Chung tay ứng phó với biến động thị trường
Xuất siêu 1,39 tỷ USD kể từ đầu năm | |
Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu |
Trước đó, nhận định về báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2017 do Bộ Công thương công bố, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, hiện nay cộng đồng DN cũng đang rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ mậu dịch thương mại, rào cản kỹ thuật trong thương mại ngày càng được nhiều quốc gia tăng cường áp dụng...
Ảnh minh họa |
Do đó, VASEP kỳ vọng Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam được phát hành hàng năm không chỉ cập nhật thông tin mới, mà còn mở rộng nội dung, đặc biệt là những vấn đề mà cộng đồng DN quan tâm, hay các diễn biến mới trên thị trường trong và ngoài nước liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của các lĩnh vực, ngành hàng thế mạnh của Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị cần có thống kê thông tin xuất nhập khẩu lĩnh vực, ngành hàng chiến lược của các tỉnh, thành. Từ đó, định hướng cho các địa phương phát triển sản phẩm chiến lược của mình, đồng thời để cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thông tin nền tảng để lựa chọn mở rộng đầu tư, kinh doanh ở các địa phương có mặt hàng chủ lực mà mình nhắm đến.
Mặt khác, thông qua Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam, các nhà xuất nhập khẩu, đơn vị thu mua trong và ngoài nước xác định được vùng sản xuất cũng như nguồn cung hàng hóa.
Theo thống kê từ Bộ Công thương trong báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2017, cán cân thương mại cũng đạt thặng dư cao nhất từ trước đến nay với mức 2,92 tỷ USD; trong đó tốc độ tăng của nhập khẩu thấp hơn tốc độ của xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam đã xuất siêu với các nước phát triển có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Mỹ, EU, khu vực Châu Đại Dương…
Tuy nhiên, cộng đồng DN rất lo lắng trước các biện pháp cứng rắn mà chính quyền Hoa Kỳ đang áp dụng đối với một số mặt hàng nhập khẩu vào nước này. Trả lời báo chí ngày 22/3, ông Trần Quốc Khánh cho rằng đây là sự thay đổi chính sách tương đối đột ngột. Theo ông Khánh, trong 70 năm qua, kể từ khi Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) ra đời năm 1947 và sau này là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các thành viên đã đi theo xu thế là tự do hóa thương mại.
“Đến giờ phút này, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa biệt lập của một trong các đối tác thương mại lớn nhất trên toàn cầu là Mỹ. Sự việc xảy ra không chỉ gây bất ngờ cho Việt Nam mà còn cho các đối tác thương mại khác trên thế giới, tất cả đều quan ngại về những biện pháp Mỹ đang và có thể áp dụng. Tuy nhiên, dù cũng có những ý kiến đòi trả đũa hành động đó của Mỹ nhưng nhìn chung, các nước vẫn mong muốn duy trì đối thoại với chính quyền Mỹ. Họ không muốn khơi mào một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Bởi lẽ, cuộc chiến này không ai có thể thắng mà sẽ phá tan thành quả của tự do hóa thương mại mà các quốc gia trên thế giới đã xây dựng. Hiện tất cả thành viên của WTO kể cả Việt Nam đều mong muốn có cuộc đối thoại thẳng thắn với Mỹ để có thể đưa ra giải pháp làm giảm nhẹ các biện pháp hiện nay mà Mỹ áp dụng”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết thực tế, ngay từ khi các vụ việc manh nha khoảng năm 2016, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các DN, nhất là các DN trong ngành đang chịu ảnh hưởng lớn như thép, thủy sản. Chẳng hạn, ngay từ thời đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), để giải quyết vấn đề cá tra, Việt Nam và Mỹ đã có thư song phương và đây là một phần không thể tách rời của TPP.
Việt Nam đã đề nghị và phía Mỹ cũng đồng ý cam kết phối hợp tích cực để xử lý dứt điểm vấn đề công nhận tương đương cho Việt Nam. Đây là cách Chính phủ đồng hành cùng DN nhằm định huớng và hỗ trợ DN tối đa cho DN.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công thương tiếp tục đồng hành cùng DN sẽ tham vấn với chính phủ Mỹ về các vấn đề của Việt Nam, đặc biệt là hai mặt hàng thép và thủy sản trong thời gian tới. Bộ sẽ tiếp tục làm việc với DN để có thể ứng phó với bất kỳ vấn đề gì phát sinh trong thương mại quốc tế.