Cánh cửa đã rộng hơn
Hôm rồi, ông Phạm Văn Trịnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho hay, trong thời gian vừa qua ông đã trực tiếp tư vấn cho một số công chức, viên chức trong tỉnh để làm thủ tục vay vốn xây nhà mới theo gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng của Chính phủ.
Ảnh minh họa |
Theo ông Trịnh, ban đầu ông chỉ dự tính đưa những thông tin bổ sung của Thông tư 32/2014/TT-NHNN (Thông tư 32) lên trang cá nhân của mình để giới thiệu những quy định mới của văn bản này đến mọi người. Nhưng sau khi đưa các thông tin liên quan đến việc bổ sung các đối tượng được vay vốn của gói tín dụng thì có nhiều người nhắn tin và liên lạc để hỏi cụ thể cách vay vốn xây nhà mới. Từ đó ông nhận thấy việc tuyên truyền chính sách cho vay đối với gói tín dụng 30 nghìn tỷ tại địa phương vẫn còn chưa cụ thể và chưa đến được với nhiều người.
Khi xem lại các kết quả cho vay đối với gói tín dụng nhà ở này tại địa phương, ông Trịnh nhận thấy hầu hết các người vay vốn đều chỉ tập trung vào diện vay để mua mới nhà ở chứ chưa có trường hợp nào vay vốn để xây mới hoặc sửa chữa nhà. Trong khi đó, từ tháng 11/2014, NHNN đã ban hành Thông tư 32 (sửa đổi một số điều của Thông tư 11/2013/TT-NHNN). Trong văn bản này đã có điểm mới mở rộng diện vay vốn bao gồm “cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức”.
Sau khi nhận thấy, việc thông tin những điểm mới của Thông tư 32 chưa được các TCTD chú trọng, ông Trịnh đã trực tiếp chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tập trung phổ biến những chính sách này đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh để gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng được giải ngân nhiều hơn. Theo ghi nhận ban đầu, đến thời điểm hiện nay, mặc dù mới chỉ có một số hồ sơ vay vốn xây nhà mới được giải ngân với dư nợ khoảng 100 triệu đồng.
Tuy nhiên theo ông Trịnh nếu các NH tuyên truyền tốt thì sắp tới sẽ có nhiều khách hàng có nhu cầu đến làm thủ tục vay vốn vì khác với khu vực các thành phố lớn, giá đất nền đô thị tại các khu vực thị xã, thị trấn ở các tỉnh không quá đắt. Nhiều công chức, viên chức người lao động ở tỉnh có thể mua được đất ở nhưng lại đang thiếu vốn để xây nhà hoặc mới chỉ xây nhà ở tạm và đang có nhu cầu vay 400-500 triệu để sửa sang, cơi nới.
Từ câu chuyện ở Bình Thuận, ghi nhận thêm tại các địa phương khác cho thấy rằng từ khi Thông tư 32 của NHNN “nới” thêm diện được vay vốn xây nhà thì gói tín dụng nhà ở của Chính phủ đã bắt đầu tiến mạnh về các tỉnh lẻ. Tại các địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương… lượng vốn các TCTD cho vay xây mới nhà ở theo gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã bắt đầu tăng mạnh vì nhu cầu đầu tư nhà phố của người lao động các tỉnh lớn hơn so với nhu cầu mua chung cư tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại.
Theo VietinBank, hồ sơ để vay vốn xây nhà theo gói 30 nghìn tỷ cũng không quá phức tạp. Chỉ cần người vay có hộ khẩu thường trú/tạm trú cùng tỉnh, thành phố với chi nhánh cho vay của NH; tại thời điểm kết thúc thời hạn vay vốn khách hàng không quá 60 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ) và có đủ năng lực tài chính và đảm bảo khả năng trả nợ thì có thể vay được tối đa 700 triệu đồng để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất quanh mức 5%/năm.
Như vậy, rõ ràng với việc nới rộng đối tượng vay vốn gói tín dụng nhà ở, Thông tư 32 của NHNN đã mở ra cánh cửa rộng hơn để chính sách hỗ trợ tài chính này phủ rộng trên phạm vi toàn quốc chứ không chỉ dừng lại ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh, có hàng triệu công chức, viên chức, người lao động đã có đất ở nhưng chưa có vốn xây nhà, nếu các TCTD tích cực tuyên truyền và tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay thì chắc chắn từ nay đến khi gói tín dụng này kết thúc thời gian hoàn thành giải ngân dự kiến (1/6/2016) sẽ có nhiều căn nhà mới được xây lên nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách.