Chợ truyền thống tồn tại nhiều bất cập
Thực phẩm bị nhiễm bẩn do vi sinh vật cao hơn hóa chất | |
Vì sao chợ truyền thống đuối sức? |
Khó kiểm soát hàng hóa
Phần lớn chợ truyền thống đều có cơ sở vật chất rất hạn chế, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác; hệ thống cấp, thoát nước trong khu vực kinh doanh của các tiểu thương còn tạm bợ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Cần giám sát chặt chẽ hàng hóa đầu vào tại các chợ truyền thống |
Cùng với sự đầu tư không đồng bộ của chủ đầu tư (các công ty quản lý chợ địa phương), một số cơ sở kinh doanh thực phẩm, hộ tiểu thương chạy theo lợi nhuận, cố tình đưa hàng nhái, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc vào buôn bán trong chợ. Đây là thực trạng tồn tại từ lâu, khiến người tiêu dùng lo lắng…
Thực trạng trên diễn ra tại hầu hết các chợ truyền thống hiện nay. Đơn cử như tại Đà Nẵng. Phải ghi nhận là thời gian qua, chính quyền thành phố biển này luôn quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho chợ tốt nhất cả nước.
Tuy nhiên, đối với mô hình chợ truyền thống, hạ tầng cơ sở còn nhếch nhác, chất lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ chưa được các nhà quản lý kiểm soát một cách chặt chẽ, còn tình trạng hàng giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng.
Ví như, cách đây không lâu, dư luận Đà Nẵng rất bức xúc việc cơ quan chức năng phát hiện nhiều mẫu thực phẩm không đảm bảo ATVSTP. Theo đó, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra, lấy 25 mẫu, gồm: măng tươi, dưa cải tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố, gửi đến Trung tâm phân tích thí nghiệm TP. HCM để kiểm tra chất cấm auramine O.
Kết quả thực tế cho thấy, qua 9 mẫu đã có kết quả phân tích, phát hiện 7 mẫu măng tươi có tồn dư chất vàng ô. Theo các chuyên gia, đây là chất gây độc cho sức khỏe con người nên đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Khi bị nhiễm độc chất vàng ô, có thể gây kích ứng dữ dội đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, viêm phổi; hay gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy... thậm chí nếu nhiễm độc lâu dài còn có nguy cơ tổn thương tế bào gan, thận và tủy xương.
Cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền
Theo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, hiện nguồn hàng thực phẩm nhập về thành phố bằng nhiều con đường, rất khó kiểm soát, nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống…
Đa phần tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống đều không thể phân biệt được hàng sạch - hàng bẩn. Các ban quản lý chợ cũng không kiểm soát được chất lượng hàng hóa. Bởi các tiểu thương thường lấy lại hàng từ chủ buôn, trong khi lực lượng quản lý chợ không có thiết bị kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Nói về sự bất cập này, ông Mai Phước Ba, Phó giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng chia sẻ, hộ kinh doanh lớn có thể bảo đảm được độ tin cậy; còn hộ buôn bán nhỏ, đại trà rất khó kiểm soát. Nếu không có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng ở các khâu, thì việc giám sát xuất xứ hàng hóa về chợ Đà Nẵng hầu như bất khả thi.
Để giảm thiểu thực phẩm bẩn, chính quyền TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các chợ trang bị các thiết bị kiểm thử nhanh. Theo đó một số chợ như chợ Hàn, Đống Đa, chợ Mới, Hòa Thuận, Phú Lộc, Hòa Khánh, Cẩm Lệ… đã đầu tư thiết bị kiểm tra nhanh, nhưng mới dừng lại ở việc kiểm thử thực phẩm sử dụng hàn the trong những mặt hàng giò, chả, nem, bún, phở, mì, còn đối với các mặt hàng thực phẩm khác vẫn chưa có thiết bị thử nhanh để đánh giá các chỉ tiêu ATVSTP…
Để giảm thiểu thực phẩm bẩn vào chợ, các chuyên gia cho rằng, ban quản lý chợ cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hàng hóa trước khi đưa vào chợ. Các đội bảo vệ được phân công tập trung giám sát các ngành hàng có nguy cơ cao như: thực phẩm chế biến sẵn, thịt, cá… Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền các địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để làm gương.
Cùng đó, yêu cầu hộ tiểu thương ký cam kết và kiên quyết xử lý những trường hợp kinh doanh vi phạm hàng quá hạn sử dụng, nhập lậu, hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm nhãn mác hàng hóa, giá cả.