Công ty tài chính: “Bùng” nhưng chưa “nổ”
Đừng để đi vay rồi không trả nổi | |
Công ty tài chính đẩy mạnh việc cho vay tiền mặt | |
Minh bạch hoá cho vay tiêu dùng |
Hấp lực lớn
Năm 2017, SHB đặt chỉ tiêu lãi trước thuế đạt 1.750 tỷ đồng, tăng tới 50% so với năm 2016. Song theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, chỉ tiêu đặt ra như vậy là khiêm tốn và thận trọng, vì khi công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng SHB được thành lập, sau khi SHB hoàn tất nhận sáp nhập CTTC Vinaconex – Viettel, và đi vào hoạt động thì sẽ đóng góp rất lớn vào kết quả kinh doanh của NH này.
CTTC tiêu dùng SHB có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, dự kiến chính thức hoạt động và ghi nhận lợi nhuận từ quý III/2017. Trong năm nay, công ty dự kiến sẽ đóng góp trên 100 tỷ đồng vào lợi nhuận chung của SHB. Ông Hiển cũng cho biết, NH tuyển dụng tổng giám đốc giỏi, chuyên gia về bán lẻ và đã mời được một số ứng viên xuất sắc về làm quản lý công ty này…
Kỳ vọng thu lợi từ CTTC không chỉ có ở SHB. Các chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay hầu hết các NH đều “đặt cửa” vào triển vọng kinh doanh mảng tài chính tiêu dùng. Về cơ bản, nền tảng để hoạt động này phát triển là vững chắc, vì theo ước tính thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam có quy mô lên đến 15 tỷ USD/năm, với khoảng 30 triệu người trong độ tuổi 29-50 là khách hàng mục tiêu quan trọng.
Cho vay tiêu dùng đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết |
Một số phân tích về thị trường này cũng cho thấy kỳ vọng trên là có cơ sở: nhu cầu vay của các khách hàng có thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng tương đối nhiều, trong khi với mức thu nhập này thường gặp khó khăn khi vay NH, nhưng dễ vay từ các CTTC…
Với triển vọng thị trường như vậy, năm 2016, nhiều CTTC cũng đã đạt lợi nhuận rất khả quan. Chẳng hạn như FE Credit đạt lợi nhuận trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng, HD Saison đạt lợi nhuận hơn 440 tỷ đồng… Đây cũng chính là lý do các tập đoàn tài chính Nhật Bản khá tích cực mua cổ phần chi phối 49% của các CTTC trong nước.
Tình thế đó khiến cho nhiều NH chưa sở hữu CTTC cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu sở hữu này. Lãnh đạo ACB cho biết hiện chưa có công ty nào phù hợp với định hướng phát triển của NH này, nhưng HĐQT sẽ tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm trong năm nay.
Mới đây, HĐQT VIB cũng đã trình cổ đông thông qua là chủ trương nhận chuyển nhượng mảng hoạt động kinh doanh NH bán lẻ của một TCTD tại Việt Nam, bao gồm tài sản và công nợ. Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, đây không phải là trường hợp duy nhất mà VIB hướng tới trong thời gian qua và VIB không loại trừ NH trong nước hay ngoài nước mà ưu tiên tìm NH có tài sản tốt, thông tin minh bạch…
Ngoài ra, đại diện một số hiệp hội DN nước ngoài cho biết, nhiều DN cũng muốn thành lập CTTC 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, nhưng do vướng thủ tục nên chưa thể thực hiện được…
Nhưng thành công không dễ
Hiện nay, nhiều TCTD nước ngoài đang “tấn công” mạnh vào thị trường bán lẻ vì đối với mảng kinh doanh này, mặc dù mỗi khoản tín dụng có rủi ro cao nhưng tính trên tổng dư nợ thì lại thấp khi được phân bổ ra rất nhiều khách hàng. Đồng thời, các TCTD này có những công cụ quản lý rủi ro rất tốt đối với khách hàng bán lẻ, nên luôn đạt lợi nhuận cao từ mảng này. Trong khi đó, trào lưu mở rộng bán lẻ qua CTTC khá rầm rộ trong hơn 3 năm qua, nhưng không phải NH nào cũng định hướng được mô hình phát triển.
Sau khi Techcombank mua lại CTTC cổ phần Hóa chất, chuyển thành CTTC TNHH MTV Kỹ thương, nhưng từ năm 2015 đến nay, CTTC này chưa ghi được dấu ấn, hình ảnh của mình trên thị trường. Còn Maritime Bank sau khi mua lại CTTC Dệt may thì thị trường cũng đón nhận rất ít thông tin về công ty này. Nhiều cổ đông NH thắc mắc liệu NH có kế hoạch phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng như thế nào?
Tài chính tiêu dùng là một phân khúc nhiều tiềm năng để phát triển, có thể đem lại lợi nhuận cao, song tới nay thị trường mới có 6 CTTC tiêu dùng, còn lại là do các NH cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng. Hiện thị phần của NHTM chiếm 87%, CTTC 12%, các công ty Fintech chiếm 1%. Việc nhiều CTTC rầm rộ thành lập nhưng thị phần vẫn còn thấp như vậy cho thấy muốn sử dụng CTTC để khai thác thị trường tài chính tiêu dùng cũng không phải là chuyện dễ.
Sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF), VPBank chính thức chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang FE Credit. Mặc dù FE Credit hoạt động hiệu quả với lợi nhuận nghìn tỷ đóng góp vào NH mẹ, nhưng đi kèm đó là tỷ lệ nợ xấu cao, do đó năm nào cổ đông của NH cũng lo lắng có thể ảnh hưởng đến kết quả chung.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo VPBank cho biết, năm 2016, NH đứng đầu về doanh thu trong nhóm NHTMCP, trong đó FE Credit đóng góp 50% doanh thu. Vị này cũng thẳng thắn nhìn nhận doanh thu của VPBank lớn vì tham gia phân khúc nhiều rủi ro. Do đó, NH đã xây dựng nền tảng quản lý để các rủi ro được phát hiện, nhận biết và có biện pháp để hạn chế. Năm trước, VPBank từng có ý định bán 49% vốn FE Credit cho đối tác nước ngoài, hiện quá trình làm việc với các đối tác vẫn đang thực hiện vì ngoài việc mua bán là quan hệ hai bên, việc này còn phải phụ thuộc vào quy định của cơ quan quản lý.
Theo giám đốc khối tín dụng tiêu dùng của một CTTC, trong trào lưu mua lại CTTC đã có NH thành công, nhưng cũng có không ít NH đối mặt với thách thức. Đối với lĩnh vực này, muốn thành công, NH cần phải xử lý tốt các vấn đề cốt yếu như nhân sự, công nghệ, quản trị rủi ro… làm nền tảng để phát triển và cạnh tranh. Hiện nhiều CTTC vẫn còn vướng mắc trong vấn đề xây dựng mô hình phân phối và tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh. Đó cũng là lý do mà nhiều NH muốn bán vốn lại cho các đối tác chiến lược nước ngoài.