Công ty cho thuê tài chính: Mong sớm được mở thêm cơ hội
Tuy nhiên, cũng còn một số điểm được các công ty CTTC cho rằng chưa phù hợp, gây ra những khó khăn vướng mắc trong thực tế.
Việc gỡ sớm những vướng mắc trên sẽ giúp các công ty CTTC có thêm cơ hội để nâng cao năng lực |
Ví như trong Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, việc xác định giá trị bảo đảm của tài sản CTTC là giá trị tài sản CTTC theo hợp đồng CTTC trừ đi tiền thuê phải trả không phù hợp, là không phản ảnh hợp lý giá trị tài sản CTTC.
Bởi về bản chất, tài sản CTTC cũng là tài sản đảm bảo cho khoản thuê tài chính và công ty CTTC có toàn quyền thu hồi, xử lý để thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng không trả được nợ. Mặt khác, việc xác định giá trị cần phản ánh đúng bản chất kinh tế của tài sản CTTC, dựa trên giá trị thực tế theo thẩm định giá của tổ chức độc lập, hoặc theo quy định nội bộ của các công ty CTTC, tương tự như xử lý tài sản đảm bảo của các NHTM.
Hãy nhìn vào quyền sở hữu tài sản CTTC thuộc quyền sở hữu của công ty CTTC. Dù không hạch toán trên Bảng cân đối tài khoản của công ty CTTC, nhưng việc xác định giá trị còn lại của tài sản CTTC vẫn thực hiện tương tự như đối với tài sản cố định khác của công ty CTTC. Do đó, việc xác định giá trị đảm bảo của tài sản CTTC cần được tính theo giá trị còn lại của tài sản CTTC (nguyên giá trừ đi khấu hao), hoặc theo kết quả của tổ chức có chức năng thẩm định giá.
Với Thông tư 36/2014/TT-NHNN, việc quy định các tài sản có tính thanh khoản cao bao gồm các loại giấy tờ có giá sử dụng trong các giao dịch của NHNN, tuy nhiên không đề cập đến trái phiếu VAMC là chưa phù hợp.
Vì trái phiếu VAMC là trái phiếu đặc biệt mà các công ty CTTC có thể sử dụng để vay tái cấp vốn từ NHNN. Như vậy, khoản trái phiếu này hoàn toàn đủ điều kiện để chuyển đổi thành tiền (tức là một loại tài sản có tính thanh khoản cao).
Quy định về những khoản cấp tín dụng được loại trừ khi tính toán giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, chỉ áp dụng cho các khoản cho vay theo ủy thác, cho vay/bảo lãnh đối với các TCTD khác, khoản cho vay có bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi tiết kiệm, được loại trừ khi xác định mức dư nợ cấp tín dụng.
Tuy nhiên, các khoản CTTC từ nguồn vốn ủy thác, CTTC được bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi tiết kiệm, các khoản CTTC đối với các TCTD (về bản chất cũng là một hình thức cấp tín dụng) lại không được đề cập để loại trừ trong quy định này.
Trong khi đó, CTTC cũng là cấp tín dụng như một khoản cho vay, và công ty CTTC cũng không phải chịu rủi ro đối với khoản CTTC có bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi tiết kiệm, hoặc chịu rủi ro thấp trong trường hợp CTTC đối với các TCTD khác.
Do đó, sự phân biệt đối xử giữa nghiệp vụ CTTC và nghiệp vụ cho vay là không hợp lý, và sẽ hạn chế khả năng đa dạng hóa hoạt động, phân tán rủi ro của các công ty CTTC. Đây là lý do Hiệp hội CTTC kiến nghị bổ sung 3 trường hợp loại trừ khi tính mức dư nợ cấp tín dụng gồm: Các khoản CTTC từ nguồn vốn ủy thác, các khoản CTTC được đảm bảo toàn bộ bằng tiền gửi tiết kiệm, và các khoản CTTC đối với các TCTD.
Về quy định nguồn vốn ngắn hạn, theo công thức xác định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn tại Khoản 1, Điều 17, 36/2014/TT-NHNN, thì toàn bộ các khoản vốn huy động từ các TCTD trong nước, kể cả từ ngân hàng mẹ để hoạt động kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 21/2012/TT-NHNN, đều bị loại trừ khi xác định nguồn vốn ngắn hạn và trung dài hạn của các TCTD.
Đây là điểm khác biệt so với quy định tại Thông tư số 15/2009/TT-NHNN ngày 10/8/2009, do đó mặc dù tỷ lệ này được tăng từ mức 30% trước đây lên mức 200% (như quy định tại Khoản 5, Điều 17), nhưng các công ty CTTC vẫn không thể đáp ứng do không phù hợp với đặc thù hoạt động hiện nay tại Việt Nam.
Cũng theo quy định của Điều 112, Luật Các TCTD 2010, công ty CTTC chỉ được phép nhận tiền gửi của tổ chức; và phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức.
Trên thực tế, các công ty CTTC chưa đủ điều kiện và uy tín để phát hành các giấy tờ có giá để huy động vốn, mà nguồn vốn hoạt động chủ yếu là từ ngân hàng mẹ và các khoản vay từ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 loại trừ các khoản vay từ các TCTD, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam ra khỏi nguồn vốn ngắn hạn là không phù hợp và không phản ánh chính xác tình trạng nguồn vốn ngắn hạn của các công ty CTTC hiện nay. Quy định này đã khiến cho tất cả các công ty CTTC đang hoạt động tại Việt Nam không thể tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 200%.
Vì vậy, Hiệp hội CTTC Việt Nam kiến nghị cho phép công ty CTTC không phải loại trừ nguồn vốn huy động từ các TCTD trong việc xác định nguồn vốn trung dài hạn, ngắn hạn khi tính tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tạo điều kiện để hoạt động CTTC ở nước ta phát triển thuận lợi và bền vững.
Theo Hiệp hội CTTC Việt Nam, mới đây NHNN đã có văn bản trả lời Hiệp hội, khẳng định sẽ xem xét chỉnh sửa quy định về việc xác định giá trị tài sản đảm bảo đối với tài sản CTTC tại Thông tư 02 vào thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các công ty CTTC đang phải cạnh tranh gay gắt để sinh tồn cùng các mô hình tín dụng khác, việc gỡ sớm những vướng mắc trên sẽ giúp các công ty CTTC có thêm cơ hội để nâng cao năng lực, nhân rộng mô hình tín dụng hỗ trợ các DN, đặc biệt là DNNVV.