Tái cơ cấu DNNN: Vì lợi ích hay do “cưỡng bức”?
“Bình đông” TCC
Người xưa có câu nói đáng suy ngẫm và còn nguyên giá trị: “Tư tưởng không thông vác bình đông cũng nặng”. Nếu tư tưởng không thông sẽ khiến cho chiếc “bình đông” TCC trở thành nhiệm vụ quá nặng nề với một số tập đoàn, DNNN hiện nay. Đặc biệt, lộ trình TCC các DNNN đã được Đảng và Chính phủ xác định rõ các mốc thời gian về cổ phần hóa (CPH), thoái vốn và hàng loạt các đầu mục công việc khác mà các DNNN cần thực hiện và hoàn thành trước cuối năm 2015.
CPH phải giải quyết được hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - DN và người lao động
Trong khi những kết quả bước đầu cũng như các thách thức, khó khăn chung trong TCC các DNNN đã được nói tới nhiều, bài viết này sẽ bàn nhiều hơn tới công tác dân vận, tư tưởng trong TCC các DNNN, cụ thể là tại Khối DNTW.
Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối DNTW cho biết, qua nắm bắt công tác tư tưởng và phản ánh dư luận từ cán bộ, đảng viên, người lao động của các đơn vị thì số đông đều đồng tình với Trung ương, Chính phủ và Đảng ủy Khối về chủ trương TCC, CPH và thoái vốn. Nhưng, nhiều ý kiến cũng bày tỏ mong muốn các công việc này phải làm thận trọng, hiệu quả, giải quyết tốt các chế độ chính sách cho người lao động; tránh nóng vội dẫn đến sai nguyên tắc, mất mát, lãng phí vốn của Nhà nước, gây tâm lý lo ngại hoang mang cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Công Dũng, Phó tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được thì tiến độ CPH còn chậm so với yêu cầu. Đã xuất hiện một số vấn đề bức xúc như: có DN về hình thức là thực hiện CPH nhưng thực ra lại là quá trình tư nhân hóa và thậm chí là tư nhân hóa không minh bạch.
Chẳng hạn, đã xảy ra tình trạng CPH ở một số khách sạn, trong đó đã đánh giá giá trị tài sản của khách sạn rất thấp chỉ vài tỷ đồng trong khi thực tế phải là gần 100 tỷ đồng. Một phần lớn giá trị của những khách sạn này rơi vào tay của một số người đã mua lại cổ phần của người lao động.
Thực tế cho thấy, năng suất và hiệu quả kinh doanh của một DN cổ phần thường cao hơn khi còn là DNNN. Đương nhiên kéo theo đó, việc làm và thu nhập của người lao động cũng sẽ được bảo đảm hơn. Tuy nhiên, ở một số DNNN đang “ngấp nghé” CPH lúc này, công tác tư tưởng, dân vận còn yếu, chưa giúp cho người lao động (thậm chí cả ở cấp lãnh đạo) nhận thức đúng và hiểu rõ được lợi ích của CPH để từ đó ủng hộ và tham gia tích cực vào quá trình này. Làm sao để mọi người coi CPH là một lợi ích chứ không phải là một sự “cưỡng bức” là bài toán cần giải quyết hiện nay.
“Đả thông” tư tưởng – khó nhưng vẫn làm được
Từ thực tiễn quá trình triển khai TCC của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), ông Trần Quang Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn cho rằng, công tác tư tưởng, dân vận trong TCC cần giải quyết được ít nhất 3 nhiệm vụ cơ bản có liên quan mật thiết với nhau. Trước hết là cần tuyên truyền cho DN, đặc biệt là cho người lao động biết và hiểu về chủ trương TCC một cách đúng đắn nhất.
Bên cạnh đó, cần có các cơ chế để động viên người lao động thực hiện bởi dù biết, hiểu rồi nhưng nếu người ta không làm hoặc phản ứng ngầm thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, việc tạo sự đồng thuận trong nội bộ DN và dư luận xã hội cũng rất cần thiết.
Để làm được 3 nhiệm vụ đó thì vấn đề đầu tiên là phải có sự đồng lòng và nhất trí cao của tập thể lãnh đạo DN. “Mọi vấn đề phải được đưa ra bàn bạc rất kỹ để đi đến thống nhất cao trong lãnh đạo trước khi được triển khai rộng rãi để tránh các câu chuyện có thể nảy sinh đằng sau” - ông Dũng nhấn mạnh. Cùng với đó, chủ trương này phải được thông suốt với đại diện ở các đơn vị. Vấn đề này không chỉ dừng lại ở công tác tư tưởng, dân vận mà cả công tác cán bộ.
Nếu chúng ta thấy gần đây Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong thực hiện lộ trình TCC và khẳng định những đơn vị không làm được, cán bộ lãnh đạo sẽ bị “xử” thì điều này sẽ được cụ thể hóa ở các tập đoàn, DNNN như thế nào? Đấy chính là đả thông tư tưởng và làm rất rõ với người đại diện của tập đoàn ở các đơn vị. “Nếu những người ở vị trí này không thông thì lập tức sẽ nảy sinh một loạt những lý do, một loạt khó khăn để trì hoãn chủ trương TCC” - ông Dũng nói.
Về chủ trương, cách làm là quyết liệt nhưng trong công tác giải thích, thuyết phục lại phải hết sức kiên trì. Hiện quy chế dân chủ, quy định về đối thoại với người lao động đã có thì những vấn đề trọng tâm như TCC càng phải được đưa ra để người lao động được bày tỏ quan điểm, từ đó nắm bắt và giải quyết. Quan trọng nhất là cần giúp người lao động thấy TCC không phải chỉ là về tổ chức mà còn về vấn đề quản trị, tài chính, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động DN…
Bên cạnh đó, họ cũng quan tâm đến chế độ chính sách sau này như ông chủ tịch HĐQT hay ông giám đốc thì quan tâm đến vị trí của họ sau CPH ra sao, còn người lao động bình thường thì vấn đề lương, bảo hiểm, nguy cơ mất việc so với trước đây như thế nào. Những vấn đề như trên cũng cần được giải quyết thấu đáo.
Đồng tình với điều này, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Chánh văn phòng Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) cho biết, Tập đoàn đã thực hiện CPH rất thành công từ năm 2011 là nhờ có sự nhất trí cao trong quản lý, điều hành và sự quan tâm đến lợi ích người lao động, gắn kết được quyền lợi cũng như trách nhiệm của họ sau CPH.
Bà Châu cũng lưu ý sau CPH, người lao động sẽ giữ “2 vai”: Vừa là người làm việc hưởng lương theo quy định, nhưng cũng là một nhà đầu tư được hưởng cổ tức nên trách nhiệm của họ cũng nhân đôi. Vậy thì công tác tư tưởng sẽ không chỉ được tiến hành trước và trong quá trình CPH mà ngay cả khi CPH đã thành công thì vấn đề làm sao giải quyết được hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - DN và người lao động vẫn cần phải được đặt ra.
Đỗ Lê