Người trồng tiêu đang chịu rủi ro kép
Cây công nghiệp trên Tây Nguyên: Cần có chiến lược phát triển bền vững | |
Đừng bỏ mặc nông dân |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk, từ năm 2017 đến nay, Đăk Lăk có trên 500ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết. Nhiều địa phương bị thiệt hại nặng như huyện Krông Năng, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Păk, Buôn Hồ, Cư M’gar…
Người dân trồng tiêu đang lao đao vì giá rớt mạnh |
Không riêng Đăk Lăk, nhiều địa phương tại Tây Nguyên cũng rơi vào cảnh tương tự. Ví như, Gia Lai địa phương được ví như thủ phủ hồ tiêu của Việt Nam, tình trạng cây nhiễm bệnh dẫn đến chết ngày càng trầm trọng, chưa có biện pháp hữu hiệu để khống chế, kiểm soát dịch bệnh trên cây hồ tiêu tại đây.
Theo thông kế của cơ quan chức năng, tại Gia Lai có 2 huyện bị thiệt hại nghiêm trọng là Chư Sê với khoảng 3.700ha, Chư Pưh có 2.900ha bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt.
Tương tự, tại Đăk Nông, theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương này, trên địa bàn tỉnh có gần 300ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh 153,93ha và 145,54ha bị bệnh chết chậm, diện tích bị nhiễm bệnh nặng khoảng 7 ha. Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh nặng tập trung ở các huyện Đăk R’lấp (trên 160ha), Đăk Song (khoảng 56ha) và Đăk Glong 81 ha…
Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, chính quyền các địa phương đang vào cuộc để hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục tình trạng hồ tiêu bị chết, thực hiện các biện pháp chuyển đổi cây trồng trên những diện tích không thể cứu vãn; tiến tới giúp người dân yên tâm sản xuất.
Tại Gia Lai, ngành nông nghiệp đang thực hiện dự án Xây dựng mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Cục Bảo vệ thực vật Gia Lai đã chọn 15 hộ có vườn hồ tiêu đang bị bệnh chết chậm ở mức độ nhẹ và trung bình tại 3 huyện Chư Prông, Chư Sê và Chư Pưh để tham gia thí điểm.
Theo đó, mỗi mô hình được xây dựng bên cạnh các vườn hồ tiêu khác liền kề để hỗ trợ kỹ thuật. Các vườn hồ tiêu này đều trồng bằng trụ chết. Dự án hỗ trợ toàn bộ vật tư nông nghiệp và thiết bị cho các hộ tham gia. Quy trình kỹ thuật và công nghệ phục hồi vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm được đưa ra là sử dụng phân hữu cơ đa lượng, phân trung vi lượng để cải tạo, khử trùng đất cùng với các loại thuốc bảo vệ thực vật, lưới che nắng…
Cùng với đó, NHNN chi nhánh Gia Lai đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định. Đến nay, các chi nhánh NHTM đã tiến hành hỗ trợ cho 442 khách hàng. Trong đó, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 81,2 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 41,1 tỷ đồng và cho vay mới 120 tỷ đồng.
Hiện NHNN chi nhánh Gai Lai cũng đang chỉ đạo các chi nhánh NHTM tiếp tục đồng hành cùng khách hàng; Phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, thống kê, phân loại cụ thể theo từng nhóm khách hàng để có giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất.
Đồng thời, chi nhánh tiếp tục theo dõi, phối hợp với UBND các huyện và các sở, ngành chức năng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Gia Lai và NHNN có các giải pháp thiết thực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, UBND các địa phương ở tây Nguyên cần có trách nhiệm hỗ trợ nông dân, hợp tác với ngân hàng để giải quyết khó khăn. Trước mắt chính quyền địa phương cần có những giải pháp ổn định cuộc sống, hỗ trợ người dân, chuyển đổi cây trồng phù hợp, tái cơ cấu hoạt động sản xuất nông nghiệp; Tiến tới từng bước ổn định và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mang tính bền vững lâu dài.
Theo báo cáo của các chi nhánh NHTM tại Gia Lai, dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn đến nay khoảng 4.382 tỷ đồng, chiếm trên 5% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ ngắn hạn 3.375 tỷ đồng, chiếm 77%; dư nợ trung, dài hạn 1.007 tỷ đồng, chiếm 23%. Nợ xấu 186 tỷ đồng, chiếm 4,2% dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu. Riêng tại huyện Chư Pưh (Gia Lai), tổng dư nợ ngân hàng đầu tư cho cây tiêu khoảng 1.400 tỷ đồng, với gần 6.500 khách hàng, chủ yếu là gia đình cá nhân. Ông Hoàng Anh Quân, Phó giám đốc VietinBank Gia Lai: Để được ngân hàng hỗ trợ cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất thì khách hàng phải có đề nghị, có sự hợp tác với ngân hàng, cộng đồng trách nhiệm giải quyết vấn đề. Bà Lê Thị Hồng, Phó giám đốc BIDV Phố Núi: Chi nhánh đã đồng hành, rà soát tình hình thực tế từng khách hàng, đánh giá thiệt hại, khả năng thu nhập cũng như khả năng tái sản xuất. Từ đó, có các biện pháp hỗ trợ như cho vay lưu vụ, áp dụng lãi suất ưu đãi đối với khách hàng có phương án khôi phục sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. |