Chuyện những người vẽ tiền
Tôi cẩn thận đặt tờ tiền mới vào phong bao lì xì. Tờ tiền màu sắc tươi sáng, hoa văn và họa tiết rõ nét, sống động. Thực sự đẹp! Lại một cái Tết nữa đang sầm sập đến gần, ngay lúc này lịch sử phát triển của đồng tiền cách mạng Việt Nam cũng đánh dấu chặng đường 70 năm phát triển.
Tôi chợt nhớ câu nói của ông Nguyễn Tất Huynh, Phó cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam): Cả cuộc đời người họa sĩ vẽ tiền, có một mẫu được mang ra lưu hành là thành tựu lắm rồi…
Từ những miệt mài nét vẽ
Chỉ cho tôi những nét vẽ li ti, chằng chịt trên tờ tiền, ông Nguyễn Tất Huynh chia sẻ: Mỗi họa sĩ vẽ tiền sẽ đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau, có người vẽ tổng thể, lại có người chỉ vẽ chi tiết, có người vẽ họa tiết. Mỗi một họa tiết dù bé nhất cũng mất cả tháng trời miệt mài của người họa sĩ, bởi vẽ tiền hoàn toàn khác với vẽ tranh, vẽ ảnh.
Nó vừa là bức tranh, vừa là tổng hòa của những đường kẻ, những đường vân mà độ dài cũng như độ rộng của nó được tính bằng từng milimet nhỏ. Giờ đây, cho dù có sự hỗ trợ của máy tính nhưng phương tiện chính của người họa sĩ vẽ tiền cũng vẫn chỉ là bút chì, bút sắt, bút lông, hòn tẩy, mực, compa, thước kẻ…
Từng con chữ, từng đường vân được thể hiện qua đôi bàn tay tỉ mẩn vẽ, tẩy, với những nét chìm, nét nổi. Nếu chỉ “nhấc” một centimet thôi trên mỗi đồng tiền đó cũng đã là cả một công trình kiến trúc kỳ vĩ mà ở đó họa sĩ là người kiến trúc sư tài ba với hàng trăm đường kẻ, hàng trăm mối nối đan xen, chằng chịt.
Ấy vậy mà trong sự chằng chịt của những đường kẻ, của mối nối vẫn toát lên sự thanh thoát của những hình khối, của bố cục và của màu sắc. Và tôi chợt nhận ra, từng nét vẽ thân quen đang hiện hữu ngay trên những đồng tiền mà hàng triệu người Việt Nam đang sử dụng hàng ngày, hàng giờ.
Sự thân quen hiện hữu đó như được copy vào đôi mắt người họa sĩ, trộn đẫm xúc cảm trong trái tim, khối óc họ để quyện lên mỗi chi tiết đồng tiền. Chợt nhớ đến câu chuyện đưa xúc cảm cuộc sống vào đồng tiền Việt Nam của họa sĩ Nguyễn Huyến.
Là họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh, ấy vậy mà khi được giao vẽ tờ 100 đồng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, họa sĩ đã bỏ cả xưởng vẽ chạy ra cánh đồng làng Láng chỉ để quan sát một con trâu thật đang gặm cỏ. Khi tờ giấy bạc 100 đồng được lưu hành, nó đã truyền tải được cái tâm người vẽ, nên người dân lúc ấy gọi đồng bạc đó là “con trâu xanh”.
Nếu lấy kính lúp soi kỹ thì những cái xoáy lông hiện lên ở đầu và mình con trâu rất tự nhiên và sống động… Giọng ông Huynh vẫn đều đều, ngay cả những tờ tiền hiện tại cũng vậy, nếu lấy kính lúp, hoặc kính hiển vi mà soi cũng sẽ thấy những hình vẽ, những đường vân mờ ảo, chìm nổi lẩn khuất trong từng nét chữ, từng cụm hoa văn của mỗi đồng tiền. Những nét vẽ ấy, những đường vân ấy giúp cho đồng tiền không bị làm giả, hay copy bởi những máy móc hiện đại nhất…
Nguyên Trưởng phòng thiết kế tiền (Cục Phát hành và Kho quỹ) Trần Tiến chia sẻ: Việc vẽ một đồng tiền khác rất nhiều so với việc vẽ một bức tranh. Người vẽ tiền không thể sử dụng các đường nét, màu sắc một cách phóng khoáng mà luôn phải tuân theo các quy trình sản xuất đặc biệt của công nghệ in tiền.
Bên cạnh đó, thiết kế tiền là một nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao nhưng lại không có trường đào tạo, cho nên các “bí kíp” cũng như kinh nghiệm thiết kế tiền ở Việt Nam thường chỉ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hoặc tự mày mò học hỏi các kỹ thuật in tiền tiên tiến ở các nước trên thế giới. Yêu cầu chung đối với các họa sĩ thiết kế tiền là sáng tạo, thể hiện được những vẻ đẹp đặc trưng của đất nước, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và chân dung Bác Hồ là chân dung duy nhất được in trên tất cả các đồng tiền của Việt Nam.
Cầm những bản phác thảo của họa sĩ trên tay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi không thể phân biệt nổi với tiền thật. Bởi đơn giản là bản phác thảo bao giờ cũng phải vẽ với tỷ lệ 1-1 như thật. Nó được vẽ qua kính lúp bằng một loại bút cực nhỏ để vẽ được những nét nhỏ li ti mà chỉ sai một “li” là công sức cả năm, cả tháng đã qua đành phải bỏ để bắt tay lại từ đầu. Mỗi bản vẽ tiền không chỉ là một bản mỹ thuật, mà còn phải là một bản công nghệ với các yêu cầu về tính bảo mật và khả năng chống làm giả.
Kết nối với công nghệ mới
Kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa ra đời, tiền đồng cũng chính thức được in và lưu thông để khẳng định chủ quyền của đất nước tự do. Ngày 30/11/1946, sau một thời gian chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tờ giấy bạc đầu tiên của Việt Nam trong tư thế một quốc gia độc lập chính thức bước vào cuộc sống...
Qua 70 năm phát triển, đồng tiền Việt Nam ngày càng trở nên thân thiết, an toàn và sáng đẹp hơn. Theo chiều dài lịch sử đó, để tạo ra những bước phát triển mới của đồng tiền Việt Nam, yếu tố công nghệ được áp dụng ngày càng nhiều.
Có được một đồng tiền, người họa sĩ phải phối hợp hàng chục công đoạn như: vẽ, khắc tay, làm bằng máy tính, mạ, in, ghép bản... Nếu như các đồng tiền ngày xưa, chủ yếu tập trung vào các nét hoa văn phức tạp để tránh việc vẽ giả bằng tay thì đồng tiền ngày nay có sự tham gia tối đa của công nghệ cao, như công nghệ tạo nét nổi, tạo hiệu ứng màu cửa sổ.
Theo họa sĩ Trần Tiến, hiện nay chất liệu polymer là chất liệu duy nhất cho phép tạo ra những “cửa sổ” có hiệu ứng quang học khiến tất cả các thiết bị sao chụp tinh vi nhất cũng gặp khó khăn.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, người vẽ tiền giờ còn phải tính cả kích thước từng tờ tiền để làm sao cho phù hợp với máy ATM, chống lại được các máy sao chụp laze, photocopy màu, các kỹ thuật in phun, in màu, thiết bị làm giả mới nhất... Đồng tiền có mệnh giá càng cao thì càng dễ bị làm giả nên càng phải đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao, đường nét tinh xảo để đảm bảo vấn đề bảo an của đồng tiền.
Bên cạnh đó là yêu cầu tuyệt mật mà ngay trong ngân hàng cũng chỉ có một số lãnh đạo chuyên môn được biết về những dự án thiết kế đây chính là áp lực vô hình mà nhiều họa sĩ trẻ không kham nổi, khi mà ngay cả với người nhà cũng không được phép lộ bất kỳ thông tin nào…
Ông Nguyễn Tất Huynh chia sẻ, một tờ giấy bạc đẹp phụ thuộc vào tài năng và tâm hồn của người họa sĩ. Mỗi họa sĩ phải mất nhiều năm tích lũy mới nâng cao được kỹ nghệ đồ họa hết sức đặc biệt trong công việc thiết kế mẫu tiền. Có quá nhiều yêu cầu khắt khe trong quá trình thiết kế và ấn loát, thế nhưng yêu cầu lớn nhất vẫn là những mẫu tiền cần phải đẹp.
Mà cái đẹp ở đây ngoài hình tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn là những hình ảnh điển hình về văn hóa, kinh tế và con người Việt Nam. Nét đẹp này chính là thành quả sáng tạo của họa sĩ. Đó là hình ảnh rất bình dị của làng Sen quê Bác, hình ảnh di tích cố đô Huế trên dòng sông Hương, hoặc đó là hình chùa Một Cột… hiện diện từ cội nguồn văn hóa và lịch sử của một giang sơn gấm vóc…
Tôi chợt nhớ tới bộ sưu tập tiền đồng có chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Trên đó có ghi rõ: “Giấy bạc Việt Nam ra đời với sứ mạng lịch sử đã góp phần đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng nền kinh tế tự chủ, thống nhất Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hình Bác in trên giấy bạc đã khắc sâu niềm tin sắt đá, thiêng liêng nhất của quần chúng nhân dân vào Đảng và lãnh tụ…” và tôi chợt nhận ra niềm tự hào lặng lẽ trong ánh mắt của mỗi họa sĩ khi được góp sức của mình vào sứ mạng lịch sử của đồng tiền…