Chung tay đào tạo nhân lực thời 4.0
Việt Nam đã là điểm đến của các nhà đầu tư từ hơn 130 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam hôm nay đã là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư. Hầu hết các tập đoàn lớn nhất trên thế giới với những công nghệ làm thế giới phát triển tốt đẹp hơn đã đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt cùng các đối tác nước ngoài đã từng bước tham gia vào quá trình sản xuất các công nghệ mới. Cùng nhau nắm bắt cơ hội của cuộc CMCN 4.0.
“Việt Nam xác định thời cơ đang đến và sẽ qua đi nếu chúng ta không kịp nắm bắt. Những chỉ số mà Việt Nam chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng này thì phải nhanh chóng khắc phục để sẵn sàng. Chúng tôi hiện vẫn nằm trong 58/100 nước chưa sẵn sàng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn.
Nhà băng “chú trọng” tuyển nhân viên công nghệ số |
Do đó, để vượt qua những thách thức, đón bắt cơ hội, để hợp tác, phát triển, cần thay đổi tư duy mà trước hết là thay đổi những quy định không còn phù hợp, tạo môi trường pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, trên tinh thần cho làm thử nghiệm. Chính thức và tạo điều kiện lan toả khi chứng minh được tính hiệu quả.
Song có một thực tế khiến cho nhiều doanh nghiệp đau đầu đó là công nghệ thì 4.0 nhưng nhân lực lại là 2.0 và 3.0 đang làm khó doanh nghiệp chuyển đổi số. Vì vậy theo Phó Thủ tướng: Quan trọng nhất và dài hơi là đào tạo nhân lực, để lao động được trang bị kiến thức cần thiết, thích ứng với cuộc cách mạng này.
Đơn cử, với ngành Ngân hàng, các trường vẫn đào tạo theo hình thức truyền thống, thiếu liên kết giữa cơ sở đào tạo với các ngân hàng, trong khi các ngân hàng đang chuyển sang tuyển các chuyên gia công nghệ của Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp… để phục vụ cho việc số hóa, AI, cho robotic… hiện chúng ta chưa có. Theo thống kê của PWC, 79% CEO đều cho rằng vấn đề thiếu hụt kỹ năng, nguồn nhân lực đang là cản trở lớn nhất cho tăng trưởng của doanh nghiệp trong thời đại số khi đầu tư nhiều nhưng không có nguồn nhân lực để triển khai.
Cần nhìn nhận CMCN 4.0 hay cách mạng digital là cuộc cách mạng của tri thức, nên việc ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 cũng làm thay đổi cách thức tổ chức quản lý, sử dụng thành tựu công nghệ cao… bên cạnh thực tế đáng lo ngại là phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam hiện là doanh nghiệp nhỏ và vừa và có đến 70-80% doanh nghiệp chưa chuẩn bị, chưa sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số.
Để chuẩn bị lực lượng cho thời đại số thì chính doanh nghiệp phải đầu tư, định hướng và đặt hàng đào tạo. Kể cả đào tạo nguồn nhân lực dự bị phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Nhưng ngược trở lại, hạt nhân trung tâm ấy cũng phải có trách nhiệm đầu tư, hỗ trợ, đặt hàng nghiên cứu đối với các viện nghiên cứu, các trường đại học, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận.
Song CMCN 4.0 làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới mang tính hội tụ và lai ghép như IoT, công nghệ đa phương tiện; truyền thông đa phương tiện; thương mại điện tử, công nghệ tài chính... và yêu cầu người lao động cần nhiều kỹ năng mới để thích nghi. Nếu doanh nghiệp không kết hợp cùng cơ sở đào tạo nghề đào tạo kỹ năng cũng như cập nhật công nghệ mới thì doanh nghiệp vừa không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu robot, máy tính và con người cùng làm việc với nhau vừa không thể tăng năng suất lao động.
Trong một nỗ lực tạo khung khổ pháp lý, làm tiền đề, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh thị trường lao động trình độ cao, đặc biệt, để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm chính được đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, khuyến khích liên doanh liên kết và đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Lê Văn Thanh cho hay.
Nhà nước có thể xem xét đưa ra các cơ chế khuyến khích, ưu đãi một cách cụ thể đối với doanh nghiệp khi tham gia hợp tác đào tạo với trường đại học cũng như tham gia vào hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên. Doanh nghiệp và trường học cùng thành lập một bộ phận kết nối, trong đó doanh nghiệp phản biện, góp phần xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo với các trường đại học phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực từ phía mình; nhà trường tiếp thu ý kiến, hoàn thiện chương trình và khuyến nghị lại với doanh nghiệp các vấn đề chuyên môn trong đào tạo, chuyên gia đề xuất.
Lấy câu chuyện Microsoft Việt Nam đã chủ động gắn cho mình nhiệm vụ này từ sớm nên đã đào tạo tin học cho học sinh và giáo viên người Việt, tạo nền tảng nhân lực số tương lai. Vẫn biết đầu tư cho đào tạo nhân lực số đang là những khoản chưa “nhìn” thấy lợi nhuận ngay nhưng nếu doanh nghiệp không mặn mà và kiên trì theo đuổi, chính sách không hỗ trợ tối đa thì có muốn chuyển đổi số toàn diện thì cũng khó lòng thực hiện thành công được.