Nhà ở cho công nhân tại các KCN: Các nhà đầu tư thiếu mặn mà
Nhà ở cho công nhân: Cần khuyến khích theo hướng xã hội hoá | |
Nhà ở cho công nhân: Biết đến bao giờ! |
Ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam cho biết, BQL đang tập trung xây dựng kế hoạch năm 2017, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong tất cả các lĩnh vực: công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, thu hút đầu tư, quản lý DN, công tác môi trường đất đai, cung cấp các dịch vụ cho KCN, và đặc biệt là xây dựng nhà ở cho công nhân.
Đa số công nhân tại các KCN vẫn phải đi thuê phòng trọ |
Tính đến nửa đầu năm 2016, cả nước có hơn 300 KCN, trong đó các KCN thu hút nhiều vốn đều nằm ở một số tỉnh thành lớn bao gồm Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Tĩnh, Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Để đảm bảo lượng lao động trong các KCN, một số công ty, tập đoàn lớn đã đầu tư xây dựng nhà ở cho những chuyên gia, cố vấn nước ngoài đến làm việc, cũng như những người lao động đến từ các tỉnh địa bàn khác, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong khi đó, các DN BĐS chỉ hướng sự quan tâm đến BĐS khu công nghiệp mà bỏ qua phân khúc nhà ở cho công nhân.
Vấn đề nơi ăn chốn ở nếu không được giải quyết sẽ gây khó khăn trong việc thu hút người lao động, đồng thời còn kéo theo hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội cho chính quyền địa phương, ông Dưỡng cho biết thêm.
Trên thực tế cũng đã có một số DN đi tiên phong trong phân khúc này. Đầu năm 2015, dư luận xôn xao với thông tin chung cư 100 triệu tại Bình Dương. Những căn hộ tại dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương của Công ty Becamex có diện tích từ 30 đến 60 m2, với giá từ 100 triệu đồng/căn.
Cuối năm 2015, khi Công ty Lê Thành công bố dự án căn hộ cho thuê 20m2 với giá 1,5 triệu đồng/tháng tại quận Bình Tân cũng đã thu hút được lượng lớn công nhân, người thu nhập thấp tại TP.Hồ Chí Minh quan tâm. Giá thuê này đã bao gồm tiền nhà và phí quản lý, khách chỉ phải trả thêm tiền điện, nước, giữ xe theo giá quy định.
Tuy nhiên, DN này cũng cho biết mới chỉ đưa ra thị trường 125 sản phẩm để thăm dò phản ứng của khách hàng, nếu được đón nhận sẽ phát triển thêm 1.900 căn hộ nữa.
Nguyên nhân khiến các DN BĐS chưa chú ý đến phân khúc nhà ở cho công nhân mặc dù nhu cầu là rất lớn, bởi vì biên độ lợi nhuận tại phân khúc này không cao. Nó có vẻ chỉ phù hợp đối với các DN BĐS ưa thích sự phát triển nhanh, tăng trưởng nóng.
Mức độ cạnh tranh tại thị trường nhà ở thu nhập thấp tại các địa phương tuy không cao nhưng để đảm bảo doanh thu, đòi hỏi DN BĐS phải kiểm soát chặt chẽ chi phí, có chính sách hợp lý để có thể cung cấp cho người lao động những căn hộ chất lượng vừa với túi tiền người lao động. Và, thời gian thu hồi vốn của các dự án thuộc phân khúc này thường khá dài.
Thực tế là trong giai đoạn vừa qua, phân khúc này vẫn chưa thu hút được nhiều sự chú ý của các giới đầu tư. Nhà ở cho người lao động tại các KCN vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.