Cần đa dạng hóa tín dụng nông thôn
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực của vùng kinh tế ĐBSCL. Nhờ nguồn vốn vay từ các TCTD, hàng trăm ngàn DN, hộ nông dân đã mở rộng được quy mô, phát triển sản xuất, thúc đẩy hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Tuy nhiên, NHNN cho rằng, hiện nay việc tăng trưởng tín dụng vào khu vực NN – NT vẫn có quá nhiều điểm nghẽn mà nguyên nhân chủ yếu đến từ những yếu kém vĩ mô đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được tháo gỡ đáng kể.
Mô hình cho vay chuỗi trong nông nghiệp mới triển khai được một năm nhưng đã thu được kết quả khả quan |
Vướng mạnh nhất vẫn là manh mún
Đại diện cho TCTD có dư nợ cho vay lĩnh vực NN – NT lớn nhất hiện nay với tổng dư nợ tính đến thời điểm cuối năm 2014 đạt gần 91.000 tỷ đồng, (trong đó riêng vùng ĐBSCL đạt 82.600 tỷ đồng), ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho rằng, hiện nay nút thắt lớn nhất đối với việc cho vay vào lĩnh vực NN-NT là quy mô sản xuất kinh doanh của bên vay vốn đa số chỉ ở mức nông hộ và DN nhỏ.
Chính vì quy mô nhỏ nên vốn tự có và tài sản đảm bảo của các khách hàng nhóm này rất hạn chế. Do đó, việc vay vốn bổ sung khi tăng quy mô sản xuất kinh doanh rất khó thực hiện, mặc dù ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, kể cả cho vay không có tài sản đảm bảo.
Thêm vào đó, theo ông Thành, mặc dù chuỗi liên kết 4 nhà trong vài năm qua được hình thành ở nhiều địa phương nhưng quy chế phối hợp thiếu chặt chẽ nên việc quản lý rủi ro (trong đó có rủi ro về cấp vốn) cũng hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực cho vay nuôi tôm, Agribank đã phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng. Tại nhiều địa phương, liên tiếp nhiều năm xảy ra các trường hợp DN và người nông dân phá vỡ hợp đồng mà không có biện pháp xử lý thỏa đáng, một số DN chiếm dụng vốn của người dân khiến ngân hàng ảnh hưởng theo.
Trong khi đó, đứng từ góc độ DN, đại diện Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) thừa nhận rằng, mặc dù trong vòng 2 năm gần đây lãi suất vay đã liên tục giảm nhưng do không có sự đồng bộ trong nuôi trồng và sản xuất, không có quy hoạch vùng nguyên liệu vì thế các DN không chủ động được nguồn hàng, ít dám nhận các đơn hàng XK lớn và cũng ít có nhu cầu vay thêm vốn.
Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD - Bộ NN&PTNT), trong thời gian qua một trong những chính sách tín dụng rất hiệu quả mà ngành Ngân hàng làm được đó là chương trình cho vay theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Theo khảo sát của IPSARD tại một số DN ở khu vực ĐBSCL, mặc dù mới triển khai gần một năm nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực. Hầu hết hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất đều có lợi nhuận cao hơn. Nguồn vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cũng được giải ngân khá kịp thời và hiệu quả.
Từ nghiên cứu của IPSARD ông Tuấn cho rằng, nút thắt của việc cấp tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các đối tượng nông hộ, trang trại là phải làm sao để người dân nhìn thấy “ngon ăn” và hứng thú đầu tư. Theo ông Tuấn, hiện nay nếu mỗi hộ ở ĐBSCL chỉ canh tác 1 ha lúa thì dù năng suất và giá bán có đảm bảo lợi nhuận nhiều nhất, mức thu nhập vẫn chỉ bằng 1/3 mức thu nhập trung bình khu vực nông thôn của toàn vùng.
“Do vậy, nếu muốn người dân gắn với cây lúa thì phải làm sao để người dân dễ dàng trong việc thuê mướn thêm đất, để mỗi hộ có diện tích canh tác khoảng 3 ha trở lên hoặc liên kết vào các HTX, DN làm các cánh đồng lớn thì người dân mới hứng khởi. Khi họ chịu làm thì mới cần vốn vay”- ông Tuấn nói.
Sẽ nhân rộng mô hình sử dụng vốn nông nghiệp hiệu quả nhất Phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của tín dụng đối với nông sản xuất khẩu vùng ĐBSCL” do NHNN phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức ngày 7/4, tại TP Bến Tre, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, nhận thức được vai trò quan trọng của các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của vùng đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của khu vực đặc biệt là các sản phẩm nông sản xuất khẩu. “Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của khu vực phát triển nhanh, bền vững, mang lại đời sống ấm no cho người dân trong khu vực. Ngành Ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp và người dân trong khu vực để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu là thế mạnh của khu vực ĐBSCL”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng cho biết, trong tháng 6/2015 tới đây, NHNN sẽ tiến hành tổng kết Chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 1050/QĐ-NHNN của NHNN. Từ kết quả tổng kết, NHNN sẽ chọn ra những mô hình tiêu biểu, sử dụng vốn hiệu quả để chỉ đạo nhân rộng tại các địa phương trên cả nước. Ngoài ra, trong thời gian tới NHNN cũng sẽ gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 41 của Chính phủ về cho vay NN-NT, trong đó mở rộng các điều khoản liên quan đến việc ưu tiên, hỗ trợ cấp vốn tín dụng đối với các mô hình đã, đang và sẽ thực hiện theo chương trình cho vay theo chuỗi sản xuất lớn. |
Cho thuê tài chính nông thôn
Đồng quan điểm về những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng tại khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (NHNN) cho rằng, về mặt chính sách ngân hàng – tín dụng, trong thời gian tới các TCTD hoạt động chủ yếu ở các địa bàn nông nghiệp nông thôn như Agribank, VBSP, các Quỹ tín dụng nhân dân tại các địa phương cần tăng cường năng lực tài chính, tái cấu trúc và tăng vốn điều lệ. Các ngân hàng này cũng cần lập kế hoạch cho vay tín dụng nông thôn một cách hợp lý về thời hạn, cơ cấu vốn đầu tư cũng như hạn mức vay vốn.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, Nhà nước cần mở rộng tự do hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh việc tăng cường tiêu chuẩn hóa và giám sát các hoạt động của các TCTD chính thức, cũng cần mở rộng quản lý tương tự đối với các hình thức tín dụng phi chính thức để hỗ trợ đa dạng hóa nguồn vốn và sản phẩm tín dụng phù hợp với trình độ phát triển và tập quán của từng địa phương.
Thêm vào đó, để dòng vốn ngân hàng vào lĩnh vực NN-NT nhiều hơn thì các TCTD cần kết hợp nhiều phương thức cho vay linh hoạt như cho vay dự án đầu tư, cho vay hạn mức tín dụng, cho vay hợp vốn… nhằm giúp người vay chủ động trong sử dụng vốn.
Đặc biệt, các TCTD có thể phát triển loại hình tín dụng cho thuê tài chính trong lĩnh vực NN-NT. Mở rộng thị trường cho thuê tài chính nông thôn nhằm khắc phục hạn chế về tài sản đảm bảo (cho vay không cần tài sản thế chấp như vay ngân hàng). Có thể cho thuê tài chính giúp các hộ sản xuất đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ với quy mô vốn lớn, thời gian cho thuê trung – dài hạn (5-10 năm) để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn.
Theo Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến thời điểm 28/2/2015, nguồn vốn huy động được của các TCTD trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL đạt khoảng hơn 276.000 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cuối 2014. Tuy nhiên dư nợ cho vay toàn vùng đạt khoảng trên 358.800 tỷ đồng, chiếm 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 70% và trung – dài hạn 30%. Trong tổng số dư nợ nêu trên, dư nợ cho vay theo Nghị định 41 chiếm khoảng 163.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo Văn bản 1149/TTg-KTN khoảng 22.300 tỷ đồng, cho vay theo chương trình thí điểm theo chuỗi khoảng 1.360 tỷ đồng, cho vay theo chương trình kết nối NH – DN khoảng 19.600 tỷ đồng. |