Càng lúng túng cho DN dệt may
Ảnh minh họa |
Nói vậy mà không phải vậy
Cần phải nói rõ rằng, việc sửa đổi Thông tư 32 của Bộ Công thương là để thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm theo tinh thần Nghị quyết 19. Điều này không chỉ giúp giảm bớt thủ tục hành chính cho DN mà còn giúp tiết giảm chi phí và thời gian thông quan.
Thế nhưng sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến, Thông tư 37 ra đời thay thế Thông tư 32 với nhiều thất vọng của cộng đồng DN. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhìn chung Ban soạn thảo đã điều chỉnh sửa đổi theo hướng bài bản hơn, đầy đủ nội dung hơn so với Thông tư 32, tuy nhiên so với các bản thảo đưa ra để các bộ, ngành hiệp hội DN tham gia góp ý thì nội dung của Thông tư 37… hoàn toàn khác, làm cho các DN rất lúng túng trong việc tìm hiểu và thực hiện. Không những thế, còn rất nhiều nội dung của thông tư này chưa rõ ràng và có xu hướng tăng thêm đối tượng và tăng thủ tục cho DN.
Cụ thể, theo Thông tư 32 thì từ trước tới nay, loại hình gia công không phải kiểm tra và loại hình nhập khẩu – sản xuất – xuất khẩu thì DN trình hồ sơ cho cơ quan hải quan kiểm tra tính phù hợp. Tuy nhiên trong Thông tư 37, hình thức kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất được quy định áp dụng cho cả các loại hình này.
Cơ quan kiểm tra là tổ chức được Bộ Công Thương ra quyết định chỉ định và ủy quyền, không phải là cơ quan hải quan như từ trước đến nay. Thậm chí theo quy định, DN còn phải thanh toán chi phí kiểm tra cho dù họ không tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Cùng với đó, hàng loạt các quy định bất cập khác được các DN dệt may nêu ra như việc quy định lấy mẫu quá nhiều và phức tạp, gây tốn kém chi phí và lãng phí thời gian, đi ngược lại chủ trương về cải cách thủ tục hành chính.
Đại diện Tổng công ty may Nhà Bè bức xúc khi các góp ý của mình không được Bộ quan tâm: “Bộ Công thương đã ra Thông tư chính thức mà không cần quan tâm tới các ý kiến của Hiệp hội và DN ngành hàng. Các DN đâu có rảnh để làm cái việc là góp ý kiến xong, Bộ coi như không có gì!”.
Vị này cũng đặt hàng loạt câu hỏi về tính thực thi của Thông tư khi không giải thích nổi thế nào là tiêu chí sản phẩm dệt may nhập khẩu cùng mặt hàng/mã hàng, và tổ chức nào đứng ra phân định. Hoặc về kiểm tra hồ sơ, thông tư cũng không giải thích được vải bán thành phẩm là vải gì, tổ chức nào đứng ra tiếp nhận hồ sơ…
Nên đình chỉ thông tư ?
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, Thông tư 37 đã có một số sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho DN như giấy tờ giảm 50% so với Thông tư 32... Tuy nhiên, những sửa đổi này chủ yếu áp dụng cho những lô hàng nhỏ có tần xuất nhập khẩu không quá 2 lần/tháng, mà chưa tháo gỡ được những bất cập của Thông tư 32.
Thậm chí một số quy định của Thông tư 37 còn kém thuận lợi hơn so với thông tư cũ. Ví như “phạm vi điều chỉnh của Thông tư 37 là quy định mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam song nếu chiếu theo nội dung toàn thông tư thì lại áp dụng cho tất cả các mặt hàng”, ông Bình nói.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng, với Thông tư 37, kiểm tra chuyên ngành về formaldehyde chỉ đạt được 2 điểm nhỏ là thu hẹp phạm vi điều chỉnh và giảm một số hồ sơ. Tuy nhiên 2 điểm đó so với yêu cầu cải cách toàn diện về kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu là chưa đạt.
Yêu cầu đầu tiên của Nghị quyết 19 là tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh của DN, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của DN, từ đó thu hẹp tối đa khi phạm vi quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu, giảm rủi ro, chi phí. Thế nhưng có nhiều điểm trong thông tư chưa rõ ràng nên dễ dẫn tới áp dụng tùy tiện, khác nhau giữa mỗi địa phương. Đây là rủi ro không thể lường trước được đối với DN.
Ông Cung cũng đề nghị Bộ Công Thương nên đình chỉ và sửa đổi lại Thông tư 37 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 19 để khắc phục vướng mắc của DN, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.