Nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng
Nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng ở các trường đại học Việt Nam hiện nay, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ảnh minh họa |
1. Thực tiễn phát triển của mạng xã hội và những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay
Trong những năm gần đây, mạng xã hội ở Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng, có thể phân thành hai loại sau đây:
Thứ nhất, mạng xã hội do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đa số các trang mạng xã hội của Việt Nam được cấp phép hoạt động và đều tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chỉ có một số ít các trang mạng để xảy sai phạm và nội dung vi phạm chủ yếu do các thành viên chia sẻ, trao đổi các thông tin sai lệch về thuần phong mỹ tục, dung tục…
Thứ hai, mạng xã hội ở nước ngoài do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp vào Việt Nam như Facebook, Youtube, Tiktok, Twitter…, trong đó mạng Facebook, YouTube và TikTok là những mạng xã hội được người Việt Nam sử dụng phổ biến hiện nay. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến 30/6/2024, Facebook có 72 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, tiếp theo là TikTok (67 triệu) và YouTube (63 triệu). Điều đó cho thấy mạng xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội ở nước ta. Bởi mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích cho con người như cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, phong phú, đa dạng... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà mạng xã hội mang lại, nó cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Một trong những hệ lụy đó là các thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật tràn lan trên không gian mạng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của con người và xã hội. Trong năm 2024, Bộ Thông Tin và Truyền thông đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam: Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, YouTube chặn gỡ 6.043 nội dung vi phạm, TikTok chặn gỡ 971 nội dung vi phạm…
Những thông tin giả, độc hại, sai lệch sự thật được các thế lực thù địch phát tán, lan truyền rộng rãi trên không gian mạng với mục đích làm suy giảm niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, từ đó tiến hành “cách mạng màu”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Một trong những đối tượng đặc biệt mà các thế lực thù địch nhắm tới là đội ngũ trí thức - cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học trên cả nước.
Trên cơ sở hiểu rõ cán bộ, giảng viên, sinh viên là những đối tượng thuộc tầng lớp trí thức nên rất nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật, quan tâm đến các vấn đề “đại sự quốc gia”, các thế lực thù địch đã dùng thủ đoạn là tung ra những thông tin sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo, những thông tin giật gân, lấp lửng… nhằm gây hoài nghi, hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, giảng viên, sinh viên vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ. Chúng lập ra hàng trăm trang website, blog nặc danh. Trên các trang website này, các thế lực trong và ngoài nước đã cấu kết với nhau xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ tư tưởng, đạo đức, phong cách, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm “hạ bệ thần tượng”, bôi đen hình ảnh và thành tựu của đất nước, bóp méo, làm sai lệch lịch sử, tán dương chủ nghĩa tư bản, cổ súy cho tự do tư sản, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vị kỉ…
Mặt khác, các thế lực thù địch cũng lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót, yếu kém trong công tác lãnh đạo Đảng, điều hành của Nhà nước, cũng như những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, những hiện tượng tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên để ra sức nói xấu chế độ, bôi nhọ hình ảnh đất nước, hình ảnh các nhà lãnh đạo… Đặc biệt, chúng lợi dụng mạng YouTube, Tiktok… để dựng lên nhiều bộ phim với việc sử dụng kỹ thuật và công nghệ để chỉnh sửa dữ liệu cũ, chỉnh sửa hình ảnh, cắt ghép, tạo bằng chứng và thông tin giả, tự bịa ra các bài phỏng vấn nhân vật, sự kiện, bịa đặt các trang tư liệu, hồ sơ liên quan đến nhân vật nổi tiếng, các nhà lãnh đạo và các thân nhân của họ để đưa các “thông tin lề trái, thông tin bí mật” nhằm bôi bác, vu khống, xuyên tạc về họ.
Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, hiện đại, ban đầu để thu hút người truy cập, những nhóm quản trị các trang website, các diễn đàn này cố gắng tổng hợp, đăng tải các tin tức từ các nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài theo kiểu “khách quan”. Sau đó, khi đã thu hút được đông đảo số lượng người truy cập một cách thường xuyên, chúng bắt đầu cài đặt các thông tin xấu, thổi những luồng gió độc vào những bài viết trên mạng theo tỉ lệ tăng dần về số lượng và mức độ bóp méo, bịa đặt sự thật ngày càng tăng.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng ở các trường đại học Việt Nam hiện nay, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Để việc phòng chống các thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội trong các trường đại học Việt Nam hiện nay đạt hiệu quả cao, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Đảng về đấu tranh, phản bác những quan điểm luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch và ban hành những Nghị quyết cụ thể hóa những quan điểm của Đảng về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Thứ hai, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, triển khai một cách bài bản, thiết thực, sâu rộng phong trào “Học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tới toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên bằng các hình thức đa dạng và phong phú.
Thứ tư, xây dựng hệ thống quản lý cán bộ, giảng viên, sinh viên hiện đại, từ đó thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận nơi cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Thứ năm, cung cấp những thông tin có tính định hướng, tính chính thống, mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giảng viên, sinh viên; chủ động xây dựng, điều hành các trang thông tin điện tử, kênh YouTube, Fan-page, Facebook, Zalo… cho cán bộ, giảng viên, sinh viên có diễn đàn để trao đổi, góp ý các vấn đề một cách thẳng thắn, công khai, minh bạch và có tính định hướng.
Thứ sáu, thường xuyên khảo sát trực tuyến trên mạng xã hội, xây dựng báo cáo phản ứng dư luận và các tác động bằng phương pháp phân tích dữ liệu về các vấn đề quan trọng, nổi cộm trong dư luận xã hội, những vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm để từ đó có hướng tuyên truyền hiệu quả cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Thứ bảy, chú trọng, quan tâm đến công tác bồi dưỡng và phát triển Đảng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên; định kỳ tổ chức các lớp “Bồi dưỡng nhận thức về Đảng”, “Bồi dưỡng Đảng viên mới” …đồng thời tổ chức các hội nghị, tọa đàm cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí, góp ý đảng viên, đấu tranh bảo vệ cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng với hình thức phù hợp.
Thứ tám, có chế độ khen thưởng, khuyến khích, động viên các tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu trong cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Đấu tranh chống lại các thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với toàn Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị, trong đó các trường đại học phải luôn là những lực lượng xung kích, đi đầu trong hoạt động này, nhằm góp phần đào tạo thành công những thế hệ trí thức “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2021, t.2, tr. 234.
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Lý luận chính trị, H, 2020.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Vững bước trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, H,2018.
TS. Nguyễn Thị Hà Thu
Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh
ThS. Phạm Văn Bôn
Khoa GDĐC & NVSP, Học viện Báo chí và Tuyên truyền