Tái cơ cấu DNNN: Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả
Ông Tomoyuki Kimura |
Đánh giá của ông về quyết tâm tái cơ cấu DNNN của Chính phủ Việt Nam?
Nghị quyết 15 cho thấy sự quyết tâm thực hiện CPH và thoái vốn của Chính phủ Việt Nam. Đây là sự tái khẳng định đối với quyết tâm cải cách của Chính phủ, nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta cần nhìn vấn đề thoái vốn, CPH trong một bức tranh lớn hơn. Đó là phải thực hiện tái cơ cấu (TCC) bởi vì rất nhiều DNNN hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ lớn.
Để TCC thành công, mỗi DNNN cần đưa ra được một chiến lược TCC rõ ràng, trong đó có phần định vị cụ thể các khoản đầu tư ngoài ngành cần thoái vốn. Nhưng liệu có thể thoái vốn, CPH được hay không còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường mà điều này thì không nằm trong vòng kiểm soát của họ.
Bởi vậy, bên cạnh các nỗ lực thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì một điều quan trọng khác là cần các nỗ lực bên trong của chính các DNNN để cải thiện hiệu quả hoạt động của mình. Có rất nhiều việc cần làm để cải thiện hiệu quả mà không chỉ nằm ở vấn đề làm sao thoái được vốn ra hay CPH.
Đó là những công việc gì, theo ông?
Có nhiều việc có thể làm như: Rà soát lại trong các hạng mục chi phí xem có thể cắt giảm ở những khâu nào? Rà soát lại khâu nhân sự xem đã sắp xếp đúng người, đúng việc hay chưa? Xem lại xem đã có các cơ chế khuyến khích để thúc đẩy người lao động nâng năng suất công việc chưa? Cấu trúc quản trị DN hiện có hợp lý không?…
Nhìn chung có rất nhiều thứ phải làm để nâng cao hiệu quả hoạt động mà không nhất thiết phải bán cổ phần và tài sản ra.
Ai là người có trách nhiệm thực hiện các hoạt động cải cách trên?
Tôi nghĩ các DNNN phải tự làm điều này và quyền tự chủ của họ phải được tôn trọng. Tất nhiên với những cải cách mang tầm chiến lược thì cần có những kế hoạch, hướng dẫn của Chính phủ. Chẳng hạn như với chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì với một DNNN cụ thể, họ sẽ tập trung đặt ra mục tiêu làm sao thoái được vốn.
Nhưng ở tầm bao quát hơn, cũng cần tính xem việc DN ấy rút vốn như vậy sẽ ảnh hưởng đến các DN mà họ đang góp vốn, hay đến ngành nghề, lĩnh vực đó thế nào. Vậy thì cần phải có người chịu trách nhiệm về một chiến lược tổng thể cho phát triển của các ngành nghề, lĩnh vực đó.
Ví dụ như trong ngành thép, một DNNN có thể có các công ty con hoạt động trong lĩnh vực thép và đây là lĩnh vực ngoài ngành của DN đó. Vì yêu cầu của Chính phủ nên DN này phải thoái vốn khỏi lĩnh vực đó. Tức là với DNNN ấy, họ cứ làm sao thoái vốn khỏi thép là xong, nhưng điều đó sẽ tác động tới ngành thép của cả nước như thế nào?
Vì thế, cần phải có một chiến lược tổng thể, dài hạn để làm sao nâng cao được sức cạnh tranh và hiệu quả của ngành thép và việc rút vốn khỏi ngành thép phải trên cơ sở phù hợp với chiến lược tổng thể đó, còn nếu chỉ đơn giản bảo rút là rút thì sẽ không mang lại hiệu quả.
Vậy muốn thoái vốn hay CPH được thì các DNNN cần làm gì?
Về thoái vốn, khi DNNN muốn bán ra thì nhà đầu tư (NĐT) muốn biết các thông số tài chính liên quan như về giá trị tài sản, về dòng tiền mặt có thể sinh ra từ các khoản vốn này… Vậy DNNN cần phải chuẩn bị những số liệu này để cung cấp thông tin minh bạch, chính xác cho các NĐT quan tâm. Với CPH cũng vậy, trước khi mua, các NĐT cũng muốn biết DNNN đó đang hoạt động ra sao, tình hình tài chính thế nào, mức độ minh bạch đến đâu. DNNN muốn CPH thì họ phải làm tốt những nội dung như vậy.
Đồng thời, như tôi đã nói ở trên, DNNN cần tập trung có các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong nội bộ DN mình để tự họ trở nên khỏe mạnh hơn, có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn thì từ đó sẽ thu hút được sự quan tâm của các NĐT.
Vậy liệu việc thoái vốn, CPH có hoàn thành được như mục tiêu đến cuối 2015?
Xin nhắc lại việc thoái vốn, CPH không phải là mục tiêu cuối cùng của TCC DNNN. Mục tiêu cuối cùng của TCC là làm cho các DNNN hoạt động hiệu quả hơn. Do đó, chỉ nên xem việc thoái vốn, CPH là những phương tiện để đạt được mục tiêu ấy.
Tất nhiên tôi không thể nói là mục tiêu như đã đưa ra hoàn thành thoái vốn, CPH vào cuối năm 2015 có thể đạt được hay không. Nó có thể đạt được, cũng có thể không tùy điều kiện thị trường, hoạt động triển khai TCC thực tế của các DNNN nhưng nhìn chung thì mục tiêu trên là khá hoài bão.
Trong xử lý nợ xấu, một trong những vấn đề quan trọng với VAMC bây giờ là làm sao bán ra các khoản nợ đã mua. Để bán ra được, cần chuẩn bị những điều kiện gì, thưa ông?
Theo cách hiểu của tôi thì VAMC đang dùng cơ chế mua, hay hoán đổi trái phiếu đặc biệt lấy nợ và tài sản thế chấp trên cơ sở giá trị sổ sách, trong đó phần lớn là bất động sản. Nếu họ tìm được người mua các tài sản thế chấp này thì sẽ phần nào phục hồi được các khoản nợ đã mua về, nhưng tất nhiên sẽ không được mức 100%, vì rõ ràng thị trường bất động sản chưa ấm lại. Như vậy nếu bán ra thì phải ghi nhận thua lỗ.
Do đó, để làm được thì VAMC cần có những hướng dẫn về mặt tài chính như ghi nhận sự thua lỗ ấy như thế nào. Hơn nữa, để làm được điều này cũng cần đến nguồn lực con người là những chuyên gia để giải quyết. Đồng thời, nó cũng cần đến các khung pháp lý liên quan phải được hoàn thiện. Nếu khung pháp lý chưa rõ ràng thì có lẽ các nhà đầu tư sẽ không quan tâm mua.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lê thực hiện