Cần cam kết trách nhiệm về công nghệ đốt rác
Bãi rác Khánh Sơn - bao giờ được xử lý dứt điểm? | |
Cần một lộ trình ứng xử với rác | |
Ra quân phong trào chống rác thải nhựa |
Những ngày qua, dư luận Đà Nẵng xôn xao về câu chuyện người dân chặn đường không cho xe chở rác lên bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng). Sự việc này phản ánh sự quan ngại về tình hình xử lý rác thải của “thành phố môi trường” trong thời gian tới. Bởi bãi rác Khánh Sơn chỉ còn khả năng tiếp nhận rác khoảng 200 ngày nữa. Đồng thời, hoài nghi về khả năng tồn tại những tro xỉ do công nghệ này để lại sẽ gây hậu quả môi trường cho thế hệ sau.
Người dân trong khu vực không đồng tình với việc thành lập nhà máy đốt rác bởi họ chưa thực sự tin tưởng vào công nghệ đốt rác phát điện do Công ty cổ phần Môi trường đô thị Việt Nam phối hợp với Tập đoàn EverBright International (Trung Quốc) thực hiện.
Cần minh bạch thông tin và trách nhiệm cam kết của chủ đầu tư dự án đốt rác tại Bãi rác Khánh Sơn |
Trước đó, để người dân sinh sống tại khu vực này có cái nhìn thực tế công nghệ đốt rác, phát điện, vào tháng 6/2019, chính quyền Đà Nẵng phối hợp với đơn vị thực hiện dự án đã đưa một số người dân khu vực Khánh Sơn đi tham quan Nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ. Qua đó, chính quyền và chủ đầu tư mong muốn người dân hiểu về công nghệ đốt rác phát điện sắp được triển khai tại bãi rác Khánh Sơn.
Song không như sự kỳ vọng của chính quyền và chủ đầu tư, bởi ngay sau buổi đối thoại giữa chính quyền và người dân tại bãi rác Khánh Sơn vào ngày 6/7/2019, nhiều người dân kịch liệt phản đối, ngăn chặn không cho xe rác lên bãi, ùn ứ rác tại nhiều điểm, buộc chính quyền phải dùng “biện pháp mạnh” để các xe vào tập kết rác.
Tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX mới diễn ra, nghị trường cũng nóng lên về câu chuyện này. Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Đà Nẵng cho rằng, vấn đề bãi rác Khánh Sơn đang là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Đà Nẵng, nên cần có sự chọn lựa kỹ càng về công nghệ đốt rác phát điện của nhà máy điện rác Khánh Sơn. Đặc biệt, phải chú ý đến khả năng gây ô nhiễm và các chất độc hại từ khói đốt rác cũng như việc xử lý tro sau khi đốt.
Theo bà Liên, khi giải quyết vấn đề cũng cần lưu ý việc chuyển đổi nghề, đảm bảo cơ bản cuộc sống, thu nhập cho hơn 300 lao động đang nhặt rác tại Khánh Sơn và di dời các hộ dân trong khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo đúng quy định hiện hành, trồng cây xanh cách ly khu liên hợp và khu dân cư.
Liên quan đến dự án rác điện tại bãi rác Khánh Sơn, đại diện Công ty cổ phần Môi trường đô thị Việt Nam (chủ đầu tư dự án) cho hay, đây là một trong những dự án liên quan đến môi trường (xử lý rác thải) mà đơn vị thực hiện trên cả nước. DN khẳng định và tự tin về công nghệ mà đơn vị vận hành hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường.
Riêng với dự án Nhà máy điện rác tại Khánh Sơn, công ty cho biết, dự án được đầu tư 80 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Đà Nẵng chưa phải bỏ tiền từ ngân sách để thực hiện. Đó hoàn toàn là tiền của DN và ký cam kết rõ ràng với thành phố. Nếu việc vận hành và xử lý rác thải đảm bảo quy chuẩn theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thì Đà Nẵng mới trả tiền. Còn nếu DN xây dựng, vận hành không đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến môi trường thì phải tự chịu trách nhiệm và Đà Nẵng sẽ không bồi hoàn bất cứ khoản chi phí nào…
Đồng thời công ty cũng cam kết, nếu được triển khai, dự án sẽ hoàn thành trong 18 tháng và đi vào hoạt động. Hiện công nghệ điện rác của dự án do Tập đoàn EverBright International (Hong Kong) đã vận hành thành công tại Cần Thơ và tính đến thời điểm hiện tại có trên 40 nhà máy đi vào hoạt động trên khắp thế giới…
Thực tế đối với bãi rác Khánh Sơn cho thấy, tình hình quá tải đang cận kề. Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, từ năm 2015, mỗi ngày Đà Nẵng thải ra hơn 1.000 tấn rác. Con số này khiến bãi rác Khánh Sơn quá tải so với thiết kế. Nếu đầu tư nhà máy, Khánh Sơn sẽ không phải là nơi chôn rác, mà là khu liên hiệp xử lý rác, rác chôn lấp trước đây có thể sử dụng để đốt phát điện.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, theo lộ trình được xác định, đến cuối năm 2020 phải đảm bảo có nhà máy xử lý chất thải rắn ở bãi rác Khánh Sơn và giải quyết về cơ bản việc xử lý rác của Đà Nẵng.
Ông Trung khẳng định, cần nhanh chóng triển khai xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại khu vực bãi rác Khánh Sơn để giải quyết căn cơ vấn đề ô nhiễm môi trường. Chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn là nhất quán. Vấn đề còn lại, phải làm rõ, đó là quy hoạch; và phải tiếp cận cho được những công nghệ tiên tiến nhất; công khai minh bạch, đấu thầu, đấu giá rộng rãi qua mạng, làm bài bản theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, cần có cam kết về công nghệ, về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện dự án.