Chậm chạp đầu tư hạ tầng KCN
Cụm liên kết ngành: Điểm tựa công nghiệp hoá | |
Nhà ở cho công nhân tại các KCN: Các nhà đầu tư thiếu mặn mà |
DN lãi khủng
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016, Tổng công ty Viglacera - đơn vị đang đầu tư vào hạ tầng của hàng chục khu công nghiệp (KCN) lớn trên cả nước cho thấy, mức lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này đạt khoảng 454,9 tỷ đồng. Mảng vật liệu xây dựng mặc dù là mảng mang lại doanh thu lớn nhất, nhưng các hợp đồng cho thuê KCN mới là những hợp đồng đóng góp tới 38,5% con số lợi nhuận của đơn vị.
Thu hút lấp đầy các KCN vẫn là nỗi lo của các DN đầu tư xây dựng hạ tầng |
Không chỉ Viglacera, trên thị trường hầu hết các DN đầu tư lĩnh vực hạ tầng KCN thời gian qua đều có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tương đối ấn tượng.
Kết thúc quý III/2016, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đạt doanh thu trên 1.500 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng chiếm gần 1.300 tỷ đồng. Đưa lợi nhuận sau thuế của DN này 9 tháng đầu năm đạt mức 628 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ 2015.
Các công ty cùng ngành khác là CTCP Long Hậu (LHG) và CTCP Sonadezi Long Thành (SZL) cũng không chịu kém cạnh. Tính đến hết tháng 9/2016, doanh thu của LHG ghi nhận ở mức 111,2 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ cho thuê đất và hạ tầng KCN đạt khoảng 80 tỷ đồng, chiếm 88,9%. Lợi nhuận của LHG đến hết quý III đạt khoảng 60 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ.
Tại SZL tình hình cũng tương tự, hết 9 tháng đầu năm DN này ghi nhận doanh thu 211,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt mức 29,8 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ. Trong báo cáo giải trình biến động lợi nhuận, SZL thừa nhận rằng đóng góp chính vào sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận là do DN đẩy mạnh cho thuê đất và hạ tầng tại KCN Long Thành (Đồng Nai).
Chạy đua “giữ đất”
Có thể nói mức tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận chính là yếu tố tạo nên sự bùng nổ trong thị trường đầu tư vào hạ tầng các KCX – KCN trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng mảng kinh doanh béo bở này đang có sự tranh thủ bằng chiến lược “dành phần”, “xí đất” của các nhà đầu tư cả nội địa và nước ngoài.
Các báo cáo thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, mặc dù tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư phát triển hạ tầng các KCN đạt khoảng 3,46 tỷ USD và 240.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn thực hiện mới chỉ đạt khoảng 1,51 tỷ USD và 93.500 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 40% so với tổng vốn đăng ký.
Hầu hết các nhà đầu tư, rót vốn vào các KCN với mục tiêu chính là đón đầu các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) cho nên họ ra sức mở rộng địa bàn đăng ký vốn vào các khu vực kinh tế biển và các KCN trọng yếu. Chấp nhận đầu tư dài hạn để “xí đất”, giữ phần trong mảng kinh doanh cho thuê bất động sản, nhà xưởng.
Thậm chí, nhiều nhà đầu tư dù phân tích được khả năng lấp đầy các KCN trong tương lai là không lớn bởi việc giải phóng mặt bằng, quy hoạch hạ tầng (điện, đường, hệ thống thoát nước, khu xử lý chất thải…) ở nhiều địa phương diễn ra khá chậm chạp. Thêm vào đó, tỷ lệ lấp đầy ở các KCN trung bình mới chỉ đạt dưới mức 50%; nhưng họ vẫn chấp nhận đầu tư vốn và kỳ vọng sự ấm lên của thị trường nhà đất.
Liệu có giữ được sức nóng?
Theo các thống kê, hiện nay cả nước có 324 dự án KCN được các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, việc phát triển thêm các KCN đang vấp phải rào cản lớn bởi theo những quy định tại Nghị định 164/2013, nếu địa phương muốn mở thêm KCN thì phải đảm bảo rằng các KCN hiện hữu trên địa bàn phải có tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60%.
Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng Ban Quản lý KCX-KCN TP.HCM cho rằng, trung bình để hoàn thiện xây dựng hạ tầng cho một KCN phải mất thời gian khoảng 3 năm. Những KCN lớn nhiều khi phải kéo dài hàng chục năm. Sau khi xây dựng xong, việc thu hút đầu tư và lấp đầy khoảng 50% diện tích KCN cũng thường mất khoảng 5 năm.
Vì vậy, các KCN sẽ nối tiếp nhau lấp đầy và thành lập mới. Tuy nhiên, nếu phải đợi các KCN hiện hữu lấp đầy 60% rồi mới được xây dựng các khu mới theo quy hoạch thì sẽ rất khó thu hút được các nhà đầu tư, bởi họ e ngại khả năng không thể thực hiện kịp tiến độ giải tỏa mặt bằng, xây dựng hạ tầng, đồng thời cũng khó khăn để thu hút DN lấp đầy KCN trong một khoảng thời gian ngắn.
Ngoài vướng mắc về tỷ lệ lấp đầy 60%, một khó khăn khác cũng sẽ khiến việc thu hút đầu tư hạ tầng KCN bị chững lại đó là sự mâu thuẫn về chính sách ưu đãi. Cụ thể, hiện nay, theo những quy định tại Nghị định 118/2015, những dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 218/2013 thì các DN nhóm này lại không được hưởng ưu đãi về thuế TNDN.
Ngoài ra, như các phân tích ở trên mục tiêu chính của các nhà đầu tư hạ tầng KCN là đón đầu các hiệp định thương mại tự do như TPP và EVFTA. Họ mở rộng đăng ký vốn nhưng hướng đến mục tiêu “giữ đất”, trông đợi sự bùng nổ về giá khi làn sóng đầu tư vào các KCN được các hiệp định thương mại kích thích, đẩy mạnh.
Tuy nhiên, trong một diễn biến tiêu cực, hiện thành viên quan trọng của TPP là Hoa Kỳ đã có những tuyên bố sẽ không tiếp tục tham gia vào hiệp định này. Việc chững lại của Hoa Kỳ, rất có thể sẽ khiến một số thành viên khác lưỡng lự và TPP sẽ phải kéo dài thời gian để có thể triển khai trên thực tế.
Khi đó, vài chục dự án đầu tư vào hạ tầng các khu kinh tế, KCN tại Việt Nam đã đăng ký vốn sẽ phải dè chừng, xem xét lại, và sức nóng đầu tư ở mảng thị trường này những tháng đầu năm 2017 có thể sẽ không còn mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay.