Chính sách lãi suất thấp: nên hay không?
Hàng loạt ngân hàng trung ương ngừng nới lỏng tiền tệ
Ngân hàng trung ương các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia đồng loạt ngừng nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp ngày thứ Năm, tương tự như động thái của Fed, ECB và BoE trong tuần trước.
Cụ thể tại cuộc họp đầu tiên với hai thành viên mới, hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã đánh giá lại tác động của đồng tiền tăng giá và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đối với nền kinh tế. Đồng thời, BOJ giữ nguyên quy mô của quỹ mua tài sản ở mức 45 ngàn tỷ JPY (573 tỷ USD) và chương trình cho vay ở mức 25 ngàn tỷ JPY.
Bên cạnh đó, BOJ giữ nguyên lãi suất ở mức từ 0-0.1% và chương trình mua trái phiếu hàng tháng ở mức 1.8 ngàn tỷ JPY. Công cụ chính sách chủ yếu của BOJ là mua các chứng khoán tài chính từ trái phiếu Chính phủ đến các quỹ đầu tư tín thác (ETF) nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) giữ nguyên lãi suất ở mức thấp nhất trong 14 tháng tại 3% sau động thái cắt giảm đầy bất ngờ trong tháng trước. Các nhà làm chính sách BoK đang chờ đợi thêm một vài số liệu kinh tế để đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Hiện BoK đang đứng trước sức ép vực dậy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2012 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần 3 năm và lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm.
Tương tự, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, Darmin Nasution, và hội đồng điều hành quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 5.75% tháng thứ 6 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế nhanh hơn dự báo và áp lực lạm phát đã hạ thấp khả năng nới lỏng tiền tệ của Indonesia.
Tăng trưởng tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ tăng tốc trong quý 2 vừa qua. Sự cải thiện của hoạt động đầu tư đã giúp nước này chịu đựng được tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Trước đó vào ngày 07/08, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) cũng giữ nguyên lãi suất ở mức thấp nhất trong 2.5 năm là 3.5% tháng thứ hai liên tiếp khi cho rằng tốc độ mở rộng trong nước đã vượt qua được sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Được biết, các nhà làm chính sách RBA đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 1.25% trong giai đoạn từ tháng 11/2011 đến tháng 6/2012.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng ngừng cung cấp thêm các biện pháp kích thích mới. Bản báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ cho thấy nền kinh tế tạo ra số lượng việc làm nhiều hơn dự báo tiếp tục làm giảm kỳ vọng về việc Fed sẽ tiến hành đợt mua tài sản thứ 3.
Chính sách lãi suất thấp: nên hay không?
Thế giới đang trải qua thập kỷ lại suất thấp kỷ lục và nhiều người tự hỏi điều đó sẽ được tiếp tục duy trì đến khi nào, khi mà nó có thể ăn mòn nền kinh tế trong dài hạn.
Lãi suất kỳ hạn 10 năm tại Mỹ, Anh và Đức đều đang được neo giữ ở mức thấp đáng ngạc nhiên là 1,5%, con số này tại Nhật thậm chí chỉ ở mức 0,8%. Các nhà đầu tư có vẻ thích thú với chính sách lãi suất này bởi họ được lợi khi chi phí đi vay thấp mà tỷ lệ lạm phát thì ngày càng giảm.
Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách, câu hỏi đặt ra là tình trạng neo giữ lãi suất thấp như hiện nay liệu có tạo nên sự ổn định thực sự cho nền kinh tế, đặc biệt là trong dài hạn? Câu trả lời của các chuyên gia kinh tế là không, và đưa ra lời khuyên nên cân nhắc lại chính sách lãi suất với 3 yếu tố lập luận sau:
Thứ nhất, như chủ tịch Fed Bernanke đã từng đặt vấn đề trong 1 bài phát biểu năm 2005, thế giới này về bản chất vẫn là tiết kiệm, lượng tiền tiết kiệm của người dân ngày một dâng cao.
Tại những nền kinh tế lớn như Đức hay Nhật, tỷ lệ dân số già chiếm số đông luôn có xu hướng tiết kiệm dành cho giai đoạn cuối đời. Tại Trung Quốc – một trong những thị trường mới nổi có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất thế giới, chính phủ nước này đi đầu trong phong trào tiết kiệm, điển hình là chính sách tỷ giá thấp và nỗ lực nắm giữ lượng lớn trái phiếu.
Lãi suất thấp duy trì quá lâu sẽ khiến thặng dư trên tài khoản vãng lai tại các nước này mất đi ưu thế, thậm chí có thể chuyển dần thành thâm hụt.
Thứ hai, trong cuộc chiến chống khủng hoảng dai dẳng hiện nay, ngân hàng trung ương của các nước lớn muốn giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp gần như bằng không.
Việc này về ngắn hạn là có lợi, tuy nhiên, nếu kéo dài phương án này quá lâu nó sẽ gây ra phản tác dụng, thị trường vốn ngắn sẽ bị phá vỡ và chi phí đi vay dài hạn khi đó tự động sẽ tăng lên. Khi đó, mọi chuyện còn tồi tệ hơn.
Nguyên nhân thứ 3, một nhóm các nhà đầu tư hiện nay trở nên thận trọng khi hệ thống tài chính thế giới cho thấy nhiều dấu hiệu “băng tan – nước biển dâng” do lãi suất thấp bị duy trì 1 thời gian dài. Điển hình cho các dấu hiệu này là tình trạng căng thẳng tài khóa (fiscal cliff) của chính phủ Mỹ, khi chi tiêu của chính phủ vượt quá hạn mức dẫn đến nợ công tăng cao, tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Đông, tình trạng giảm tăng trưởng ở Trung Quốc khi đầu tư công của chính phủ không đem lại hiệu quả.
Sự e ngại đó sẽ biến thành nỗi sợ hãi trên diện rộng gây hại cho nền kinh tế nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo hướng này.
Tất nhiên, phân tích trên đây chỉ là cái nhìn từ một góc độ. Chính sách lãi suất thấp sẽ vẫn là liều thuốc bổ cho kinh tế thế giới trong cơn ốm yếu lúc này. Nếu có những thay đổi xảy ra, chắc chắn nó sẽ diễn ra trong một tương lai tương đối xa.
Phương Thảo (tổng hợp)