Có cần giữ nét văn hóa truyền thống?
Chợ truyền thống tồn tại nhiều bất cập | |
Hà Nội: Cải tạo chợ Châu Long theo mô hình chợ truyền thống |
Nhiều siêu thị hiện đại vẫn bày biện theo hình thức chợ dân sinh |
Nên bỏ mô hình hỗn hợp
Ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Phó trưởng phòng Kinh tế - UBND quận Long Biên cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện xã hội hóa xây dựng chợ trên địa bàn quận Long Biên đã thực hiện xây dựng, cải tạo 28 chợ với tổng diện tích đất xây dựng chợ là 77.916 m2. Trong đó có 3 chợ xây dựng theo mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại (chợ Ngọc Thụy, Việt Hưng, Thạch Bàn).
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình này đã không đạt được hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập như: sắp xếp ngành hàng, thiết kế, thói quen tiêu dùng, môi trường kinh doanh… đã dẫn đến số lượng người tiêu dùng đến mua giảm, số hộ kinh doanh ngày càng giảm dần do không bán được hàng hóa và sau khoảng 2 năm hoạt động toàn bộ từ tầng 3 đến tầng 5 đã phải nghỉ kinh doanh.
Hiện tại, các chợ này chỉ hoạt động với chức năng là chợ dân sinh (chủ yếu tập trung tại tầng 1 và 1 phần tầng 2). Trong khi đó, 25 chợ còn lại xây dựng theo mô hình chợ dân sinh đã phát huy hiệu quả và phục vụ tốt nhu cầu mua bán, sinh hoạt của nhân dân tại khu vực.
Từ thực tế hoạt động của 2 mô hình chợ, ông Nguyễn Ngọc Vĩnh cho rằng, nên bỏ mô hình hỗn hợp chợ kết hợp trung tâm thương mại và chỉ thực hiện xây dựng hoặc chợ hoặc trung tâm thương mại.
Trong đó, ưu tiên phát triển chợ dân sinh với quy mô tối thiểu mỗi phường có ít nhất 1 chợ, việc này sẽ phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và đáp ứng được phong tục, truyền thống sinh hoạt của người dân cũng như phù hợp với đại đa số mức sống, thói quen sinh hoạt của nhân dân.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho hay, dù các khu mua sắm, trung tâm thương mại, siêu thị dần được người tiêu dân đón nhận và thích nghi, song vị trí của chợ truyền thống vẫn không mất đi. Chợ truyền thống không chỉ là nơi mua bán hàng hóa, mà còn là nơi chứa đựng nét văn hóa riêng của từng địa phương, vùng, miền.
Mặc dù sự tồn tại của chợ truyền thống là hết sức cần thiết, tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Thủy cho rằng, hiện nay, nhiều chợ vẫn đang thực hiện mô hình quản lý cũ, không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mối quan hệ quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh chợ theo mô hình Ban quản lý ngày càng xuất hiện nhiều bất cập không phù hợp với yêu cầu khách quan. Do đó, đòi hỏi phải chuyển đổi sang mô hình tổ chức quản lý năng động và hiệu quả hơn.
ThS. Nguyễn Thị Nắng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm nêu quan điểm, do có quá nhiều loại hình quản lý nên sự thống nhất giữa các loại hình có khó khăn và đặc biệt chợ dân sinh theo quy định của pháp luật là chợ hạng 3.
Bởi chợ hạng 3 là chợ do cấp phường quản lý nhưng nhà nước lại không quy định mô hình tổ chức quản lý cấp phường là gì, chính vì vậy ủy ban cấp phường cũng rất lúng túng trong việc tổ chức mô hình quản lý các mô hình chợ này.
Cần dựa vào cấu trúc đô thị
Đề xuất mô hình quản lý chợ truyền thống trong thời gian tới, bà Mai cho rằng, cần giao cho ban quản lý chợ cấp huyện quản lý toàn diện, hoạt động ban quản lý chợ sẽ thực hiện theo kiểu sự nghiệp có thu quy định tại Nghị định 16 với việc tự chủ về kinh phí hoạt động của đơn vị.
Hình thức thứ hai là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất, mô hình này chỉ được thực hiện đối với dự án có xây dựng chợ mới.
Hình thức thứ ba là nhà nước bỏ kinh phí xây dựng chợ, sau đó sẽ xây dựng toàn bộ các phương án liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với chợ, tổ chức đấu thầu quyền kinh doanh khai thác sử dụng chợ trong thời gian từ 5 - 10 năm, và mỗi một kỳ hợp đồng sẽ nghiên cứu lại điều khoản sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Mô hình này, sẽ giúp nhà nước quản lý rất tốt về chợ, đồng thời sẽ bù đắp một phần cho kinh phí đầu tư xây dựng chợ cũng như kinh phí quản lý chợ.
Đánh giá vai trò chợ dân sinh trong đô thị, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, rất cần xem xét đến yếu tố đặc thù về văn hóa. Theo đó, với đô thị trung tâm Hà Nội cần dựa vào cấu trúc đô thị từng khu vực đặc thù để lựa chọn mô hình chợ thích hợp.
Cụ thể: Khu nội đô lịch sử nên kết hợp chợ dân sinh trong các công trình thương mại hiện đại. Đối với các chợ truyền thống cần xác định vị trí phù hợp với các địa danh lịch sử và nên là không gian kiến trúc riêng biệt, đặc thù. Khu nội đô mở rộng (từ vành đai 2 đến sông Nhuệ) nêu xây dựng tổ hợp công trình dịch vụ thương mại liên kết với mô hình chợ dân sinh theo quy mô dân số phục vụ. Gìn giữ các chợ truyền thống.
Đối với các khu đô thị phát triển mới cần xây dựng mạng lưới chợ dân sinh gắn với khu dân cư hiện hữu. Các khu đô thị mới kết hợp chợ dân sinh trong các tổ hợp công trình thương mại hiện đại.
Theo các chuyên gia, để đáp ứng các xu thế phát triển chợ dân sinh trong đô thị trung tâm Hà Nội rất cần có nghiên cứu đa ngành với sự tham gia chủ động của người dân. Sản phẩm quy hoạch mạng lưới chợ không chỉ là ý chí của cơ quan quản lý mà còn cần sự đồng thuận của dân cư, không chỉ là quy hoạch dịch vụ thương mại mà nên xem đây là quy hoạch văn hóa, bảo tồn di sản đô thị.