Chuyển đổi số trong ngân hàng: Nhận thức sâu sắc, chủ động nắm bắt cơ hội
Ngành Ngân hàng tiên phong trong tiến trình số hoá | |
Số hoá ngân hàng - cuộc đua dài hơi | |
Số hóa ngân hàng: Mục tiêu lớn, bắt đầu từ hành động nhỏ |
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tiên phong trong quá trình chuyển đổi số |
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019, Hội thảo chuyên đề Ngân hàng thông minh: “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng” diễn ra ngày 2/10 tập trung đánh giá mức độ sẵn sàng của ngân hàng trong việc thực hiện chuyển đổi số và các xu hướng dịch vụ ngân hàng số, thanh toán trực tiếp, công ty công nghệ tài chính (fintech)… Đồng thời đề xuất những kế hoạch, chiến lược cho các doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội mà CMCN 4.0 đem lại cho ngành Ngân hàng.
Xây dựng thể chế
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, số hoá hoạt động ngân hàng giai đoạn hiện nay không chỉ dừng lại ở việc nâng cao hiệu quả quy trình xử lý mà còn tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm cho khách hàng tự phục vụ theo thời gian thực trên nhiều thiết bị khác nhau, với các bối cảnh khác nhau, phù hợp với nhu cầu trải nghiệm của từng cá nhân. Theo ông Sơn, các quốc gia khác nhau có những cách phản ứng và ứng xử khác nhau, tuy nhiên “tất cả đều đang đứng trước áp lực phải có khung pháp lý phù hợp cân bằng được cả hai mục tiêu: kịp thời hỗ trợ đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng các đổi mới sáng tạo vào cuộc sống; phải đảm bảo sự ổn định thị trường tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia thị trường, đặc biệt là người tiêu dùng”.
Với tinh thần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kịp thời nắm bắt, tận dụng hiệu quả những thành tựu tiên tiến của cuộc CMCN 4.0, phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh việc NHNN hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng thông qua một số định hướng chủ yếu. Trong đó, ưu tiên số một là hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số và nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ của CMCN 4.0 vào hoạt động ngân hàng; ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số. Trong đó lấy thanh toán số làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như huy động, cho vay, đầu tư, bảo hiểm... Đặc biệt phải xem nguồn nhân lực ngân hàng có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số ngân hàng, phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.
Có quan điểm tương đồng, ông Bruce Delteil - Phó Chủ tịch McKinsey&Company cũng cho rằng, việc chuyển đổi số ngân hàng quan trọng nhất nằm ở hai yếu tố, hay có thể xem là hai động lực, chính là công nghệ và khuôn khổ pháp lý của mỗi quốc gia. Đặc biệt với khuôn khổ pháp lý, phải đảm bảo làm sao để vừa có khả năng theo dõi, quản lý nhưng vẫn nhận diện được rủi ro trước khi có thể phát triển tới một mức độ cao hơn. Quan trọng nhất, khuôn khổ phải phù hợp và hiệu quả với những chủ thể tham gia.
Ngày 27/9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN này đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. |
Lấy khách hàng làm trọng tâm
Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với số dân hơn 96 triệu người, trong đó tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh chiếm hơn 55% dân số, khoảng 45,8 triệu người có tài khoản ngân hàng thì tiềm năng phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để biến các tiềm năng và cơ hội đó thành hiện thực?
Ông Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT Vietcombank nêu quan điểm cần xác định một số nguyên tắc để thực hiện việc chuyển đổi số. Theo đó, lấy khách hàng làm trọng tâm trong các sáng kiến chuyển đổi số nhằm đem lại giá trị cho khách hàng là bí quyết thành công. Cần phát triển song song năng lực nền tảng và xây dựng trải nghiệm khách hàng - chủ động thay đổi trải nghiệm khách hàng ngay tại thời điểm hiện tại chứ không chờ đợi triển khai xây dựng các năng lực nền tảng. Theo đó, nên tập trung triển khai điểm đối với phân khúc khách hàng được lựa chọn; linh hoạt trong cấu phần giao tiếp với khách hàng và cải thiện năng lực nền tảng số một cách liên tục dù việc này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực…
Trong khi ông Trần Hoài Nam - Giám đốc ngân hàng số của TPBank cho rằng, việc chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở mặt công nghệ, mà tư duy cũng là yếu tố quan trọng, bởi nó có thể khiến thay đổi cả cơ cấu tổ chức hay cách vận hành của cả ngân hàng.
Phiên thảo luận bàn tròn tại hội thảo cũng đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, thẳng thắn của các diễn giả, chuyên gia tham dự. Trong đó, tập trung nhiều tới việc ứng dụng các công nghệ nền tảng như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), xác thực sinh trắc học, cơ chế trao đổi dữ liệu (Open API)… để hỗ trợ cho các nhà băng đổi mới sản phẩm dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật.
Cho rằng ngân hàng số phải là sự thay đổi nhận thức, đi cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện về thể chế, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN nhấn mạnh rằng, sẽ không bao giờ có thể thực hiện được Open API nếu không có những quy định về chia sẻ dữ liệu, và cũng sẽ không ứng dụng được Big Data nếu không có quy định dữ liệu nào sẽ được đưa lên điện toán đám mây…
Lắng nghe và đánh giá cao các tham luận tại hội thảo, về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh kỳ vọng toàn hệ thống Ngân hàng cũng như từng NHTM sẽ ý thức sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số, chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội để triển khai thành công, giúp ngân hàng phát triển bền vững, để những thành tựu của CMCN 4.0 có thể đi vào đời sống.