Siết lại kỷ luật ngân sách
Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long |
Vì sao NSNN lại rơi vào tình thế khó khăn vậy?
Việc chi tiêu vượt so với kế hoạch cho phép cho thấy kỷ cương kỷ luật tài chính ngân sách chưa tốt. Tôi cho rằng, dự toán thu NSNN cho năm 2015 quá lạc quan, dù khó khăn hiện tại của NSNN là có thể dự báo trước. Chính vì dự toán không chuẩn nên nếu không có sự tính toán một cách thận trọng trong chi tiêu, mà chi tiêu mạnh chắc chắn sẽ dẫn đến mất cân đối thu chi.
Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính làm bội chi ngân sách là chi không hiệu quả. Nhưng có một thực tế, tại sao mấy năm gần đây, năm nào cũng chi không hiệu quả mà chúng ta không siết kỷ luật ngân sách lại. Tôi cho rằng đó là do bệnh thành tích. Cứ nhìn vào con số là chi năm sau giảm hơn 10% so với năm trước là thấy yên tâm. Nhưng thực tế, đừng nhìn các con số bằng “màu hồng” rồi đưa ra đánh giá chủ quan. Thay vào đó hãy phân tích cụ thể từng chi tiết đằng sau những con số ấy xem nó có thực sự màu hồng hay không.
Những năm gần đây, kinh tế khó khăn, nên NSNN khó có thể dư dả được. Nhà ông nghèo thì phải liệu cơm gắp mắm, tiết giảm chi tiêu chứ cứ vung tay quá trán, đến lúc nhà cháy mới cứu thì đã muộn rồi. Hoặc nếu “vung” phải có lý do chính đáng và có cơ chế bật tường. Ai cũng thấy bài toán sơ đẳng trong chi tiêu ngân sách như vậy. Nhưng như nói ở trên do bệnh thành tích, đụng chạm quyền lợi… nên điều này được bỏ qua.
Tôi có thể khẳng định, hiện nay trong sử dụng tài sản công, chi tiêu ngân sách của chúng ta còn lỏng lẻo dẫn tới đầu tư không hiệu quả, lãng phí thất thoát, tham nhũng...
Ai sẽ phải giải quyết những bất cập trên, thưa ông?
Tất nhiên là Bộ Tài chính phải giám sát chi tiêu, cân đối ngân sách. Là cơ quan cầm cân nảy mực thiết lập kỷ luật ngân sách, Bộ Tài chính phải điều hành, phân bổ nguồn lực tài chính sao cho phù hợp. Hơn ai hết, Bộ Tài chính biết phải phân bổ cái nào cần thiết thì phải làm trước chứ không làm tràn lan để lấy thành tích.
Tuy với mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam chưa ở mức báo động đỏ như một số khu vực trên thế giới (châu Âu, Hy Lạp…) nhưng trong bối cảnh nợ công đang gia tăng, trái phiếu phát hành không được nhiều nên huy động vốn bù đắp cho thâm hụt ngân sách còn nhiều khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn.
Có thể nói, ngân sách quốc gia phản ánh thực trạng của nền kinh tế là vẫn ốm yếu, thiếu lành mạnh. Để có thể tăng hiệu quả chi tiêu ngân sách, giảm tình trạng tham nhũng, lãng phí… cần phải quyết liệt xử lý triệt để từ gốc. Theo tôi, phải dùng “roi” sắt thiết lập kỷ cương, tái cơ cấu ngân sách, tinh giản biên chế để bộ máy gọn nhẹ, chi thường xuyên bớt đi.
Ông nghĩ sao về đề xuất vay NHNN của Bộ Tài chính?
Dù đề xuất trên là đúng quy định, nhưng nếu thực thi nó sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Hiện nay, NHNN có một số loại quỹ như: Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, và Quỹ dự phòng. Trong đó, Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là dồi dào nhất.
Nhưng, theo kinh nghiệm trên thế giới và cũng là khuyến cáo của các định chế tài chính quốc tế như WB, IMF, việc vay từ dự trữ có thể làm ảnh hưởng đến khả năng điều hành tỷ giá, cũng như thanh toán cán cân thương mại xuất nhập khẩu quốc gia. Nhất là dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức vừa phải.
Hai quỹ còn lại, cũng có vai trò quan trọng không kém, dùng để cung ứng tiền, điều hành chính sách lãi suất, dự phòng thanh khoản. Nên nếu vay tiền của NHNN không may có sự cố gì thì có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và thanh khoản cho hệ thống NH nói riêng, cho nền kinh tế nói chung.
Xin cảm ơn ông!