Người họa sĩ tận hiến cho cách mạng
Chân dung họa sĩ Mai văn Hiến |
Tháng 8/1945 ông tham gia cách mạng tại Hà Nội, vẽ tranh cổ động, làm công tác tuyên truyền phục vụ cách mạng. Một kỷ niệm sâu sắc và là vinh dự đối với họa sĩ là khoảng thời gian từ tháng 11/1945 đến tháng 3/1946, ông cùng với 3 họa sĩ khác là Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Huyến và Nguyễn Văn Khanh được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính chọn giao nhiệm vụ vẽ những tờ giấy bạc đầu tiên cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, ông chính là tác giả của tờ giấy bạc 5 đồng.
Tháng 7/1947, Mai Văn Hiến được điều về Tổng cục Chính trị quân đội với nhiệm vụ minh họa, trình bày báo “Vệ quốc quân” (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân) cùng với họa sĩ Dương Bích Liên, từ đó ông trở thành người lính. Ông đã tham gia các chiến dịch Đông Bắc (1949), vùng Mỏ (1951), Giải phóng Tây Bắc (1952), Giải phóng Thượng Lào (1953) và chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và đã có rất nhiều ký họa về bộ đội, dân công bằng chì, bút sắt, đã trở thành những tư liệu quý giúp ông sáng tác những tác phẩm sơn dầu nổi tiếng sau này. Phần lớn biếm họa chiến khu (từ năm 1947 đến năm 1952) của Mai Văn Hiến vẽ về người chiến sĩ vệ quốc, những người trước đó không lâu còn là người nông dân quê mùa chân chất, đến với kháng chiến bằng một vũ khí duy nhất là lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách phóng viên, họa sĩ báo Quân đội Nhân dân bên cạnh Bộ Tư lệnh, ông đã có nhiều sáng tác phục vụ chiến sĩ và công tác địch vận.
Tháng 10/1954, hòa bình lập lại, ông được tổ chức điều động về Hà Nội và công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội, rồi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông đã tham gia trình bày và minh họa cho tờ tạp chí này mà người ta vẫn nhớ bút pháp riêng của ông với nét vẽ khỏe khoắn. Tại Đại hội thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1957, ông được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành khoá I, tham gia Ban tổ chức các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc từ năm 1954.
Từ tháng 1/1966, họa sĩ Mai Văn Hiến được điều động về công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam với cương vị Ủy viên thường trực Ban thường vụ kiêm Trưởng ban đối ngoại. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm trở về miền Nam, ông được giao thêm nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Bên cạnh đó, ông vẫn tiếp tục sáng tác tranh, làm minh họa báo, vẽ tranh biếm họa, viết bài cho các báo và tạp chí.
Họa sĩ Mai Văn Hiến vốn có nhiều năm công tác trong quân đội và Hội Mỹ thuật Việt Nam, các tác phẩm của ông chủ yếu là chất liệu sơn dầu về hình tượng Bác Hồ, anh bộ đội, về tình quân dân, đặc biệt là về những năm tháng kháng chiến chống Pháp với bút pháp hiện thực đơn giản và tinh tế, hóm hỉnh và đầy tinh thần lạc quan cách mạng, bình dị và sâu sắc, tạo được phong cách riêng để lại nhiều ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng. Có thể kể đến như: Bướm dọc đường (1984); Du kích Đông Bắc (1989); Tiếng hát mùa chiến dịch (1994); Anh bộ đội cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc (1998). Ông còn vẽ nhiều tác phẩm về sinh hoạt, chân dung, phong cảnh đất nước: Đèn khuya (1991); Mẹ con (1995); Chuẩn bị đi học (1996)…
Có lần, họa sĩ Trần Khánh Chương tâm sự: “Ấn tượng của tôi đối với ông thật thú vị bởi sự bình dị, hóm hỉnh và như người ta vẫn nói, cái mắt và cái mũi như luôn cười. Sau này về công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi có nhiều dịp được làm việc với ông và đến thăm ông, đó là một con người sống giản dị, yêu đời, yêu đồng nghiệp và làm việc hết mình trong các lĩnh vực hội họa và tranh biếm họa. Những ngày nằm trên giường bệnh, tôi vẫn thấy ông vẽ tranh…”.
Họa sĩ Lý Trực Dũng, người nổi tiếng về tranh biếm họa đã viết về Mai Văn Hiến: Ông có vóc người to cao rất Tây, nhưng giọng nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn. Không nghe ai kể Mai Văn Hiến cáu bao giờ, kể cả hai cô con gái của ông. Ông có thể rành rọt kể rành rọt về những họa sĩ vẽ tranh biếm họa thời kháng chiến chống Pháp như Phan Kế An (Phan Kích), Nguyễn Bích, Nguyễn Địch Dũng, Giang Tô... Còn về phần mình, ông chỉ lướt qua... “Tôi cũng có vẽ biếm họa cho báo Vệ quốc quân”.