Chờ bước đột phá từ khởi nghiệp sáng tạo
Cùng ươm tạo startup Việt | |
Tiếp thêm động lực cho thanh niên khởi nghiệp | |
Người bạn đồng hành của doanh nghiệp khởi nghiệp |
Thị trường tiềm năng cho khởi nghiệp
Hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo đã có không chỉ ở ý tưởng, chính sách của bộ ngành mà từ chính cả khu vực tư nhân, ngân hàng, tổ chức. Song tất cả mới đang ở giai đoạn chuẩn bị cho bước đột phá; vì vậy cần nỗ lực nhiều hơn để hệ sinh thái này thu hút được các start-up tham gia. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển” và Lễ công bố Dự án thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho DNNVV do Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT phối hợp với Ibosses Việt Nam và Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức cuối tuần qua.
Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN khẳng định, cuộc CMCN 4.0 tạo ra cơ hội hiếm có để các quốc gia đi sau vươn lên mạnh mẽ và đạt được những mốc phát triển mới về kinh tế. Trong bối cảnh đó, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đang đóng vai trò quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển giao, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là tiên phong ứng dụng các giải pháp sáng tạo và công trình khoa học công nghệ.
Việt Nam có rất ít DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất |
Trên thế giới đã có nhiều bài học thành công trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các start-up và DNNVV mở rộng quy mô, ứng dụng các giải pháp sáng tạo và khoa học công nghệ với tác động kinh tế rất lớn, tập trung các công ty công nghệ tỷ đô và hàng chục ngàn việc làm chất lượng cao.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã xác định cần có chiến lược và những hành động cụ thể để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng CMCN 4.0 và tiếp thu những bài học thành công của các quốc gia trên thế giới, như Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với CMCN 4.0, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia... Đây được xem là hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên hiện nay các DN khởi nghiệp tại Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ, trong khi các lĩnh vực sản xuất rất ít, quy mô hạn chế. Vì vậy để tìm được DN khởi nghiệp của Việt Nam có quy mô vươn ra toàn cầu là rất hiếm. Bên cạnh đó, đối với các DN khởi nghiệp, ngoài việc có ý tưởng thì các vấn đề khác như tài chính, tổ chức, quản trị… rất hạn chế. Do đó, họ cần đội ngũ chuyên gia hỗ trợ ban đầu. Đặc biệt về vấn đề nguồn vốn…
Bởi vậy, trong quá trình xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ KH&ĐT cũng xác định cần chính danh hoá các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp này, hoặc các địa phương dùng ngân sách đối ứng đầu tư vào các mô hình khởi nghiệp. Tuy nhiên các chính sách này cũng mới đang bắt đầu đi vào cuộc sống.
Nhận định về tiềm năng của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, ACCA đã công bố kết quả khảo sát với tên gọi Thách thức tăng trưởng của DNNVV được thực hiện vào cuối năm 2018 trên cơ sở tổng kết hàng ngàn phiếu khảo sát trên toàn cầu và nhiều cuộc phỏng vấn sâu tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang có đến 68% DNNVV có tốc độ tăng trưởng hơn 20%. Đây là con số rất ấn tượng khi so sánh trên phạm vi toàn cầu chỉ có 39% các DNNVV đạt kết quả tương tự. Con số tương ứng của khu vực ASEAN là 44%. Ấn tượng hơn, có tới 20% các DNNVV Việt Nam trong 3 năm qua sở hữu tốc độ tăng trưởng trên 50%.
Tuy nhiên, ông Sharath Martin - Chuyên gia Tư vấn chính sách ACCA Khu vực ASEAN, Úc và New Zealand cho biết, các DNNVV Việt Nam đang phải đối diện với 3 rào cản lớn cho sự tăng trưởng là nhân sự, thuế và tiếp cận nguồn vốn. Để mở rộng quy mô hiệu quả, ông cho rằng DNNVV cần xây dựng mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng…
Chuẩn bị cho bước đột phá
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết, hiện nay ở các quốc gia châu Âu hoặc Mỹ có 5 loại hình khởi nghiệp gồm tự lập DN trên các dịch vụ mình đang có; khởi nghiệp sáng tạo gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; nghiên cứu phát triển sản phẩm mình đã ấp ủ trong quá trình học tập trước đây; lập DN trên cơ sở ý tưởng kinh doanh mới hoàn toàn; thích trải nghiệm, thử nghiệm.
Khảo sát ở châu Âu cho thấy vốn không phải khó khăn chính của DN khởi nghiệp, mà quan trọng nhất là xoá bỏ các rào cản hành chính, thuế. Chính phủ chỉ bơm vốn mồi bằng cơ chế chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng. Cùng với đó, ông Lực cũng lưu ý rằng, nguồn vốn cho khởi nghiệp sáng tạo phải có từ các quỹ đầu tư chứ không thể chỉ trông chờ vào ngân hàng. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 70 quỹ đầu tư mạo hiểm, đây mới là nguồn vốn chính cho các DN khởi nghiệp sáng tạo.
Dẫn chứng một mô hình phối hợp hiệu quả đã tạo nền tảng để DN khởi nghiệp sáng tạo thành công đó là việc các ngân hàng Việt Nam đã hợp tác với các DN fintech để xây dựng hệ sinh thái cho khách hàng, ông Lực đánh giá: Mối quan hệ giữa ngân hàng và fintech cũng tương tự như mối quan hệ giữa taxi truyền thống với Uber, Grab, tuy nhiên lại mang tính chất “cơm lành canh ngọt” hơn. “Fintech có công nghệ, con người, ngân hàng có mạng lưới, khách hàng, chữ tín. Vì vậy tôi cho rằng đây là sự phối hợp tuyệt vời, giúp lấp chỗ trống về tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng đang ở mức thấp”, ông Lực dẫn chứng.
Nhằm hỗ trợ các DNNVV trong tương lai, tại hội thảo, Bộ KH&ĐT cùng Công ty Ibosses Việt Nam đã cùng nhau ký kết Dự án thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (iStart). Đây được xem là cơ sở cho những hy vọng về sự phát triển, vươn ra biển lớn của các DNNVV Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Tăng Ngọc Trường An - Tổng giám đốc Ibosses Việt Nam chia sẻ, Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp của 54 quốc gia đã chỉ ra rằng Việt Nam đang dẫn đầu các chỉ số năng động ở thị trường nội địa; văn hóa chuẩn mực xã hội; cơ sở hạ tầng… Song lại lép vế ở các chỉ số tài chính; giáo dục kinh doanh sau phổ thông; chuyển giao công nghệ… DNNVV khởi nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn có sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư, định chế tài chính, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp dần lớn mạnh. Tuy nhiên thành công chỉ đến với những DN quản trị bài bản theo chuẩn quốc tế và minh bạch tài chính. Đó chính là điều mà iStart sẽ mang lại.