Đừng để đi vay rồi không trả nổi
Công ty tài chính tiêu dùng “đắt khách” | |
Đón đầu tiềm năng tài chính tiêu dùng | |
Vay tài chính tiêu dùng: Khoác áo mới cho sinh viên |
Mô hình cho vay tiêu dùng trả góp qua thẻ tại NH hay qua điểm bán của công ty tài chính (CTTC) không phải vừa xuất hiện tại Việt Nam mà đã có lịch sử phát triển cả trăm năm ở các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Nga…Và việc du nhập vào Việt Nam, tạo thành xu hướng vay trước trả sau cũng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước từ khá lâu. Tuy nhiên, để vay được vốn, người vay cần xác định xem mình thuộc đối tượng nào (thu nhập cao hay thấp) để có phương án lựa chọn địa chỉ vay cho phù hợp.
Cụ thể, với người có thu nhập trung bình – cao và ổn định thì đây là đối tượng được các NH săn đón chăm sóc. Ngược lại, với những người thu nhập trung bình – thấp thì họ là khách hàng ruột của CTTC. Việc phân chia thị phần ở lĩnh vực vay tiêu dùng hiện đã rất rõ ràng.
Cần ở thế chủ động khi vay tiêu dùng |
Để vay được tiền từ ngân hàng, người đi vay cần phải làm rất nhiều hồ sơ thủ tục chứng minh thu nhập như hợp đồng lao động, bản sao kê lương 3-6 tháng gần nhất và thu nhập phải ở mức đủ cao để vừa trang trải cuộc sống hàng ngày vừa trả lãi ngân hàng… Các món vay từ ngân hàng cũng khoảng trên 100 triệu đồng, hoặc khoản vay nhỏ hơn thông qua thẻ tín dụng nhưng điều kiện để người thu nhập thấp mở thẻ tín dụng không đơn giản.
Khi vay, đa số người vay đều muốn thủ tục thật nhanh, gọn, có thể có tiền hay hàng trong thời gian ngắn mà hầu như ít quan tâm đến những điều khoản vay. Thậm chí, có nhiều người còn giao luôn cho nhân viên tư vấn điền hộ hồ sơ và mình chỉ ký tên. Hệ quả, đến khi về nhà suy nghĩ kỹ mới thấy “ngỡ ngàng”.
Trường hợp của chị Minh Thư là một ví dụ. Vì là công nhân viên chức nên tiền lương của chị có thể mở được một thẻ tín dụng với hạn mức 30-50 triệu đồng. Vì lơ là nên khi làm thủ tục mở thẻ, chị chỉ nhớ được thông tin là quẹt thẻ 45 ngày không mất phí, lãi mà không hỏi chi tiết ngày đáo tất toán hóa đơn là ngày nào, và làm thế nào mới được không bị tính lãi…
Thế là chị hí hửng đi mua sắm, quẹt thẻ gần hết hạn mức, đinh ninh rằng tháng sau nộp tiền trả vào NH là được. Đến khi NH gửi thông báo về dư nợ thì chị mới tá hỏa là mình đã hiểu nhầm do không đọc kỹ các điều khoản mà ngân hàng đã ghi rõ ngay từ lúc ký hồ sơ. Là người có kiến thức và hiểu biết về tài chính, khi được phía NH giải thích, chị sớm nhận ra lỗi là ở bản thân nhưng chị cũng cảm thấy không vui vì những gì thực tế đang khác so với suy nghĩ trước đó.
Câu chuyện bất mãn với người cho vay xảy ra càng nhiều hơn đối với CTTC. Sẽ khó có thể thống kê trong năm 2016 có bao nhiêu vụ kiện cáo liên quan đến việc tính lãi vay tại CTTC nhưng nguyên nhân chung dẫn đến vụ việc thì có thể hiểu được. Đó là, rất nhiều người sau khi đã có tiền và hàng để sử dụng và cần phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, mới đọc lại hợp đồng thì cho rằng có nhiều điểm mập mờ về các điều khoản vay mà họ không được nhân viên tư vấn thật kỹ trước khi vay.
Rõ ràng, người vay họ đang quên một điều rất cơ bản đó là khách hàng là người toàn quyền khi đi vay, nếu thực sự họ thấy mập mờ, họ có thể hỏi nhân viên ngay lúc ký hợp đồng, và nếu không thể hoàn toàn thỏa mãn họ có quyền từ chối vay. Nhân viên CTTC không thể ép buộc khách hàng vay. Không chỉ vậy, theo quy định của NHNN, các CTTC phải niêm yết công khai lãi suất tại điểm bán, khách hàng hoàn toàn có thể đọc những thông tin này khi họ làm thủ tục vay. Cũng có khách hàng khi đi vay chưa cân nhắc kỹ tình hình tài chính của mình, liệu có chi trả nổi khoản góp hàng tháng không. Do chưa suy tính kỹ, mà sau một thời gian trả nợ đã cảm thấy đuối sức.
Suy cho cùng, tất cả những trường hợp khách hàng khiếu kiện phần lớn là quá bị động trong quá trình đi vay, chưa biết và chưa hiểu hết quyền và nghĩa vụ của mình trong một giao dịch tín dụng…
Tóm lại, đến thời điểm này, cần lắm một sự nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò và hoạt động của các NH và CTTC, nói rộng hơn là ngành tài chính tiêu dùng, đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Nói như các chuyên gia tài chính quốc tế, tài chính tiêu dùng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò trung tâm cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng. Hoạt động cho vay tiêu dùng nên được khuyến khích vì nó đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tín dụng, đặc biệt cho tầng lớp có mức thu nhập trung bình thấp và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng sự hiểu biết về mặt tài chính…
Các CTTC đang hoạt động hiện nay, với bộ máy cả chục ngàn nhân viên, thiết nghĩ sẽ có những sai sót khi tư vấn cho khách hàng dù cho chính sách, quy định chặt chẽ đến đâu. Điều quan trọng hơn hết là người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình trước khi tiếp cận với một tiện ích tài chính, không phải chỉ với CTTC mà với cả dịch vụ NH…