Cụm liên kết ngành: Điểm tựa công nghiệp hoá
Gần 1.100 tỷ đồng xây dựng KCN Long Hậu 3 | |
Đưa 3 KCN tại Hưng Yên ra khỏi quy hoạch | |
Điều chỉnh quy hoạch KCN tỉnh Long An |
Theo Bộ Công Thương, tính đến giữa năm 2015, cả nước có 602 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được khoảng hơn 10.800 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 138.800 tỷ đồng. Cùng với đó, cả nước có hơn 300 KCN và 16 KKT.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các mô hình này mới chỉ phát huy lợi thế quy mô tập trung về mặt địa lý, còn các liên kết kinh tế rất lỏng lẻo, trong khi đó lại là yếu tố quan trọng để phát triển công nghệ phụ trợ và cao hơn cả, là bàn đạp để tiến tới công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh hội nhập mới…
Đã tự phát, lại thiếu bệ đỡ
Phát triển cụm liên kết ngành (CLKN) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN là lựa chọn chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng “mục tiêu trực tiếp của cụm công nghiệp ở Việt Nam hiện nay mới chỉ là thu hút, tập trung các DNNVV, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể ở địa phương, ổn định cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và khắc phục ô nhiễm môi trường, ít có sự liên hệ hỗ trợ cho nhau trong chuỗi giá trị”, TS. Vũ Thị Nhài, khoa Tài chính – Tiền tệ, Học viện Chính sách và Phát triển nhìn nhận.
Việc phát triển một mạng lưới CLKN hữu hiệu sẽ tạo điều kiện giúp tăng năng lực cạnh tranh |
Dù hiện đã có một số CLKN khá hiện đại của Việt Nam trong các KCN, KKT, song đây không phải là sự can thiệp có chủ ý của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, mà chủ yếu là phát triển tự nhiên theo yêu cầu chuyên môn hoá và quần tụ các hoạt động kinh tế tương tự.
Trong khi đó, thực tế trên thế giới cho thấy, việc phát triển một mạng lưới CLKN hữu hiệu sẽ tạo điều kiện giúp tăng năng lực cạnh tranh nhờ quy mô, nâng cao trình độ công nghệ, và giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội khác.
Mở đường cho CLKN
Đặc biệt, việc phát triển CLKN được coi là một hướng đi mới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng khiến dư địa can thiệp công cụ chính sách bị thu hẹp, sự hình thành phát triển các mạng sản xuất toàn cầu có thể tạo ra nguy cơ rơi vào bẫy chi phí lao động thấp trong dài hạn.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM chỉ ra mối quan hệ tay 3 giữa hình thành và phát triển CLKN, sự phát triển các DNNVV, và việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của các DN. Thực tế cho thấy sự lớn mạnh của một CLKN thường kéo theo sự gia tăng phát triển của các DN trong ngành CNHT. Các DNNVV trong lĩnh vực này sẽ có cơ hội tiếp cận vốn đầu tư, cũng như dây chuyền công nghệ hiện đại. Và đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển CNHT.
Mô hình CLKN mà nhiều chuyên gia như TS. Vũ Thị Minh Luận, khoa Quản trị DN, Học viện Chính sách và Phát triển khuyến nghị, là cụm công nghiệp tích hợp gồm những DN có liên hệ với nhau theo chuỗi giá trị, hoặc cùng ngành với nhau, có những DN phụ trợ, DN FDI và các DN đầu tàu dẫn dắt. Đây là mô hình khá phổ biến mà các nước phát triển áp dụng, đặc biệt là Nhật Bản.
Trợ lực cho sự phát triển mô hình này, TS. Luận đề xuất cần có chính sách hỗ trợ đối với các DN chưa tham gia cụm, nhưng có điều kiện để hình thành cụm như các làng nghề, các cụm tiểu thủ công nghiệp trong các cụm công nghiệp hiện tại. Đây là những DN có nhiều hạn chế trong mọi công đoạn sản xuất (các mắt xích của chuỗi giá trị).
Với các DN này, Nhà nước cần thiết kế chính sách theo hình thức “kéo”, từ việc tìm kiếm, dự báo thị trường đầu ra cho sản phẩm, đến tổ chức sản xuất, chuẩn bị nguyên vật liệu đi theo với các mắt xích về sau, tiến tới đạt lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Quan trọng hơn, là thu hút các DN có khả năng, tiềm lực sản xuất lớn tham gia trong cụm để làm những nhân tố kéo cho cả cụm. Trong đó với DN FDI, Nhà nước cần tăng cường thông tin ngay từ khi họ đề xuất dự án đầu tư.
TS. Võ Trí Thành đề xuất, trong thiết kế và thực thi chính sách CLKN ở Việt Nam, cần tập trung vào những CLKN đang có những “hạt giống” tiềm năng và DNNVV trong nước phải là một thành tố của chính sách này. TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh đến việc tăng cường hiệu lực hệ thống, đổi mới sáng tạo và cơ sở hạ tầng giáo dục. Một trụ cột khác cho CLKN phát triển, chính là tôn trọng và cải thiện tiếng nói của cộng đồng, cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhà nước cũng cần rà soát lại các khu, cụm công nghiệp hiện tại để có những quy định rõ hơn, xây dựng mô hình cạnh tranh hơn cho các khu trong thu hút các DN. Đối với các khu đang có thế mạnh về sản xuất sản phẩm chuyên biệt (như điện tử ở Vĩnh Phúc, dệt may ở TP. HCM, công nghệ ở Khu CN cao Hòa Lạc), cần tăng cường thu hút các DN bên ngoài vào.
Còn với các khu, cụm CN mà tỷ lệ lấp đầy khoảng dưới 30%, khu cụm ít có năng lực cạnh tranh, có thể xem xét để tổ chức lại, chỉ giữ lại những khu, cụm đã đạt một số điều kiện để phát triển CLKN, gắn với lợi thế của các DN trong cụm và địa phương. “Đối với những cụm, khu được hình thành trước đây do hiệu ứng “phong trào”, thì cũng rất nên xem xét lại”, bà Luận đề xuất.