Cơ cấu lại DNNN: Lấy hiệu quả kinh tế làm trọng
Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 | |
Tái cơ cấu DNNN: Vì lợi ích hay do “cưỡng bức”? | |
Tái cơ cấu DNNN: Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả |
Đây được xem là “luồng gió mới” trong việc cơ cấu lại hoạt động của DNNN một cách hiệu quả mà Hội nghị Trung ương 5 đưa ra. Người đứng đầu DNNN sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và Nhà nước về toàn bộ hoạt động của DN. Ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thực sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu, hoạt động độc lập và không chịu sự chi phối vô lý nào về lợi ích của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban điều hành của DN.
Ảnh minh họa |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN được xem là vấn đề lớn, khó và phức tạp. Đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển DNNN và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 DN 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 DN 100% vốn nhà nước và đến thời điểm tháng 10/2016 chỉ còn 718 DN 100% vốn nhà nước. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, Bộ Tài chính cho biết, đã có 7 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá (CPH) với tổng giá trị thực tế là 1.855 tỷ đồng.
Theo phương án CPH được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 7 đơn vị là 693,5 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 328,2 tỷ đồng, bán cho NĐT chiến lược là 265,7 tỷ đồng, bán cho người lao động 8,5 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 4,7 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 86,3 tỷ đồng. Về thoái vốn trong năm 2016, các đơn vị đã thoái được 5.149 tỷ đồng, thu về 18.832 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.072 tỷ đồng, thu về 14.236 tỷ đồng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, đến nay DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…
Song, một câu hỏi lớn đặt ra cần được giải đáp thấu đáo là vì sao những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn.
Tổng bí thư yêu cầu thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN để DNNN thực sự phát huy được vai trò, vị trí then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo đó sẽ đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết các DNNN thành DN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là DN cổ phần, niêm yết trên TTCK, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Thực hiện công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chủ yếu thông qua TTCK việc thoái vốn tại các DN mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc không cần tham gia đầu tư để tập trung vốn cho đầu tư phát triển các công trình, dự án quan trọng khác thuộc những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, DN, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản.
Cùng với đó là cơ cấu lại, đổi mới các DNNN đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN thật sự hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DNNN; không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của nhà nước tại DN…
Tổng bí thư cũng yêu cầu kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho nhà nước và DN. Người đứng đầu DNNN sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và nhà nước về toàn bộ hoạt động của DN.