Cần lực đẩy cho phát triển hợp tác xã
Mở van vốn hỗ trợ hợp tác xã | |
Đẩy mạnh thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam |
Vốn và đầu ra sản phẩm
HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) được thành lập năm 2007 với 7 thành viên đầu tiên. Ông Nguyễn Văn Ba - Giám đốc HTX này cho hay, từ khi bắt tay xây dựng và cho tới thời điểm hiện tại, việc phát triển HTX vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến việc thiếu công nghệ, trình độ quản lý yếu kém và đặc biệt là khâu tiếp cận đầu ra, trong đó nhấn mạnh tới việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối bán lẻ hiện đại.
HTX cần hoạt động theo mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị |
Chính vì vậy, sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, đến nay sản phẩm miến của doanh nghiệp này mới chỉ vào được SaigonCo.op và Big C. Bên cạnh đó, phải kể đến vấn đề về vốn, việc vay vốn ngân hàng là rất khó do không có tài sản thế chấp. Đây cũng là tình trạng chung của các HTX nông nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho hay, đó là do quy mô còn hạn chế, tài chính một số HTX chưa minh bạch, khả năng quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Theo Cục Phát triển HTX (Bộ KH-ĐT), về mức độ ứng dụng công nghệ trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đa số các HTX ở nước ta mới dừng ở cung cấp dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào cho hoạt động sản xuất của nông hộ, chỉ có 12% HTX thực hiện dịch vụ tiêu thụ, chế biến nông sản.
Ngoài ra, nhiều hợp tác xã còn thiếu quỹ đất để ứng dụng công nghệ và công nghệ cao ở quy mô lớn vào sản xuất. HTX còn thiếu thông tin, chưa nắm bắt thị trường công nghệ và quan trọng hơn là thiếu cả nguồn nhân lực trong quản trị và quản lý KH&CN. Từ đó việc tham mưu, tư vấn, tổ chức đầu tư, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập.
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 15 nghìn HTX làm ăn hiệu quả cần giải quyết nhiều khó khăn, nhưng có hai vấn đề cần tập trung tháo gỡ, đó là vốn và công nghệ cao.
Đặc biệt, vấn đề lớn nhất của các HTX là vốn, tài sản phục vụ cho hoạt động của HTX. Đa số các HTX đều không có trụ sở, tài sản, đất đai; không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, do đó hiệu quả hoạt động rất hạn chế. Vì vậy cần huy động các nguồn lực và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ cho HTX phát triển.
Tháo gỡ các nút thắt
Liên quan đến vấn đề đầu ra sản phẩm, ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Coop) chia sẻ, muốn sản phẩm vào được hệ thống siêu thị, bước đầu tiên là phải đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, các HTX nói riêng và các DN Việt Nam nói chung liên kết với nhau quá yếu kém, mạnh ai nấy làm. Vì vậy, thời gian tới cần có người đứng đầu quản lý chung việc này.
Đối với bài toán về vốn, các chuyên gia cho rằng, trước hết, các HTX phải chuyển đổi mô hình hoạt động, giải quyết được những hạn chế về nhân lực, xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả năng áp dụng công nghệ… Khi những điểm nghẽn này được giải quyết, những khó khăn về vốn sẽ được hóa giải.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng Giám đốc NHTMCP Sài Gòn (SCB) đưa ra gợi ý về liên kết chuỗi sản xuất. Theo đó, Liên minh HTX và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ sẽ tổ chức một chuỗi, từ sản xuất hỗ trợ người nông dân, cho đến khâu chế biến và tiêu thụ (bao tiêu đầu ra). Trong quá trình này, đơn vị sẽ bao tiêu đầu ra và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
Đồng thời, cũng mời một đơn vị bảo hiểm hàng hóa và giá cả tham gia quá trình đó. “Với cách tổ chức như thế, tôi tin là rủi ro cho ngân hàng sẽ rất ít. Bởi vì đã đảm bảo được đầu ra, tức là nguồn trả nợ cho xã viên. Tôi tin là mô hình này sẽ rất hiệu quả trong thực tế”, ông Võ Tấn Hoàng Văn nói.
Cũng theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, đối với các khoản cho vay sản xuất, chu kỳ tối đa là 6 tháng. Đối với khoản vay đầu tư mới thiết bị, sẽ căn cứ vào thời gian khấu hao thiết bị. Tùy theo nhu cầu của người nông dân, SCB sẽ tổ chức thời gian cho vay thích hợp. Dự kiến, mức lãi suất bình quân mức cho vay là khoảng 5-7%/năm. SCB cũng kỳ vọng 2-3 năm nữa đây sẽ là mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Định hướng của Liên minh HTX Việt Nam là phát triển các quỹ để các HTX có thể tự tiếp cận các nguồn vốn, từ tín dụng cho tới ngoài xã hội. Một trong các biện pháp là xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị.
Thời gian tới, Liên minh sẽ tư vấn và hỗ trợ đến 200 triệu đồng cho mỗi mô hình chuỗi giá trị để làm bước đệm ban đầu, bao gồm việc đào tạo nhân lực, trang bị công cụ, tìm nhà tư vấn, làm thương hiệu, xúc tiến thương mại và ký kết các hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Với nhu cầu lớn từ nền kinh tế, cách làm này chỉ cần vốn mồi ban đầu và các HTX sau đó có thể tự thu hút các nguồn lực khác để hoạt động và phát triển.