Ngành Ngân hàng tiên phong trong tiến trình số hóa
Phát biểu tại Hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định: Việc số hoá hoạt động ngân hàng ở giai đoạn hiện nay không chỉ dừng lại ở nâng cao hiệu quả của quy trình xử lý mà còn tập trung vào nâng cao trải nghiệm, cho phép khách hàng tự phục vụ theo thời gian thực, trên nhiều thiết bị khác nhau với các bối cảnh khác nhau phù hợp với nhu cầu trải nghiệm khác nhau của từng cá nhân.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo |
Đánh giá về những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong tiến trình số hóa, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Ngành Ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua đã tiên phong thực hiện tinh thần này. Những tiến bộ trong công nghệ tài chính (fintech) đều được các ngân hàng Việt Nam nhanh chóng phát triển, ứng dụng như: thanh toán qua di động, qua mã QR, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ, thanh toán thẻ chíp đối với thẻ nội địa…
Những chuyển đổi mạnh mẽ này đã giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Tham luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu tập trung đánh giá mức độ sẵn sàng của ngân hàng trong việc thực hiện chuyển đổi số và các xu hướng dịch vụ ngân hàng số, thanh toán trực tiếp, công ty công nghệ tài chính (fintech)… Từ đó, phiên thảo luận bàn tròn đề xuất những kế hoạch, chiến lược cho các doanh nghiệp để năm bắt cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cho ngành Ngân hàng…
Ba vấn đề chính nhận được nhiều ý kiến tham luận, gồm: Thứ nhất là hành lang pháp lý cho triển khai ngân hàng số; Thứ hai là việc xây dựng và triển khai chiến lược ngân hàng số; Thứ ba là vấn đề ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình chuyển đổi số của ngân hàng.
Quang cảnh Hội thảo |
Về hành lang pháp lý, Hội thảo đã chỉ rõ những khoảng trống về mặt pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam; trong đó, chú ý đến vấn đề về xác thực khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số (eKYC/digital KYC) và việc bảo đảm bí mật thông tin khách hàng trong điều kiện cung ứng sản phẩm dịch vụ trên nền tảng và hệ sinh thái số.
Về việc xây dựng và triển khai chiến lược ngân hàng số, nhiều diễn giả quốc tế đã trình bày quan điểm về ngân hàng số, các bước chuyển đổi và các vấn đề đặt ra trong chuyển đổi ngân hàng số cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai chiến lược chuyển đổi số. Đây là những thông tin rất quý báu và bổ ích, giúp định hình rõ nét hơn về khái niệm cũng như cách thức tiếp cận ngân hàng số cho các ngân hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng chỉ ra những thách thức mà các ngân hàng phải đối mặt trong thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số cũng như thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng... để từ đó xây dựng và thiết kế lộ trình triển khai chiến lược chuyển đổi số phù hợp.
Về ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình chuyển đổi số của ngân hàng, Hội thảo đã phân tích về các ứng dụng công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tác động hỗ trợ đến hoạt động ngân hàng số trong thực tiễn, từ việc cung ứng sản phẩm dịch vụ cho đến công tác quản trị, điều hành.
Trong đó, các công nghệ nền tảng như: Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API)… có thể hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng trong việc cải thiện tính hiệu quả và gia tăng trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng với tốc độ xử lý nhanh, độ chính xác cao và đảm bảo an toàn, bảo mật…
Thay mặt ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đánh giá cao các tham luận tại Hội thảo, Phiên thảo luận bàn tròn đã diễn ra hết sức sôi nổi với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, nhiều thông tin được trao đổi và phân tích sâu sắc.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo |
Với những nội dung được thảo luận trên, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định: Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những quan điểm đổi mới, mục tiêu rõ ràng, giải pháp phù hợp với bối cảnh Việt Nam sẽ giúp ngành Ngân hàng mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi số, tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; lấy khách hàng làm trọng tâm và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là nhân tố quyết định.
Bởi vậy, cùng với những kết quả của Hội thảo ngày hôm nay, Phó Thống đốc kỳ vọng ngành Ngân hàng nói chung cũng như từng ngân hàng nói riêng sẽ ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số cũng như xu thế phát triển ngân hàng số, từ đó chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để triển khai thành công chuyển đổi số, giúp các ngân hàng phát triển bền vững, đưa các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự đi vào đời sống. Bởi đây chính là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng và mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng, cũng như từng ngân hàng và toàn thể nền kinh tế.