gần 20 năm trôi qua, cùng với sự hỗ trợ về vốn của Agribank, anh Huấn bền bỉ, kiên trì trồng cây tiêu, cao su và các cây khác theo phương pháp hữu cơ.
Chi phí ban đầu bón lót phân chuồng cho các loại cây khá cao, nhưng cây phát triển bền vững, tăng sức đề kháng, không nhiễm bệnh. Không phụ công chăm bẵm, đến nay vườn tiêu rộng hơn 5 ha của anh Huấn đã hơn 15 tuổi và vẫn giàu sức sống. Năm vừa rồi năng suất đạt hơn 20 tấn, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng. Năm nay năng suất hứa hẹn gấp đôi và lợi nhuận cũng không thể ít hơn năm ngoái, dù tiêu đang rớt giá. Ngoài ra, anh còn có nguồn thu ổn định từ vườn cao su, với diện tích trên 30ha cũng cho lợi nhuận mỗi năm khoảng trên 2 tỷ đồng. Anh dự định tiếp tục vay vốn tại Agribank để mở rộng sản xuất. Hiện tại dư nợ của anh Huấn tại Agribank là trên 7 tỷ đồng.
Có thể thấy, phương pháp trồng cây hữu cơ đang thể hiện rõ ưu thế vượt trội đặc biệt trong thời điểm này khi nhiều vườn tiêu đã đổ bệnh, nhiều người nông dân đã phải phá bỏ vườn tiêu để trồng cây ăn trái ngắn ngày khác. Vườn tiêu xen lẫn những loại cây trái khác đang độ “xuân thì” của anh Phan Văn Sơn (Đức Cơ – Gia Lai) cũng là một ví dụ cụ thể khác cho hiệu quả của phương pháp trồng hữu cơ.
Từ 10 triệu đồng vay vốn Agribank, anh Sơn mở rộng quy mô sản xuất. Cho đến nay, anh đã sở hữu diện tích đất khoảng 60ha, anh lựa chọn giải pháp trồng xen canh nhiều loại cây và trồng cây theo phương pháp hữu cơ để tránh rủi ro: cao su, hồ tiêu, cà phê, điều, sầu riêng, vú sữa, bơ, mãng cầu, chuối, cam… Từ đó, doanh thu hàng năm của anh không dưới 5 tỷ đồng/năm. Mới đây, anh tiếp tục mở rộng diện tích đất để trồng trọt từ nguồn vốn vay 5 tỷ đồng của Agribank.
Cũng như anh Huấn, anh Sơn, nhiều cán bộ trẻ cũng thể hiện đam mê của mình với nông nghiệp hữu cơ, với khát vọng thay đổi quan điểm và thói quen trồng trọt, sử dụng thực phẩm của người Việt. Chị Huỳnh Đinh Trà Giang ở Kon Tum là một ví dụ. Từ bỏ đất nước Pháp với nhiều tiện ích của một đất nước phát triển, chị trở về Việt Nam, tìm đến bệ đỡ về vốn là Agribank, để mở rộng trang trại trồng cây hữu cơ: hồ tiêu, cam, chanh, chuối, cà chua, cây thảo mộc…
Để đầu tư hoàn tất dự án trồng cây hữu cơ với quy mô 14ha chị cần 17 tỷ đồng và đã được Agribank cam kết hỗ trợ 70%. Sau một thời gian dài cải tạo đất, tạo hệ sinh thái phù hợp, chọn giống tiêu chuẩn, những cây hồ tiêu trong trang trại của chị bắt đầu lớn. Dù biết chặng đường phía trước còn gian nan, nhưng niềm hy vọng và sự tự tin luôn tràn đầy trong chị. Chị tin vào một tương lai tốt đẹp trong tầm tay với những trụ hồ tiêu xanh tốt, năng suất cao và không nhiễm bệnh… từ phương pháp trồng hữu cơ.
Vẫn còn đó những khó khăn
Hồ tiêu đã đem đến cuộc sống ấm no cho nhiều người nông dân, hơn thế nữa, nhiều hộ nông dân đã trở thành tỷ phú từ hồ tiêu. Nhưng hiện tại, hồ tiêu đang rớt giá thảm hại, khiến thu nhập của người nông dân bị ảnh hưởng. Có thời điểm giá hồ tiêu lên cao trên 200 nghìn đồng/kg, nhưng hiện tại, giá hồ tiêu chỉ trên dưới 50 nghìn đồng/kg. Hồ tiêu rớt giá do nhiều nguyên nhân và nguyên nhân quan trọng nhất là do cung đã vượt cầu.
Diện tích hồ tiêu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã phát triển vượt xa quy hoạch. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây hồ tiêu của tỉnh Gia Lai là 6.000ha, nhưng đến năm 2017, diện tích hồ tiêu của Gia Lai là hơn 16.300ha, vượt quy hoạch hơn 10.000ha. Tại Đắk Lắk, quy hoạch đến năm 2020 đối với cây hồ tiêu là 18.700ha, thì nay diện tích hồ tiêu đã lên đến hơn 38.600ha. Còn tại Đắk Nông, theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ duy trì khoảng 25.000ha, nhưng đến nay diện tích hồ tiêu đã hơn 32.900ha. Thời điểm giá hồ tiêu lên cao đã khiến người nông dân bỏ những loại cây trồng khác để trồng tiêu dẫn đến quy hoạch bị phá vỡ.
Một khó khăn nữa là hồ tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt, những bệnh nghiêm trọng như: tuyến trùng rễ; rệp sáp gốc, thối thân, vàng lá, thối rễ… Những cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh chéo do việc mua bán trụ gỗ từ vùng nhiễm bệnh sang vùng không nhiễm bệnh. Đất đai không được cải tạo, chăm sóc, người dân chưa am hiểu sâu về kỹ thuật trồng hồ tiêu… cũng là những nguyên nhân chính khiến nhiều vùng hồ tiêu nhiễm bệnh, gây thiệt hại lớn cho bà con.
Để những cây hồ tiêu phát triển bền vững, thực sự đem đến cuộc sống ấm no cho đa số người nông dân, theo giới chuyên môn cần nâng cao ý thức của chính người dân và cả cơ quan quản lý. Trước hết đó là việc người nông dân cần tránh chạy theo tâm lý đám đông, không mở rộng diện tích trồng tiêu tràn lan, trồng hồ tiêu phải theo quy hoạch. Đồng thời, để hạn chế dịch bệnh lây lan, người dân cần chú trọng vào khâu chọn giống, cải tạo đất và chăm bón theo phương pháp hữu cơ.
Theo kinh nghiệm của anh Huấn: những cây tiêu của anh tránh được dịch bệnh trong vùng là do anh trồng tiêu theo phương pháp hữu cơ, và đó cũng là phương pháp trồng tối ưu hiện nay. Đồng thời công tác xúc tiến thương mại tại địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa để những cây hồ tiêu giữ được thương hiệu, có như vậy thì giá cả sẽ ổn định, tránh được vòng xoáy được mùa rớt giá, hoặc mất mùa và rớt giá như hiện nay.
Agribank sẵn sàng đồng hành và tiếp sức cùng người nông dân vượt qua khó khăn |
Theo ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê – Gia Lai, thì để giảm bớt dịch bệnh lây lan, ông gợi ý bà con nên luân canh các cây trồng ngắn ngày để diệt mầm bệnh và cải tạo đất. Sau đó, thâm canh, xen canh các loại cây che bóng. Không nên trồng độc canh và nên ưu tiên chăm sóc theo hướng hữu cơ, sử dụng các công nghệ tưới nước nhỏ giọt… để cây phát triển tốt.
Trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Hợp nhấn mạnh: Những vùng hồ tiêu đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cần làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận. Người nông dân cần phối hợp với những hợp tác xã kinh doanh hồ tiêu để tìm đầu ra, đồng thời chú trọng khâu chế biến để tăng giá trị sản phẩm…
Hồ tiêu cũng như nhiều cây công nghiệp quý khác, muốn phát triển bền vững cần có chiến lược phát triển, phương pháp trồng trọt chăm sóc tốt và đầu ra phù hợp. Người nông dân, ngân hàng và các cấp các ngành cùng chung tay vào cuộc thì cây hồ tiêu sẽ vẫn tiếp tục đem đến nguồn thu ổn định làm thay đổi cuộc sống người nông dân theo hướng tốt đẹp.
Về phía mình, lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đồng hành và tiếp sức cùng người nông dân vượt qua khó khăn. Agribank hiện là NHTM lớn nhất đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn với tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực này luôn trên 70%, đứng đầu toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực tam nông. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nguyên, Agribank luôn dành trên 90% tỷ trọng tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, tính riêng về cho vay hồ tiêu. Tính đến thời điểm 31/7/2018 tổng dư nợ của Agribank đạt trên 2.977.788 triệu đồng.