Vẽ và chơi tranh Rồng
Vẽ tranh con giáp từng được nhiều họa sĩ nổi tiếng thế hệ trước thực hiện, như một thú chơi tao nhã đón Tết cổ truyền. Có thể kể đến họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988). Sinh thời, cứ Tết đến, ông lại hí húi vẽ tranh con giáp. Thuở ấy nghèo, họa sĩ có khi vẽ tranh con giáp trên giấy báo, hoặc bìa sách… Những bức tranh con giáp của Bùi Xuân Phái cho thấy ánh nhìn hồn hậu của ông, tình cảm của ông với những người bạn mà ông dành tặng bức tranh đó để chơi xuân đón Tết.
Một trong những người thành công với mảng đề tài tranh con giáp thời trước phải nhắc đến họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016). Ông bắt đầu vẽ bức con giáp đầu tiên đó là con mèo, khởi phát từ bức chạm gỗ cổ “Mèo ngoạm cá” ở đình Bình Lục (Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), những năm 1955-1956. Sau đó, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm dành nhiều thời gian nghiên cứu và hình thành bộ tranh với 12 con giáp. Trong số 12 con vật, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ rồng nhiều nhất, sau đến dê, chó, gà, ngựa, hổ, mèo… và trâu là ông vẽ ít nhất. Đa số tranh con giáp được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ bằng chất liệu bột màu, về sau ông vẽ trên giấy dó… Họa sĩ giữ thói quen vẽ tranh con giáp và cứ vẽ đi vẽ lại nhiều lần, chỉ có điều ông “thử” với những chất liệu, kích thước khác nhau…
Từ thú chơi của các bậc tiền nhân, sau một thời gian khá im ắng, mấy năm nay chơi tranh con giáp được nối lại. Có lúc người vẽ và người chơi tranh đông vui, nhộn nhịp theo “phong trào”. Và tranh con giáp của các họa sĩ đương đại ngày nay vẽ cũng khác, trên những chất liệu vừa hiện đại vừa truyền trống. Nếu họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam và Đỗ Phấn vẫn chung thủy với chất liệu bột màu trên giấy dó hoặc giấy bìa thì các họa sĩ như Lê Trí Dũng đa dạng hơn. Ông vẽ tranh con giáp với nhiều chất liệu: trên toan tốt cũng có mà vẽ trên bìa cứng, vẽ trên giấy điều, giấy dó cũng nhiều… Họa sĩ Tào Linh và Phạm An Hải thì chơi hẳn sơn dầu trên toan khi vẽ tranh con giáp.
Tranh rồng của họa sĩ Đỗ Phấn |
Đáng vui hơn là sự đón nhận của công chúng đương đại. Nhiều người trẻ đã hình thành thú chơi tranh con giáp, mua không chỉ về treo dịp Tết mà còn tạo lập một bộ sưu tập tranh con giáp của từng họa sĩ. Còn một số người khác, thay vì lựa chọn tranh chép bày bán nhiều ở các phố Nguyễn Thái Học, phố Hàng Trống hay vỉa hè Bà Triệu (Hà Nội) đã lựa chọn những bức tranh con giáp của các họa sĩ có tên tuổi để chơi xuân.
Và để đáp ứng được các đối tượng chơi tranh khác nhau, đa số họa sĩ đương đại cũng thường vẽ tranh con giáp kích thước nhỏ, hoặc vừa phải. Mục đích là để có thể thi triển nhanh, mà giá cả cũng phù hợp với nhiều người trong điều kiện mới làm quen với thị trường mỹ thuật. Tất nhiên, vẫn có những họa sĩ vẽ tranh con giáp bằng chất liệu tốt nên giá tranh, dù tranh con giáp nhưng vẫn ở mức từ một đến vài ngàn đô la. Bên cạnh đó, vẫn có những họa sĩ không mưu cầu gì ở “vụ tranh” cuối năm này, chỉ thuần túy giữ một thói quen vẽ tranh con giáp tặng bạn bè vui Tết, đón xuân. Như họa sĩ Đỗ Phấn chẳng hạn. Vài chục năm nay, cứ dịp cuối năm ông lại dành thời gian, đi mua giấy, mua bột màu về cặm cụi vẽ vài ba chục bức, thậm chí dăm bảy chục bức tặng bạn bè. Năm nào con vật đó. Có năm ông vẽ tới tận đêm Giao thừa. Năm nay, dù sức khỏe không còn “như xưa” nhưng họa sĩ Đỗ Phấn vẫn không bỏ cuộc, ông vẫn vẽ tranh con rồng bằng bột màu trên bìa với sự điêu luyện của một họa sĩ đã có 4-5 “mùa” Tết vẽ rồng.
Tranh rồng của họa sĩ Lê Kinh Tài |
Hay như họa sĩ Lê Kinh Tài, ông không phải là người đeo đuổi việc vẽ tranh con giáp để phục vụ nhà sưu tập hay người chơi tranh. Ông vẽ tranh con giáp như một “nghi lễ” của người làm nghề. Hay nói cách khác, ông khai bút đầu năm bằng tranh con giáp. Đều đặn suốt hơn 20 năm qua, ông giữ thói quen mỗi năm vẽ 2 bức tranh con giáp, một bức vào đúng giao thừa Tết tây, và bức thứ hai đúng vào giao thừa Tết Nguyên đán. Khi vẽ tranh con giáp, ông vẽ một mạch từ giao thừa cho tới sáng, không hề nghĩ đến đẹp hay xấu. “Bởi vào thời khắc giao thừa này, tôi vẽ trong xúc cảm như thay một lời tạ ơn nghiệp vẽ đã chọn mình”, họa sĩ tâm sự, đồng thời cho biết, năm Giáp Thìn 2024, ông sẽ về quê đón giao thừa Tết Nguyên đán với mẹ nên sẽ không mang họa phẩm về vẽ con giáp lần thứ 2 như mọi năm mà chỉ có duy nhất một bức tranh rồng vẽ đêm chào năm mới 2024.
Họa sĩ Tào Linh năm nay cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu, vẽ tranh rồng. Ông xây dựng ý tưởng từ giữa năm. Cũng như năm ngoái, ông vẽ khoảng 40 bức, với cảm hứng từ những bức vẽ rồng trong tranh dân gian. Tuy nhiên, qua mỹ cảm của họa sĩ Tào Linh, con rồng hiện ra một cách sống động, vừa uy quyền vừa gần gũi…
Con rồng không chỉ biểu tượng cho sức mạnh vua chúa quyền uy mà còn gắn liền với sông nước, với ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, may mắn tốt lành, đại diện cho sự khởi sắc phát triển, sinh sôi nảy nở. Hình tượng rồng, vì thế, mang đến rất nhiều cảm hứng đa dạng cho giới sáng tạo, từ đậm nét văn hóa truyền thống đến phá cách, trẻ trung, hiện đại; từ hiện thực đến bán trừu tượng, biểu hiện, lập thể... Mỗi họa sĩ, tùy từng “tạng”, tùy theo những đam mê và phong cách theo đuổi, đã vẽ rồng theo cách riêng mang tới cho công chúng yêu mỹ thuật những bức tranh con giáp chơi xuân. Quan trọng hơn, họ nối dài một thú chơi tao nhã, đồng thời cũng góp phần kiến tạo thói quen mua tranh, treo “tranh thật” cho công chúng đương đại.