Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội là những người dân vận khéo
Khi Chỉ thị “bốn mươi” đến với huyện nghèo | |
Vốn VBSP giúp cải thiện đời sống cựu chiến binh | |
Hiệu quả lớn từ vốn vay ưu đãi nơi vùng chiêm trũng |
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Các đoàn thể chính trị vào cuộc vì mục tiêu giảm nghèo
Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách đã đi vào cuộc sống, được người vay sử dụng hiệu quả. Qua các chương trình cho vay của NHCSXH, bà con vay vốn gắn bó chặt chẽ với nhau hơn, đặc biệt là người nghèo. Cán bộ tín dụng của NHCSXH cũng là những cán bộ dân vận khéo, bởi chỉ khi cán bộ tín dụng hiểu biết phong tục, tập quán, phương thức làm ăn, thậm chí hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, đồng vốn mới hiệu quả, sinh lời và trả gốc và lãi cho ngân hàng. Đó là một bước thực hiện mục tiêu dân vận khéo của Đảng và Nhà nước.
Nguồn vốn rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn chính là sử dụng đồng vốn đó như thế nào? Khía cạnh đầu tiên là hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ từ sử dụng, quản lý đồng vốn làm sao cho hiệu quả. Nhưng phải xét khía cạnh thứ hai, không đơn giản người nào cũng làm được việc tiếp cận, cùng đồng hành cuộc sống của người nghèo một cách dễ dàng. Đó chính là kỹ năng của công tác dân vận. Tức là phải hướng dẫn, thậm chí cầm tay chỉ việc nhưng quan trọng là làm sao để người dân tin mình. Điều này đòi hỏi các tổ chức chính trị xã hội, mặt trận, các đoàn thể chính trị phải vào cuộc với tâm lý coi người nghèo, giảm nghèo, vươn lên làm giàu là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người cán bộ, trong đó có cán bộ NHCSXH.
Tổ chức hội đoàn thể, cán bộ NHCSXH phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người vay vốn |
Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ:
Vốn vay giúp hoàn thiện các tiêu chí của nông thôn mới
Qua thực tế tại địa phương, đồng vốn của NHCSXH đã góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh việc giúp cải thiện cuộc sống của người nghèo, đồng vốn ưu đãi của NHCSXH còn góp phần vào xây dựng nông thôn mới của Cần Thơ, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
Đến hết năm 2019, chúng tôi phấn đấu có 36 xã hoàn thành nông thôn mới và 2 huyện được công nhận đã hoàn thành chương trình nông thôn mới. Sau giai đoạn này, chúng tôi sẽ chuyển từ mô hình nông thôn mới lên nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện được điều này, người nghèo vẫn rất cần tiếp cận được nguồn vốn vay để nâng cao được thu nhập và giải quyết được việc làm.
Mỗi vùng đều có đặc trưng riêng, có cái khó riêng. NHCSXH có thể phát triển mạng lưới tới tận xã, thôn, xóm, nhưng về nhân lực thì khó có thể đủ được. Vì vậy, NHCSXH phải phối hợp với 4 đoàn thể là phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, đoàn thanh niên, các tổ chức này gắn với dân nhất và để tiếp cận giải quyết cái khó của dân.
Đặc biệt, tại Cần Thơ, cán bộ NHCSXH rất gần với Đoàn Đại biểu Quốc hội, trong những cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát họ đều có mặt. Điều này giúp NHCSXH tiếp cận người dân, trực tiếp trả lời dân, giải quyết khó khăn cho dân.
Bà Leo Thị Lịch - Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc của Quốc hội:
Kênh quan trọng trong công tác dân vận
NHCSXH với vai trò cung cấp nguồn lực trực tiếp cho công tác an sinh xã hội và ủy thác cho một số đoàn thể thực hiện cho vay ưu đãi. Để có thành công, ngoài chức năng, nhiệm vụ và sự chuyên nghiệp của NHCSXH thì Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể là một trong những kênh quan trọng trong công tác dân vận để thực hiện tốt nội dung này. Nguồn vốn của NHCSXH ủy thác qua 4 tổ chức đoàn thể đã tạo động lực cho các vùng có sự phát triển kinh tế chậm, giúp những hộ đồng bào khó khăn vươn thoát nghèo bền vững.
Người nghèo là người yếu thế và họ có tự ti nhất định. Do vậy, chúng ta cần vận động, thuyết phục họ tham gia những chương trình chung ngoài chương trình được vay vốn. Tôi cho rằng, tín dụng ưu đãi không chỉ phát triển kinh tế mà còn là mang đến văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam về tính nhân văn trong thực hiện chính sách.
Ví dụ như trước đây, rất nhiều người sợ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, thế nhưng từ khi có chương trình cho vay vốn đi xuất khẩu lao động những hộ nghèo họ có đủ năng lực để vươn ra khắc phục cái nghèo không chỉ trên địa bàn của mình, trong tỉnh của mình mà ra nước ngoài để thoát nghèo. Đó là một mục tiêu mà NHCSXH đã tạo ra cho người nghèo, có vị trí quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo cả trong nhận thức, nâng cao trình độ nhận thức của hộ nghèo.
Bà Lò Thị Luyến - ĐBQH, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên:
Bằng những hành động thiết thực để tạo niềm tin cho người dân
Một trong những nhiệm vụ công tác của các hội, đoàn thể chính là tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong công tác này có rất nhiều hình thức vận động quần chúng, trong đó vận động thông qua các chương trình tín dụng của NHCSXH đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc chúng ta đi nói để dân biết, dân hiểu, dân nghe là một việc rất khó. Chỉ có cách cho vay vốn, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, bằng những hành động thiết thực mới tạo niềm tin cho bà con dân tộc thiểu số với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Rõ ràng, vai trò của nguồn vốn NHCSXH và các chương trình tín dụng cho vay đối với các đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng. Nguồn vốn này giúp cho đồng bào phát triển kinh tế cũng như giúp họ phát huy nội lực để vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững.
Hiện tại trên tỉnh Điện Biên có 20 chương trình chính sách, tín dụng của NHCSXH, trong đó giao cho các hội đồng thực hiện 17 chương trình. Chúng tôi có rất nhiều cách để hướng dẫn đối với người được vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Trong việc tổ chức thực hiện có nhiều nơi họ rất là sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc NHCSXH:
Cán bộ NHCSXH phải phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống người nghèo, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội.
Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số...
Có được điều đó, bên cạnh việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, mỗi cán bộ NHCSXH còn phải “dân vận” trực tiếp với khách hàng. Cán bộ NHCSXH phải khéo léo, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị xã hội và cấp ủy, chính quyền cơ sở từ tổ dân phố đến thôn, buôn, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bởi đó là “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc chuyển tải và phát huy nguồn vốn đến tay đối tượng thụ hưởng. Nói một cách văn hoa, cán bộ NHCSXH đã phát huy được vai trò “dân vận của dân vận” để đưa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, trưởng thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn vào đồng hành cùng cán bộ NHCSXH trong công tác quản lý nguồn vốn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên thực hành tiết kiệm…