Cân nhắc lựa chọn FDI vào dệt may
Ngành dệt may chưa xáo trộn nhiều vì CMCN 4.0 | |
Sáng kiến giúp ngành dệt may, da giày Việt Nam mở rộng cửa |
Ảnh minh họa |
Theo số liệu vừa được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) công bố, trong vòng 30 năm từ năm 1989 đến nay, số vốn FDI thu hút vào ngành dệt may đạt 19,28 tỷ USD. Dòng chảy vốn FDI dệt may cho thấy, trong 30 năm vừa qua, cả số lượng và số vốn đầu tư của các dự án vào ngành này chủ yếu tập trung trong 5 năm trở lại đây.
Trong đó kỷ lục là năm 2015 có 189 dự án với số đạt 4,13 tỷ USD. Năm 2016 số lượng dự án đạt kỷ lục là 234 dự án, nhưng số vốn giảm còn 2,57 tỷ USD. Sang năm 2017, số dự án FDI dệt may vào Việt Nam là 177 dự án với tổng số vốn 1,71 tỷ USD; năm 2018 là 196 dự án với tổng vốn 2,02 tỷ USD. Trong 10 tháng 2019 đã có 164 dự án đầu tư vào dệt may Việt Nam với tổng số vốn 1,34 tỷ USD.
Sở dĩ vốn FDI vào dệt may tăng mạnh từ năm 2015 là bởi các DN nước ngoài đã đón đầu cơ hội mang lại từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên cũng từ đây, các DN FDI đã tạo ra sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt với DN Việt Nam trong ngành dệt may.
Số liệu của VITAS cho thấy, dù có vài chục quốc gia có hoạt động đầu tư dệt, nhuộm, may tại Việt Nam, nhưng chỉ có 5 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trên 1 tỷ USD, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc và Bristish Virgin Islands (Anh).
Trong đó, Hàn Quốc giữ ngôi đầu bảng với tổng vốn đăng ký lên tới 4,79 tỷ USD cùng 464 dự án. Đài Loan dù xếp ở vị trí thứ 2 nhưng quy mô bình quân dự án lớn gấp đôi, với gần 3 tỷ USD, tương ứng 132 dự án. Hồng Kông giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn 2,39 tỷ USD với 147 dự án. Trung Quốc 2,11 tỷ USD với 197 dự án. Bristish VirginIslands chỉ có 70 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đạt 1,607 tỷ USD.
Báo cáo của VITAS cũng cho thấy, các địa phương thu hút được nhiều vốn FDI vào dệt may nhất bao gồm Đồng Nai 149 dự án với tổng số vốn 4,84 tỷ USD; Bình Dương 202 dự án với tổng vốn 2,39 tỷ USD; Tây Ninh 56 dự án tổng vốn 1,9 tỷ USD; Long An 212 dự án tổng số vốn 1,01 tỷ USD.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương lo ngại, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng với nhiều FTA, nhưng các DN dệt may Việt Nam lại rơi vào tình cảnh “đói” đơn hàng. Ngay trong năm 2019, xuất khẩu của các DN trong nước được dự báo khó đến đích bởi đến thời điểm hiện tại, hầu hết các đơn vị chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm.
Số liệu từ VITAS cho thấy 60% giá trị cả xuất và nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam đến từ khối FDI. Ngay tại thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ (chiếm khoảng 42% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành), sản phẩm dệt may thâm nhập vào đây thông qua các công ty FDI là chính. Trong đó, khối DN FDI đến từ Hàn Quốc đóng góp cao nhất với xấp xỉ 50% tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam. Đó là nhờ các công ty sản xuất hàng đầu của Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam từ khá sớm và thiết lập chuỗi cung ứng mạnh.
Bên cạnh đó, việc thu hút FDI để hoàn thiện chuỗi giá trị dệt may nhằm tận dụng thuế suất ưu đãi 0% cũng chưa được như kỳ vọng. Bởi các NĐT nước ngoài thường đầu tư theo chuỗi, có nghĩa là nguồn nguyên liệu không chảy ra khỏi chuỗi sản xuất của các DN này. Vì vậy trên thực tế DN trong nước không thể tận dụng được nguồn nguyên liệu do DN FDI sản xuất, do đó không thể hoàn thiện được chuỗi giá trị khép kín trong ngành này. Ngoài ra, các DN FDI còn tạo sự cạnh tranh đáng kể với DN trong nước về đơn hàng, nguyên liệu đầu vào, lao động…
Trong bối cảnh đó, để bảo đảm cho sự phát triển cân bằng của ngành dệt may và lợi ích của DN Việt, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài khuyến cáo, không nên thu hút vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may bằng mọi giá mà cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, không nên thu hút thêm FDI vào khâu may mặc để nhường lại phần việc cho DN trong nước. Với khâu dệt, nhuộm, hay sợi thì cần chọn vị trí đầu tư, yêu cầu môi trường khắt khe, lựa chọn những dự án có công nghệ hiện đại. Đặc biệt ưu tiên những NĐT có liên kết với DN Việt Nam.