Phải giữ nghiêm kỷ luật ngân sách
Siết lại kỷ luật ngân sách | |
Kỷ luật ngân sách: Bao giờ đi vào chuẩn mực? | |
Minh bạch để nâng cao kỷ luật ngân sách |
Việc thực hiện thu, chi và bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước có tác động rất mạnh đến phát triển kinh tế đất nước và ổn định vĩ mô. Hơn nữa, ngân sách được hình thành từ tiền thuế người dân (các DN, hộ gia đình và các cá thể,…). Đó là công sức của người lao động nên đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả để đem lại những lợi ích thiết thực cho đất nước và cho người dân.
Ở hầu hết các quốc gia, việc quản lý ngân sách nhà nước được thực hiện với quy trình chặt chẽ từ khâu kế hoạch đến khâu thực hiện. Kế hoạch thu chi ngân sách hàng năm, nhất là mức thâm hụt ngân sách phải được Quốc hội phê duyệt hàng năm, sự thay đổi mức chi, mức thâm hụt phải được cơ quan đại diện của dân chấp thuận.
Đây là khâu đầu của quy trình quản lý và quan trọng nhất là việc triển khai thực hiện kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Bài học đắt giá từ Hy Lạp và một số nước ở châu Âu cho thấy, khi mà ngân sách nhà nước không được quản lý chặt chẽ và nghiêm ngặt sẽ đẩy đất nước vào khủng hoảng, đời sống người dân gặp khó khăn và dẫn đến bất ổn về chính trị.
Ảnh minh họa |
Ở Việt Nam, việc quản lý cũng được thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định của Luật Ngân sách, về cơ bản cũng như các quốc gia khác. Tuy nhiên, trên thực tế việc này ở nước ta được thực hiện chưa nghiêm. Có thể minh chứng bằng việc chấp hành mức thâm hụt ngân sách một số năm gần đây đã vượt mức Quốc hội phê duyệt, mà chưa có sự chấp thuận điều chỉnh của Quốc hội.
Cụ thể: Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 là 224.000 tỷ đồng, so với GDP dự toán 4.228.900 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP; nếu so với GDP thực hiện là 3.937.856 tỷ đồng, bằng 5,69%. Năm 2014, Chính phủ đề nghị quyết toán số bội chi là 260.145 tỷ đồng, vượt 36.145 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,61% GDP thực hiện, tăng so với dự toán 0,92% GDP. Lý do chủ yếu là do các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi.
Theo quy định tại điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước thì trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán lớn, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán và báo cáo Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tỏ thái độ kiên quyết với Bộ Tài chính về một “việc đã rồi” mới báo cáo và yêu cầu phải giữ nghiêm kỷ luật ngân sách.
Gần đây, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh vốn nước ngoài năm 2016, song thiếu căn cứ để điều chỉnh, thể hiện quá trình thực thi kế hoạch ngân sách với trách nhiệm chưa cao của cơ quản lý nguồn vốn này. Liên quan đến vấn đề này Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ lập lại kỷ cương trong việc sử dụng vốn, trong đó có vốn nước ngoài, phân bổ điều chuyển đúng đối tượng đúng thẩm quyền.
Từ thực tế như vậy, một trong những vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế đất nước theo như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, là đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ phải giữ nghiêm kỷ luật ngân sách nhà nước, nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo một chính sách tài khóa bền vững, tạo lòng tin cho nhân dân.