Chưa thoát cảnh gia công
Trong năm 2016 hoạt động gia công hàng hoá của các DN Việt Nam đã mang lại nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế với 8,6 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Đó là kết quả ghi nhận từ cuộc Tổng điều tra kinh tế 2017 do Tổng cục Thống kê tổ chức. Tuy nhiên, nếu so với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả năm 2016 đạt 176,63 tỷ USD, thì số ngoại tệ mang lại từ hoạt động gia công của các DN Việt Nam chỉ chiếm gần 4,9%.
Ảnh minh họa |
Con số tổng thể này đã cho thấy sự tham gia của DN trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay còn rất nhỏ bé, khu vực FDI mới thực sự vận hành hiệu quả động cơ này. Kết quả khảo sát ở từng nhóm ngành hàng cũng cho thấy thực trạng đáng buồn của bức tranh gia công hàng hoá cho nước ngoài. Mặc dù điện thoại và linh kiện trong năm 2016 là nhóm hàng xuất khẩu đứng đầu với kim ngạch đạt 34,5 tỷ USD, song phí gia công mà DN Việt Nam thu về chỉ là 268 triệu USD, chiếm chưa tới 1% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.
Trong khi đó, phí gia công của hàng dệt may và giày dép chiếm trọng số lớn nhất trong hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài. Nhóm hàng dệt may đứng đầu với số ngoại tệ thu về 4,1 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công; giày dép 2,7 tỷ USD, chiếm 32% tổng phí gia công. Ngoài ra, lắp ráp điện tử máy tính thu về 63 triệu USD, chiếm 0,7% và gia công hàng hóa khác thu được 1,4 tỷ USD, chiếm 16,2%.
Điều tra cũng cho thấy khối FDI đồng thời áp đảo DN trong nước về giá trị hàng hóa sau gia công đạt 25,6 tỷ USD, chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công. Cùng với đó nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của các DN FDI là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu.
Hoạt động gia công hàng hóa với nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu nên tỷ lệ giá trị nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao 62,3%. Trong đó, tỷ lệ này cao nhất ở nhóm hàng điện thoại với 78,9%, nhóm hàng điện tử máy tính 76,4%, nhóm dệt may 67,1%, nhóm giày dép 47% và nhóm hàng hóa khác là 74,7%.
“Số liệu cho thấy, với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính gần như DN Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với 2 nhóm hàng này”, báo cáo của Tổng cục Thống kê lưu ý.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm hàng dệt may và giày dép thấp hơn, cho thấy ngoài nguyên liệu nhập khẩu từ nước thuê gia công, DN Việt Nam có cung cấp thêm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nước phục vụ cho quá trình gia công. Với nhóm hàng dệt may và giày dép, ngoài khoản thu về phí gia công, DN Việt Nam còn thu được một khoản ngoại tệ từ việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình gia công, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với 2 nhóm hàng này.
Đánh giá tổng quát về bức tranh gia công hàng hoá của DN Việt Nam, ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ thừa nhận, con số thực tế thu về từ hoạt động gia công hàng hoá là rất nhỏ. Song ông cho rằng cần nhìn vào kết quả ban đầu là các nhà quản lý và lãnh đạo DN trong nước học được kinh nghiệm quản trị tiên tiến, công nghệ, kỹ năng thiết kế mẫu mã sản phẩm… để nâng cao trình độ quản trị và tay nghề của công nhân Việt Nam. Đó là những kết quả cần ghi nhận.
Tuy nhiên cũng không thể cảnh báo rằng, DN Việt Nam hiện vẫn chưa thoát cảnh gia công ở công đoạn thấp của chuỗi giá trị, đặc biệt đối với các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, máy tính. Đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao năng suất lao động của DN Việt Nam hiện nay rất thấp và khó có thể kỳ vọng dựa vào khối FDI để nâng cao năng suất lao động. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, riêng đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất trong số các quốc gia khu vực, xếp sau cả Campuchia.
Trước thực trạng này, đã có ý kiến cho rằng cần xem xét tập trung phát triển một số nhóm ngành mà DN Việt Nam đã có khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, từ đó tạo nền tảng để nâng cao năng suất lao động trong nước. Chẳng hạn nhóm hàng dệt may và giày dép đang là những ngành tiềm năng để DN nội vươn lên thoát cảnh gia công và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị mà không cần quá phụ thuộc vào FDI.