Cân nhắc những tác động khi đánh giá lại quy mô GDP
Buổi tọa đàm do Đại học Kinh tế Quốc dân và Tổng cục Thống kê phối hợp tổ chức sáng nay có chủ đề: “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều”.
Tại sao phải tính lại GDP?
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế là công việc thường kỳ của các cơ quan thống kê của mọi quốc gia trên thế giới.
Đối với Việt Nam, đợt đánh giá lần này không phải là lần đầu cơ quan thống kê thực hiện. Trước đó, năm 2013, Tổng cục Thống kê cũng đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008-2012, khi đó GDP tăng 9%. Tuy nhiên, ở kỳ đánh giá đó, Tổng cục Thống kê chỉ đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản.
Ở kỳ đánh giá lại quy mô GDP lần này, Tổng cục Thống kê sẽ "quét" hết tất cả các ngành kinh tế, các lĩnh vực, chỉ trừ kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp vì không có khả năng thu thập thông tin.
Theo kết quả sơ bộ từ Tổng cục Thống kê, sau khi đánh giá lại, quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 đã tăng thêm 25,4% so với số liệu đã được công bố trước đó.
Phân tích về lý do quan trọng phải đánh giá lại quy mô, ông Lâm cho rằng việc làm này sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đưa ra các quyết định quan trọng.
Đối với Quốc hội, số liệu GDP mới sẽ giúp cơ quan này đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch về kinh tế, tài chính quốc gia hàng năm, bao gồm các chỉ tiêu như tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách, giới hạn nợ công...
Trong khi đó, trên cơ sở số liệu GDP mới, Chính phủ cũng sẽ đưa ra các quyết định chính sách về lãi suất, đầu tư và thương mại... phù hợp hơn.
Doanh nghiệp thì qua đó có thể đưa ra các dự báo về nhu cầu sản phẩm để từ đó quyết định đầu tư và sản xuất. Việc đánh giá lại quy mô GDP cũng sẽ giúp các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm quốc gia...
Cảnh báo những tác động khi đánh giá lại GDP
Tuy nhiên, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho biết việc đánh giá lại này sẽ không có ý nghĩa nhiều với quá khứ và hiện tại, bởi những số liệu này đã diễn ra trong quá khứ, nền kinh tế đã diễn ra như vậy.
Trong khi đó, việc nghiên cứu, xem xét những tác động đến tương lai mới là điều đáng quan tâm và đáng quan ngại, bởi chỉ tiêu GDP là căn cứ, cơ sở để tính một số chỉ tiêu quan trọng như: nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách... so với GDP.
Ông Long dẫn ví dụ, hiện nay, nợ công đang ở ngưỡng 58,4 GDP sẽ về dưới 50% GDP khi quy mô nền kinh tế được đánh giá lại. Tương tự, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP sẽ giảm dưới 40%; đầu tư công trên GDP cũng giảm xuống dưới 23-24% so với mức 30% hiện tại. Những con số này về mặt hình thức sẽ tạo ra dư địa chi tiêu, đầu tư và vay nợ nhiều hơn.
“Vấn đề này cũng có tính 2 mặt, nếu việc chi tiêu, đầu tư là có hiệu quả thì nền kinh tế sẽ được hưởng lợi. Ngược lại, nếu tăng chi tiêu, tăng vay nợ nhưng không hiệu quả sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế”, ông Long nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Long cho biết việc đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế sẽ là rủi ro nếu Quốc hội giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế cũ trên nền tảng của GDP mới. Như trước đây, Quốc hội duyệt thâm hụt ngân sách bằng 3,6% GDP, nếu quy mô GDP tăng lên mà Quốc hội không thay đổi chỉ tiêu 3,6% thì dư địa cho việc chi tiêu sẽ tăng lên.
“Nền tảng của việc tăng chi tiêu phải căn cứ vào tổng nguồn thu từ nền kinh tế, tuy nhiên việc đánh giá lại quy mô GDP không có nghĩa là nguồn thu sẽ tăng lên”, ông Long nhận định.
Đồng quan điểm với nhận định của ông Long, TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng cần hết sức cân nhắc đến các những tác động của việc đánh giá lại quy mô GDP.
Theo ông, việc đánh giá lại GDP sẽ làm tăng thu nhập bình quân đầu người trên “sổ sách”. Các chỉ tiêu tài chính công gắn liền với GDP sẽ giảm đáng kể, bao gồm nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc đánh giá lại GDP cũng sẽ tạo ra cảm giác an toàn giả tạo nhưng với thực tế nguồn thu từ ngân sách không tăng.
Đặc biệt, theo TS. Phạm Thế Anh: “Việt Nam cũng có thể bị thế giới hoài nghi về con số GDP mới bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ”.
Với các lo ngại trên, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Trên thực tế, việc thu ngân sách và thuế dựa trên các văn bản pháp luật, do đó khả năng tác động của việc thay đổi các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp tới mở rộng dư địa cho thu ngân sách, chi tiêu và vay của Chính phủ là thấp”.
Ngoài ra, đại diện TCTK cũng cho biết việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.