Cấp bách siết kỷ luật ngân sách
ngân | Phải giữ nghiêm kỷ luật ngân sách |
Siết lại kỷ luật ngân sách | |
Kỷ luật ngân sách: Bao giờ đi vào chuẩn mực? |
Nói một cách hình ảnh, ngân sách đang trong tình trạng “bóc ngắn, cắn dài”, khi số thu luôn thấp hơn nhiều số chi. Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước trước Quốc hội đầu tuần này cho biết thu ngân sách đạt hơn 998 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 87 nghìn tỷ đồng so với dự toán; nhưng số chi đến gần 1.266 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 88,5 nghìn tỷ đồng. Với kết quả trên, bội chi ngân sách Nhà nước trong năm 2015 vượt 263 nghìn tỷ đồng, bằng 6,28% GDP thực hiện, cao hơn hẳn chỉ tiêu 5,71% GDP (dự toán điều chỉnh) đặt ra trước đó.
Ảnh minh họa |
Chuyện “bóc ngắn, cắn dài” như vậy không chỉ là các con số đột biến của một năm, mà đã trải qua quá trình lâu dài, đặc biệt trong khoảng chục năm trở lại đây thâm hụt ngân sách và vay nợ để bù đắp tăng cao. Đến cuối nămngoái, theo con số ước tính của Bộ Tài chính, dưnợ côngcủa Việt Nam đã đạt khoảng 64,7% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,6% GDP. Đến mức mà giờ đây, khả năng cân đối trả nợ của nền kinh tế sẽ khó được đảm bảo. Theo Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 đã được phê duyệt, khoảng 414,4 nghìn tỷ đồng nợ gốc ngân sách trung ương sẽ được trả bằng nguồn đi vay, chia cho các năm trong giai đoạn kể trên.
Nợ công tăng liên tục đương nhiên tạo thêm áp lực lên sự ổn định và phát triển của nền kinh tế: thu hẹp dư địa can thiệp của chính sách tài khóa; nợ nước ngoài tương đối lớn khiến cho khó phá giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu... Điều này rất có thể còn trầm trọng hơn khi Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức, thậm chí đến mức “tiến thoái lưỡng nan” trong kiểm soát nợ: DN khó khăn nhưng nhu cầu chi tiêu công lại liên tục tăng cao; tăng trưởng giảm tốc làm tỷ lệ nợ công so với GDP liên tục tăng trong mấy năm gần đây mà chưa có dấu hiệu dừng lại; nợ công tăng khiến cho tín nhiệm quốc gia bị ảnh hưởng; chi phí vay nợ có xu hướng tăng lên…
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc sử dụng nợ lại chưa căn cơ, dẫn tới hạn chế trong tạo nguồn tiền trở lại ngân sách để trả nợ. Như tại báo cáo của cơ quan kiểm toán vừa qua cũng đã xác định được hàng loạt sai phạm trong phê duyệt chủ trương đầu tư chưa tuân theo kế hoạch phát triển; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn; hồ sơ thiết kế không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình thiết kế; còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán khối lượng chưa thi công, giải ngân vượt tổng mức đầu tư... Kết quả kiểm toán 1.228 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu trên cho biết cơ quan này đã kiến nghị giảm trừ 12.399 tỷ đồng.
Nhưng thậm chí, tình trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách không chỉ dừng lại ở những con số đó. Hàng chục dự án nghìn tỷ trở thành phế tích chỉ sau vài năm, hàng chục nhà máy đầu tư nghìn tỷ cũng dừng hoạt động, nhiều công trình nghìn tỷ đội vốn vài lần vẫn chưa đi vào hoạt động. Toàn xã hội chưa bao giờ cảm thấy xót xa như vậy cho từng đồng thuế chắt chiu đưa vào ngân sách, để rồi lãng phí khi đầu tư, sử dụng.
Bối cảnh trên cho thấy đã đến lúc phải quyết liệt siết lại kỷ luật ngân sách, xóa bỏ chuyện “xin-cho” trong chi tiêu công. Các địa phương nếu để tăng chi tiêu công phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ. DNNN đầu tư dàn trải, không hiệu quả thì người đứng đầu phải bị xem xét, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có vi phạm… Chỉ có như vậy chúng ta mới từng bước giảm bội chi; nợ công được khống chế, duy trì ở mức an toàn; tạo dư địa cho chính sách tài khóa để phối hợp với chính sách tiền tệ ổn định vĩ mô.